Thị trường lao động châu Âu chững lại, triển vọng việc làm không mấy lạc quan
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Thị trường lao động khu vực đồng Euro hiện tại đang khá mạnh mẽ dựa trên dữ liệu về tỷ lệ thất nghiệp và báo cáo việc làm mới nhất. Tuy nhiên, các chỉ số khảo sát vào quý 3 năm 2024 cho thấy tăng trưởng việc làm gần đây đã chững lại. Dữ liệu nhìn chung chỉ ra rằng có nhiều rủi ro đối với triển vọng của thị trường lao động.
Tỷ lệ thất nghiệp trong khu vực đồng Euro vẫn ở mức thấp nhất trong lịch sử, chỉ đạt 6.4% trong tháng 8, và dữ liệu mới nhất cho thấy tăng trưởng việc làm tiếp tục đạt 0.2% q/q trong quý hai năm nay, cho thấy thị trường lao động vẫn mạnh mẽ. Tuy nhiên, các chỉ số khảo sát gần đây cho thấy tăng trưởng việc làm đã chững lại trong quý ba.
Hai thước đo chính để đánh giá tình hình việc làm là cuộc khảo sát PMI và khảo sát kinh doanh của Ủy ban Châu Âu. Chỉ số việc làm trong PMI tổng hợp, vốn có mối tương quan khá mật thiết với tăng trưởng việc làm, đã giảm xuống dưới mức 50 trong ba tháng qua, báo hiệu sự suy giảm của thị trường lao động. Chỉ số PMI tổng hợp bị kéo xuống do việc làm trong lĩnh vực sản xuất chỉ đạt mức 46.1, cho thấy tình hình việc làm đang xấu đi, trong khi chỉ số việc làm trong lĩnh vực dịch vụ đạt 51.0, cho thấy nhu cầu lao động vẫn gia tăng nhưng yếu hơn so với nửa đầu năm nay. Vì dịch vụ chiếm tỷ lệ lớn nhất trong việc làm khu vực tư nhân của nền kinh tế (57%), dữ liệu này cùng với số liệu việc làm khu vực công vẫn thúc đẩy các con số tổng hợp về thị trường lao động.
Khảo sát kinh doanh của Ủy ban Châu Âu không vẽ ra bức tranh u ám như dữ liệu PMI. Chỉ số kỳ vọng việc làm (EEI) vẫn cho thấy sự tăng trưởng việc làm, mặc dù xu hướng rõ ràng đang xấu đi. Kết hợp với chỉ số PMI, điều này chỉ ra sự suy giảm trong tăng trưởng việc làm tổng thể tại khu vực đồng Euro và nhấn mạnh rủi ro khiến triển vọng về thị trường lao động không mấy lạc quan.
Sự chững lại gần đây trên thị trường lao động chủ yếu là do Đức và Pháp, trong khi thị trường lao động ở Nam Âu vẫn mạnh mẽ. Chỉ số PMI về việc làm ở Đức đã thấp hơn 50 trong bốn tháng qua, và chỉ số kỳ vọng việc làm EEI đạt mức tương đương trong thời kỳ COVID và khủng hoảng tài chính. Ngược lại, kỳ vọng việc làm duy trì ở mức khá cao ở Tây Ban Nha và Hy Lạp, và PMI cũng đạt trên 50 ở Ý. Tây Ban Nha thậm chí đã ghi nhận chỉ số PMI việc làm tại khu vực dịch vụ cao nhất trong 17 tháng vào tháng 9 - 56.1. Diễn biến trên thị trường lao động giữa các quốc gia trong khu vực đồng Euro có sự khác biệt là do tăng trưởng không đồng đều. Nam Âu hiện đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong khi Đức và Pháp đang gặp khó khăn.
Cuối cùng, một thước đo khác để đánh giá thị trường lao động là cuộc khảo sát của EU về những yếu tố đang hạn chế sản xuất của các công ty. Khảo sát cho thấy tình trạng thiếu lao động đặc biệt đáng chú ý trong lĩnh vực dịch vụ ở Tây Ban Nha và ngành công nghiệp ở Hy Lạp, cho thấy nhu cầu lao động cao. Ngược lại, số lượng các công ty báo cáo thiếu lao động đã giảm đáng kể ở Pháp và Đức, kể cả trong các lĩnh vực dịch vụ. Vì vậy, thị trường lao động Đức và Pháp được cho là đang yếu nhất và là những quốc gia có nguy cơ xảy ra tình trạng sụt giảm việc làm lớn nhất. Ngược lại, việc làm dự kiến sẽ tiếp tục tăng ở Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp.
Danske Bank