Technical Analysis 101. Fibonacci và ứng dụng trong giao dịch Forex (Part 2)
Uông Quang
Manager, Technical Analyst
Kiến thức giao dịch với Fibonacci.
Chúng ta sẽ cùng thảo luận về những ứng dụng hữu ích của công cụ Fibonacci trong phần tiếp theo của series.
Kết hợp Fibonacci với hỗ trợ và kháng cự
Fibonacci luôn là một công cụ rất hiệu quả, nhưng như đã nói, việc sử dụng chỉ một mình Fibonacci riêng lẻ có thể sẽ không đem lại hiệu quả cao. Vì vậy, chúng ta sẽ thử kết hợp nó với Hỗ trợ và Kháng cự nhằm tăng thêm mức độ hiệu nghiệm xem sao. Nếu bản thân Fibonacci đã là những mức hỗ trợ hoặc kháng cự và chúng ta kết hợp nó với những vùng giá mà những người giao dịch khác đang đợi để mua hoặc bán (các vùng hỗ trợ và kháng cự) thì rõ ràng khả năng giá bật lại từ vùng đó sẽ lớn hơn rất nhiều. Hãy xem ví dụ về việc kết hợp hỗ trợ và kháng cự với các mức Fibonacci. Dưới đây là biểu đồ ngày của USDCHF:
USDCHF đang duy trì một xu hướng tăng và chúng ta quyết định rằng sẽ đợi MUA USDCHF. Câu hỏi đặt ra là “chúng ta sẽ mua ở đâu?”. Fibonacci được dùng để trả lời câu hỏi này khi được căng từ vùng thấp 1.0132 ngày 11.01 đến vùng cao 1.0899 ngày 19.02. Bây giờ hãy xem lại biểu đồ USDCHF sau khi Fibonacci được căng ra.
Nhìn vào biểu đồ bên trên và hãy để ý vùng giá 1.0510. Đây là vùng giá đã tạo kháng cự trước đó và bây giờ lại trùng khớp với Fibonacci retracement 50%. Vùng kháng cự 1.0510 cũ đã bị phá vỡ, bây giờ, nó có thể sẽ đóng vai trò hỗ trợ và thành điểm mua đẹp.
Nếu bạn mua quanh khu vực Fibonacci 50% thì có vẻ là một quyết định tốt. Hãy xem lần chạm thứ 2 của giá vào vùng này. Giá đã cố gắng xuyên thủng vùng này những lại không thể đóng cửa phía dưới. Sau đó, giá đi lên và phá qua đỉnh cũ.
Vì sao điều này xảy ra?
Đầu tiên, các mức hỗ trợ hoặc kháng cự cũ là những vùng tốt để đặt lệnh mua hoặc bán bởi vì những người giao dịch khác sẽ chú ý vào những vùng này.
Thứ hai, chúng ta biết rằng có khá nhiều người giao dịch cũng sử dụng Fibonacci nên có thể họ cũng đang đợi mua bán tại các vùng Fibonacci như chúng ta. Nếu kết hợp với cả Hỗ trợ và kháng cự thì rõ ràng sẽ có nhiều lệnh hơn được đặt mua ở các vùng đó và giá có thể sẽ đi như chúng ta mong muốn.
Tất nhiên là không có gì đảm bảo cho việc giá sẽ bật lại từ các vùng chúng ta phân tích nhưng ít nhất chúng ta sẽ có sự tự tin hơn nếu phân tích được rõ ràng như trên. Cần ghi nhớ rằng việc giao dịch là dựa vào các khả năng có thể xảy ra chứ không có gì chắc chắn, vì vậy chúng ta cần chọn cho mình những điểm vào lệnh có khả năng chiến thắng cao hơn bình thường.
Kết hợp Fibonacci với đường xu hướng (trendline)
Một công cụ khác kết hợp rất tốt với Fibonacci là đường xu hướng – trend line. Chúng ta biết rằng việc sử dụng Fibonacci là nhằm tìm các điểm hỗ trợ và kháng cự trong một xu hướng tăng hoặc giảm. Đường xu hướng cũng có tác dụng như vậy. Vậy nếu có thể kết hợp được 2 yếu tố này lại với nhau thì rõ ràng hiệu quả sẽ tăng lên nhiều. Hãy xem ví dụ với cặp tiền AUDJPY dưới đây ở chart H1. Giá đang được đường xu hướng bên dưới hỗ trợ rất tốt.
Để tìm điểm vào lệnh theo Fibonacci retracement, chúng ta căng Fibonacci cho vùng đáy 82.61 và vùng đỉnh 83.84. Hãy chú ý vùng Fibonacci 50% và 61.8% giao nhau với đường xu hướng tăng. Cùng những xem tiếp diễn biến tiếp theo.
Fibonacci 61.8% đã không bị xuyên thủng và giá chỉ chạm vào đây trước khi quay đầu lên đi tiếp và phá qua đỉnh cao trước đó.
Việc vẽ đường xu hướng – trendline – tất nhiên sẽ có rất nhiều ý kiến khác nhau do cách chọn đỉnh đáy khác nhau, tuy nhiên, rõ ràng sự kết hợp giữa Fibonacci và đường xu hướng là một công cụ mà bạn không nên bỏ qua.
Chúng ta sẽ còn gặp lại nhau trong những phần tiếp theo của series. Hẹn gặp lại !!