Thị trường chứng khoán Nhật Bản "lao dốc không phanh", BoJ liệu có lỗi?
Trần Phương Thảo
Junior Analyst
Ngân hàng Nhật Bản không chịu trách nhiệm cho cuộc tắm máu trên thị trường chứng khoán. Nhưng các nhà hoạch định chính sách đang lặp lại thói quen xấu là tăng lãi suất vào thời điểm tồi tệ nhất có thể.
Quy tắc Sahm có thể là một chỉ báo tốt về suy thoái. Nhưng việc BoJ tăng lãi suất tại thời điểm không cần thiết có thể còn tốt hơn nữa.
Thống đốc Ngân hàng Nhật Bản Kazuo Ueda đã nhận được lời khen ngợi vì đã tháo gỡ các chính sách kích thích kinh tế khổng lồ của người tiền nhiệm mà không làm thị trường hoảng sợ. Lời khen ngợi đó giờ đây có vẻ quá sớm. Trái ngược hoàn toàn với tháng 3, khi Nikkei 225 Stock Average chạm mức đỉnh kỷ lục mới khi Ueda đưa đất nước thoát khỏi thời kì lãi suất âm, thì lần tăng lãi suất thứ hai của BoJ vào ngày 31 tháng 7 đã dẫn tới một cuộc tắm máu thị trường ở mức gần như chưa từng có.
Sự bán tháo này vượt qua khuổn khổ của thị trường Tokyo, và như nhà kinh tế John Authers đã viết, có liên quan nhiều hơn đến những gì đang diễn ra trên Phố Wall và kỳ vọng đối với nền kinh tế Hoa Kỳ hơn là bất cứ điều gì cụ thể đối với Nhật Bản. Vào cuối ngày thứ Hai tại Châu Á, các thị trường ở Đài Loan và Hàn Quốc cũng đã lao dốc.
Nhưng Nhật Bản là nơi duy nhất vừa tăng lãi suất trong một quyết định mang tính lịch sử vốn đã gây tranh cãi ngay cả trước khi đà bán tháo diễn ra. Và nơi này cũng đang chứng kiến một số động thái quá mức. Topix và Nikkei 225 đều đóng cửa giảm hơn 12%, mức giảm lớn nhất kể từ ngày Thứ Hai Đen tối năm 1987. Sự sụt giảm trong ba ngày của Topix là tồi tệ nhất từ trước đến nay. Hợp đồng tương lai của các chỉ số đã không thể giao dịch lần đầu tiên kể từ khi nhà máy điện hạt nhân Fukushima Dai-ichi rò rỉ vào năm 2011 khi có vẻ như đất nước này có thể đang bên bờ vực sụp đổ. Các cổ phiếu ngân hàng đã chứng kiến sự sụt giảm lớn nhất trong một ngày trong lịch sử. Lợi suất trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm giảm mạnh nhất trong 20 năm, trong khi đồng Yên tăng lên mức chưa từng thấy kể từ đầu năm.
Các nhà chức trách khó có thể mong đợi điều này xảy ra. Động thái của BoJ diễn ra ngay trước khi thị trường, vốn đã lo lắng vì Fed chậm cắt giảm lãi suất, lại bị hoảng sợ vì dữ liệu việc làm không tốt, thật không may. Nhưng điều đó không chỉ ra sự bất tài của các nhà hoạch định chính sách, đặc biệt là khi các chính trị gia cấp cao đã gây áp lực lên ngân hàng bằng cách kêu gọi tăng lãi suất.
Tuy nhiên, nếu kỳ vọng của thị trường về suy thoái kinh tế ở Hoa Kỳ trở thành sự thật, động thái của BoJ sẽ một lần nữa chứng minh rằng thời điểm thực hiện động thái này là cực kỳ bất hợp lý. Quy tắc Sahm sử dụng tỷ lệ thất nghiệp để phát hiện sự khởi đầu của suy thoái. Tuy nhiên, giờ đây, có lẽ các nhà giao dịch nên cân nhắc xem Quy tắc tăng lãi suất của BoJ như một chỉ báo khác. Lịch sử tăng lãi suất của ngân hàng này là liên tục thực hiện động thái sai lầm vào đúng thời điểm khi nền kinh tế toàn cầu đang hướng đến suy thoái.
Đó là những gì đã xảy ra vào năm 2000, khi chính phủ tìm cách trì hoãn việc ngân hàng từ bỏ chính sách lãi suất bằng không quá sớm — điều mà Ueda, khi đó là thành viên hội đồng quản trị, đã phản đối một cách khôn ngoan. Chỉ vài tháng sau, chính sách nới lỏng định lượng được công bố khi bong bóng dot-com nổ tung. Các đợt tăng lãi suất vào năm 2006 và 2007 cũng được công bố gần thời điểm khi Lehman Brothers sụp đổ.
Trong cả hai trường hợp, BoJ đều không chịu trách nhiệm về những gì đã xảy ra. Nhưng ngay cả vào thời điểm đó, đã có rất nhiều lời chỉ trích rằng các động thái này là quá sớm và không cần thiết đối với một nền kinh tế cần chính sách thích ứng nhất có thể.
Mặc dù còn quá sớm để cho rằng sự sụp đổ của thị trường chứng khoán sẽ hủy bỏ kế hoạch tăng lãi suất thêm nữa của Ueda, nhưng chắc chắn nó sẽ khiến ông phải dừng lại — và khiến các chính trị gia phải rùng mình, nhiều người trong số họ sẽ đảo ngược lập trường cứng rắn của mình khi cuộc bầu cử lãnh đạo đảng cầm quyền đang đến gần.
Điều này cũng đặt ra câu hỏi về lý do tại sao Ueda thấy cần phải hành động ngay bây giờ, mặc dù đã hành động rất chậm và có phương pháp trong năm đầu tiên tại nhiệm. Thật khó để không tự hỏi liệu có áp lực chính trị để làm điều gì đó đối với việc đồng yên liên tục suy yếu hay không; nếu không, một bước đi như vậy có vẻ không cần thiết.
Nhật Bản cần phải quản lý cẩn thận tâm lý của người tiêu dùng và doanh nghiệp đối với một bộ phận dân số chưa quen với việc giải quyết những điều kiện này. Vòng tuần hoàn lành mạnh của việc tăng lương và giá cả là mong manh, giả sử nó tồn tại. Các tiêu đề về sự sụp đổ của thị trường, trong một năm mà chính phủ đã tích cực thúc đẩy đầu tư và miễn thuế mở rộng, có nguy cơ làm giảm nhu cầu của người tiêu dùng.
Thứ Hai đen tối lần này giống như sự hoảng loạn hoàn toàn hơn là phản ứng hợp lý. Tuy nhiên, thống đốc Ueda và các cộng sự sẽ cần phải lưu ý khi cân nhắc bước tiếp theo.
Bloomberg