Tại sao Chủ tịch Tập Cận Bình chú trọng đẩy mạnh phát triển chất lượng cao ?
Nguyễn Mai Vinh
Junior Analyst
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng nhấn mạnh “phát triển chất lượng cao” là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất trong việc xây dựng một đất nước hiện đại trên mọi phương diện. Vậy thì ý nghĩa đằng sau cụm từ này là gì ?
Khi kinh tế Trung Quốc cuối cùng cũng được giải phóng khỏi chính sách kiểm soát dịch Covid-19 nghiêm ngặt nhất thế giới vào cuối năm 2022, rất nhiều người đã hy vọng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ bùng nổ trở lại và giúp thúc đẩy tăng trưởng toàn cầu. Thay vào đó, quốc gia này lại phải đối mặt với hàng loạt vấn đề như khủng hoảng bất động sản, xuất khẩu thu hẹp, chi tiêu tiêu dùng trì trệ và nợ chính quyền địa phương tăng cao. Nguy cơ xảy ra tình trạng giảm phát tương tự như Nhật Bản đã dẫn đến làn sóng rút vốn nước ngoài. Tuy nhiên, như vậy có lẽ là chưa đủ để Chủ tịch Tập Cận Bình sử dụng các gói kích thích lớn. Một phần của quyết định đó xuất phát từ mong muốn thúc đẩy chuyển đổi xanh và công nghệ cao trong tương lai, đồng thời tránh một đợt tăng trưởng không bền vững khác do nợ nần. Một cụm từ xuất hiện trong nhiều bài phát biểu gần đây của ông Tập dường như đã tóm tắt cách tiếp cận của ông: “phát triển chất lượng cao”.
1. Ý nghĩa của “phát triển chất lượng cao” ?
Cụm từ này được coi là tập trung vào chất lượng thay vì tốc độ tăng trưởng kinh tế tuyệt đối. Trong lần đầu tiên đề cập tới thuật ngữ này tại Đại hội Đảng năm 2017, ông Tập nói rằng nền kinh tế Trung Quốc đang chuyển mình từ “giai đoạn tăng trưởng tốc độ cao”. Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng suất và cải thiện cơ cấu nền kinh tế, đồng thời kêu gọi phát triển hiệu quả và bền vững hơn. Một phân tích các ấn phẩm của Đảng Cộng sản kể từ đó cho thấy tiến bộ trong 6 lĩnh vực chính thường được trích dẫn là cần thiết, bao gồm làm cho nền kinh tế xanh hơn, đổi mới hơn và cân bằng hơn.
2. Tại sao mục tiêu này quan trọng?
Các chiến lược quan trọng đưa ra bởi ông Tập sẽ củng cố việc hoạch định chính sách kinh tế và chính trị của Trung Quốc. Hiểu được những cụm từ mà ông sử dụng sẽ giúp mang lại cái nhìn sâu sắc về cách Bắc Kinh định hình nền kinh tế lớn thứ hai thế giới trong tương lai, từ ý định tăng cường khả năng tự cung tự cấp bằng chiến lược “lưu thông kép”, đến tập trung thu hẹp khoảng cách giàu nghèo với chủ trương thúc đẩy “thịnh vượng chung”. Việc Chủ tịch Tập Cận Bình củng cố quyền lực trong thập kỷ qua có nghĩa là mọi người càng tin vào lời nói của ông hơn, và các nhà đầu tư buộc phải phân tích các phát ngôn của Đảng để tìm kiếm manh mối. Ông Tập đã nhắc tới tới cụm từ này ít nhất 128 lần trong năm 2023, gần gấp đôi số lần đề cập trong năm 2022. Điều đó phản ánh tầm quan trọng ngày càng lớn của mục tiêu “phát triển chất lượng cao”.
3. “Phát triển chất lượng cao” đã và đang diễn ra như thế nào ?
Thật khó để đưa ra câu trả lời chắc chắn vì khái niệm này quá rộng. Trong nỗ lực đưa ra khuôn khổ đánh giá tăng trưởng chất lượng cao, trưởng cơ quan thống kê tỉnh Quảng Đông đã phát triển khoảng 41 thước đo đánh giá, từ ô nhiễm đến rủi ro tài chính. Nhìn chung, Trung Quốc đã chứng kiến sự tiến bộ trong một số lĩnh vực: nền kinh tế ngày càng được hỗ trợ bởi năng lượng sạch, nỗ lực phát triển sản xuất tiên tiến và các công nghệ quan trọng đang mang lại những thành quả ban đầu. Tuy nhiên, các lĩnh vực khác vẫn cho thấy sự trái chiều. Nỗ lực giảm phụ thuộc vào thị trường bất động sản và vay mượn của chính quyền địa phương dù vẫn chưa đạt kết quả, nhưng đã đè nặng lên hoạt động kinh tế và niềm tin của người tiêu dùng. Tăng trưởng thu nhập hộ gia đình vẫn còn yếu và thước đo đầu tư nước ngoài lần đầu tiên cán mốc âm.
4. Tại sao nhà đầu tư lo ngại ?
Chủ trương giảm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế có nghĩa là các nhà hoạch định chính sách chưa sẵn lòng tung ra các biện pháp kích thích mạnh mẽ. Điều này có thể làm nghiêm trọng hơn vấn đề nhu cầu yếu, làm dấy lên lo ngại về khả năng Trung Quốc rơi vào tình trạng trì trệ kéo dài tương tự như những gì Nhật Bản đã trải qua từ những năm 1990. Nguy cơ về giảm phát ngăn cản dòng vốn đầu tư từ nước ngoài. Các quan chức hàng đầu, bao gồm Thủ tướng Lý Cường, gần đây đã nhấn mạnh rằng họ không muốn áp dụng các biện pháp kích thích lớn nhằm thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn nhưng phải trả giá bằng những rủi ro trong tương lai. Thật vậy, Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) Phan Công Thắng từng cảnh báo, quá trình chuyển đổi nền kinh tế sang mô hình lành mạnh hơn sẽ là một “hành trình dài và khó khăn”, sẽ là tin xấu đối với các nhà đầu cơ. Cuộc khủng hoảng bất động sản tại Trung Quốc là ví dụ điển hình về những gì sẽ xảy ra khi chính phủ hạn chế tăng trưởng dựa vào nợ. Cuộc khủng hoảng này dẫn đến một làn sóng vỡ nợ và giá nhà sụt giảm liên tục, khiến các nhà đầu tư càng thêm bi quan.
5. Tình hình tệ tới mức nào ?
Đối với các công ty và nhà đầu tư nước ngoài, môi trường kinh doanh đã xấu đi rõ rệt trong những năm gần đây. Các doanh nghiệp nước ngoài dường như ít sẵn sàng tái đầu tư lợi nhuận kiếm được tại Trung Quốc, do căng thẳng leo thang với phương Tây và cơ hội đầu tư ở nước ngoài trở nên hấp dẫn hơn. Khoảng 6 nghìn tỷ USD vốn hoá đã bị cuốn phăng khỏi các sàn giao dịch chứng khoán ở Trung Quốc đại lục và Hồng Kông trong 3 năm cho thấy mức độ bi quan của nhà đầu tư. Bất chấp sự cần thiết của các hành động quyết đoán hơn nhằm chống lại giảm phát, PBOC vẫn giữ nguyên cách tiếp cận vừa phải đối với việc cắt giảm lãi suất kể từ đại dịch. Bắc Kinh lập luận rằng nền kinh tế sẽ trở nên bền vững hơn trong dài hạn, được hỗ trợ bởi các ngành và lĩnh vực cạnh tranh mới nổi. Truyền thông nhà nước trích dẫn vai trò dẫn đầu của nước này trong sản xuất xe điện, pin, thiết bị viễn thông 5G, thanh toán di động và pin mặt trời, cho biết Trung Quốc vẫn là thị trường hấp dẫn đối với các công ty đa quốc gia.
Bloomberg