Thị trường việc làm Nhật Bản vẫn ổn định, giữ hy vọng tăng lương
Hoàng Thế Vinh
Junior Analyst
Thị trường lao động Nhật Bản có dấu hiệu thắt chặt hơn trong tháng 12, do thiếu nhân lực trên nhiều ngành khi các cuộc đàm phán tiền lương hàng năm với các công đoàn diễn ra.
Bộ Nội vụ báo cáo hôm thứ Ba rằng tỷ lệ thất nghiệp giảm xuống 2.4%, mức thấp nhất kể từ tháng Giêng. Số người có việc làm tăng 380,000 người so với một năm trước đó.
Bộ Lao động báo cáo rằng tỷ lệ việc làm trên số người nộp đơn giảm từ 1.28 xuống 1.27, thấp hơn kỳ vọng của các nhà kinh tế.
Trong triển vọng hàng quý vào tuần trước, BoJ cho biết “tốc độ tăng lương tiền mặt có thể sẽ tiếp tục tăng ổn định, phản ánh sự tăng giá và điều kiện thị trường lao động tiếp tục bị thắt chặt”.
Shuji Tonouchi, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Mitsubishi UFJ Morgan Stanley, cho biết: “Với nguy cơ tình trạng thiếu lao động sẽ không được giải quyết trong thời gian tới, các công ty đang nhận thấy nhu cầu đảm bảo nguồn nhân lực là rất cần thiết. Tôi tin rằng nhiều công ty sẽ sẵn sàng tăng lương trong các cuộc đàm phán lương sắp tới.”
Các cuộc đàm phán tăng lương vào mùa xuân đã bắt đầu vào tuần trước với nhiều yêu cầu từ các công đoàn và những cam kết từ một số chủ doanh nghiệp. Các nhà kinh tế nhận thấy khả năng cao người lao động đạt được mức lương tương đương hoặc cao hơn năm ngoái. Một cuộc khảo sát do Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản thực hiện cho thấy các công ty lớn sẽ tăng lương trung bình 3.85% trong năm nay.
Thống đốc BoJ Kazuo Ueda cho biết trong một cuộc họp báo vào tuần trước rằng ông sẽ đánh giá cẩn thận dữ liệu kinh tế, bao gồm cả kết quả của các cuộc đàm phán về lương để tiến tới việc bình thường hóa chính sách mà hầu hết các nhà kinh tế mong đợi vào tháng Tư.
Tình trạng thiếu lao động dai dẳng của Nhật Bản ngày càng trở nên nghiêm trọng và có thể gây trở ngại cho nền kinh tế nước này về lâu dài.
Theo báo cáo của Teikoku Databank, số vụ phá sản do hạn chế về mặt nhân lực đã đạt mức kỷ lục 260 vào năm ngoái. Công ty cũng lưu ý rằng lĩnh vực xây dựng và xuất nhập khẩu đang phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng nhất. Ngày càng có nhiều công ty nhỏ dựa vào lao động nước ngoài để đáp ứng nhu cầu của họ.
Bloomberg