Thị trường Châu Á ảm đạm cùng triển vọng kinh tế Trung Quốc
Đinh Nguyễn Trường Giang
Junior Analyst
Thị trường chứng khoán Châu Á trái chiều vào đầu phiên thứ Ba khi sự phục hồi kinh tế chậm chạp của Trung Quốc khiến nhiều ngân hàng điều chỉnh giảm dự báo tăng trưởng và cảnh báo từ Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Janet Yellen cho rằng điều này có thể gây ra những tác động xấu lên nền kinh tế toàn cầu.
Cổ phiếu tăng ở Nhật Bản, nhưng giảm ở Hàn Quốc và Úc. HĐTL chứng khoán Hong Kong giảm nhẹ cùng HĐTL tại Mỹ sau khi S&P 500 tăng 0.4% và Nasdaq 100 tăng gần 1% vào thứ Hai, với Activision Blizzard dẫn dắt thị trường sau khi Microsoft và các cơ quan quản lý Anh đã có cuộc đàm phán "hiệu quả" cần thiết để giải quyết việc hợp nhất 69 tỷ USD giữa hai công ty này.
Ở Mỹ, thị trường đang ngày càng tin rằng Cục Dự trữ Liên bang đang đến gần cuối chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ khi mối đe dọa lạm phát giảm đi. USD chưa biến động mạnh so với các đồng tiền chính đầu phiên Á vào thứ Ba. Lợi suất trái phiếu giảm trên khắp các kỳ hạn.
Khi Fed đến gần điểm cuối của chu kỳ thắt chặt, các nhà đầu tư sẽ cảm thấy thoải mái hơn khi nâng thời gian nắm giữ cổ phiếu, theo chiến lược gia Ian Lyngen của BMO Capital Markets. "Trong tương lai gần, xu hướng lãi suất sẽ đi ngang.”
Cổ phiếu các công ty Nhật Bản trong chuỗi cung ứng xe điện tăng sau khi cổ phiếu Tesla tăng và BYD báo cáo lợi nhuận ròng trong nửa đầu năm tăng gấp ba lần.
Trong khi tình hình được cải thiện ở Mỹ, lo ngại đang gia tăng ở châu Á sau khi các con số kinh tế thất vọng của Trung Quốc được công bố vào thứ Hai khiến các nhà kinh tế của một số ngân hàng lớn điều chỉnh giảm dự báo.
JPMorgan, Morgan Stanley và Citigroup đã hạ dự báo tăng trưởng cho năm nay xuống 5%.
Sau khi dữ liệu được công bố, cổ phiếu tại Thượng Hải giảm, các nhà đầu tư kêu gọi Bắc Kinh tiến hành các biện pháp kích thích thực sự khi nền kinh tế đang suy yếu.
"Bạn sẽ thấy một số biện pháp kích thích, điều đó có nghĩa là quý II có thể đã là đáy, quý III sẽ tốt hơn một chút", Joyce Chang, giám đốc nghiên cứu toàn cầu tại JPMorgan cho biết. "Nhưng chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng của Trung Quốc và có rủi ro tăng trưởng sẽ giảm thêm."
Yellen nói trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg TV rằng "nhiều quốc gia phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc để thúc đẩy tăng trưởng trong nền kinh tế của họ, đặc biệt là các quốc gia châu Á, và tăng trưởng Trung Quốc suy yếu có thể gây ra một số tác động tiêu cực đối với Hoa Kỳ."
Tuy nhiên, bà Yellen cho biết mặc dù tốc độ tăng trưởng của Mỹ đã giảm, thị trường lao động vẫn rất tốt và bà không kỳ vọng kinh tế lớn nhất thế giới rơi vào suy thoái.
Quốc gia này đang có "lộ trình" kiềm chế lạm phát tốt mà không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình việc làm, bà cho biết. Ở Mỹ, thị trường sẽ chờ đợi mùa báo cáo tài chính với hàng trăm công ty công bố báo cáo trong vài tuần tới. Dự kiến các công ty S&P 500 sẽ ghi nhận lợi nhuận giảm 9% trong quý II, là mùa báo cáo kém nhất kể từ năm 2020. Ở châu Âu, tình hình có thể tệ hơn, với mức suy giảm dự kiến là 12%.
"Tăng trưởng đang bị đe dọa bởi kinh tế suy yếu và lợi nhuận doanh nghiệp giảm", Saira Malik, giám đốc quản lý đầu tư của Nuveen, cho biết. "Nhìn vào lợi nhuận doanh nghiệp S&P 500, dự báo của các nhà phân tích tiếp tục được điều chỉnh giảm cho cả quý II và cả năm".
Bloomberg