Tam giác quyền lực tài chính: Khi Fed, ECB và Trung Quốc cùng mở van thanh khoản - Cơ hội hay thách thức?
Ngọc Lan
Junior Editor
Các ngân hàng trung ương có xu hướng nới lỏng chính sách tiền tệ cùng với các gói kích thích kinh tế từ Trung Quốc đang góp phần tạo nên một bức tranh thanh khoản vô cùng tích cực.
Đây là một triển vọng thuận lợi cho thị trường chứng khoán, nhưng cũng có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ quá mức, khiến cổ phiếu được định giá quá cao.
Đây có thể ví như một "cơn bão hoàn hảo".
Điều kiện thanh khoản vốn đã rất thuận lợi, với các ngân hàng trung ương trên toàn cầu bắt đầu nới lỏng chính sách và tăng trưởng tiền tệ bắt đầu tăng lên.
Sau đó, Fed đã khởi động chu kỳ nới lỏng bằng việc cắt giảm lãi suất mạnh tay 50 bps. Điều này không chỉ thúc đẩy tăng trưởng tiền tệ ở Mỹ mà còn khuyến khích các ngân hàng trung ương khác mạnh dạn cắt giảm lãi suất nhiều hơn.
ECB, chẳng hạn, giờ đây sẽ có thêm dư địa để hạ lãi suất tại cuộc họp tháng 10, đúng như kỳ vọng của thị trường.
Và đừng quên một nhân tố quan trọng khác - "con rồng" Trung Quốc đang thức giấc.
Các biện pháp kích thích của Trung Quốc đang sẵn sàng thúc đẩy tăng trưởng tiền tệ vốn đang suy yếu ở nước này, điều này sẽ có tác động đáng kể đến thanh khoản toàn cầu.
Biểu đồ dưới đây thể hiện tăng trưởng M1 thực tế của nhóm G-10 cộng thêm Trung Quốc. Tốc độ thay đổi hàng năm của M1 thực tế nhóm G-10 đã tăng mạnh. Mặc dù con số vẫn còn ở mức âm, nhưng điều này không quan trọng bằng việc nó đang thay đổi theo chiều hướng tích cực.
Gói kích thích của Trung Quốc có thể tạo đà mạnh mẽ cho thanh khoản toàn cầu
Chỉ cần giả định rằng M1 của Trung Quốc không suy giảm trong năm qua, ta có thể thấy M1 thực tế toàn cầu đã có thể tăng so với cùng kỳ năm trước và đang có xu hướng tăng mạnh.
M1 thực tế toàn cầu thường dẫn trước sự tăng trưởng của cổ phiếu Mỹ khoảng 6 tháng. Thanh khoản dồi dào hơn chắc chắn sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng trưởng của cổ phiếu.
Tuy nhiên, cũng không thể tránh khỏi những thách thức khi nhiều thị trường như Nasdaq, S&P, Ấn Độ, Nhật Bản và Úc đã có tỷ lệ P/E trên 20 - một con số đáng báo động.
Nhiều thị trường toàn cầu đang có mức định giá cao
Quá nhiều thanh khoản có thể dễ dàng dẫn đến tình trạng đầu cơ do tâm lý sợ bỏ lỡ cơ hội (FOMO), khiến cổ phiếu rơi vào tình thế ngày càng bấp bênh.
ZeroHedge