Thời khắc quan trọng của vàng, và khởi đầu của dấu chấm hết cho USD
Đức Nguyễn
FX Strategist
Vàng đang đứng trước thời khắc quan trọng, trước sự kết hợp của trừng phạt kinh tế lên Nga và lạm phát leo thang toàn cầu. Tiềm năng tăng trong trung và dài hạn của vàng đang là rất lớn.
Trừng phạt và cả tự trừng phạt đang buộc Nga phải tìm đồng tiền thay thế cho USD và EUR để giao dịch. Điều này ngày càng cấp thiết khi tỷ lệ trao đổi (ToT) của Nga đã tăng rất cao nhờ dầu, và thậm chí còn cao hơn nữa khi so sánh với ảnh hưởng tiêu cực lên EU (ảnh dưới).
Nhưng khi đồng Rúp giờ như đồng tiền ngoại đạo, làm thế nào để Nga thế chấp và bảo lãnh cho hoạt động thương mại? Câu trả lời rõ ràng có lẽ là vàng.
Vàng có 3 lợi ích cho Nga trong tình hình hiện tại. Thứ nhất, giống như trái phiếu, vàng có thể được dùng để thế chấp cho thanh khoản ngắn hạn, bằng hợp đồng repo hoặc cho thuê với các đối tác không trong nhóm G10. Do vậy, vàng có thể được sử dụng để Nga thuận tiện giao dịch, khi dự trữ ngoại hối nước này đang bị đóng băng, hiện thực hóa thặng dư thương mại khổng lồ của mình.
Thứ hai, vàng có thể được dùng làm phương tiện thanh toán cho Nga. Điều này có vẻ hơi xa vời, nhưng nó đưa ta đến với một lợi ích lớn khác của vàng: không ai có thể quản lý vàng như tiền tệ cả. Nếu Nga gặp khó khăn giao dịch hàng hóa, họ có thể yêu cầu thanh toán bằng vàng. Điều này sẽ giúp họ xây dựng lại trữ ngoại hối 600 tỷ USD trước chiến tranh.
Hơn nữa, tính “phi quản lý” của vàng khiến phương Tây khó mà đóng băng phần dự trữ ngoại hối còn lại của Nga. Một nhóm thượng nghị sĩ ở cả hai đảng tại Mỹ đã tìm cách làm điều này, phạt các trung gian tài chính Mỹ giao dịch vàng với Nga, như nó khó hơn tiền định danh rất nhiều, vì không quốc gia hay cá thể nào quản lý được vàng cả.
Tuy vậy, giao dịch hoàn toàn bằng vàng vật lý không thực tiễn lắm, và Nga sẽ muốn giao dịch bằng các đồng tiền ngoài G10. Đồng Rupee Ấn Độ và Nhân dân tệ là hai ứng cử viên sáng giá, đặc biệt khi dầu Nga tăng giá so với Rupee và Nhân dân tệ mạnh hơn rất nhiều so với vàng.
Giá dầu Ural của Nga khi quy ra Nhân dân tệ (đường đen), Rupee Ấn Độ (đường xanh) và vàng (đường xám)
Không chỉ riêng Nga đang thổi một làn gió mới cho vàng. Việc đóng băng tài sản Nga có vẻ là giới hạn cuối cùng với các quốc gia ngoài G10 nắm giữ nhiều USD. Bộ trưởng Tài chính Mỹ thời tổng thống Obama, ông Jack Lew từng nói: “Ta càng đặt ra điều kiện về việc sử dụng USD và hệ thống tài chính Mỹ để phù hợp với chính sách đối ngoại Mỹ, càng có khả năng thị trường tìm đến các đồng tiền và hệ thống tài chính khác.” Nga bắt đầu chống đô la hóa sau khi sáp nhập Crimea vào năm 2014, và các quốc gia ngoài G10 với lượng dự trữ USD lớn khác cũng sẽ theo sau.
Đây không phải là dấu chấm hết cho USD, mà là khởi đầu của dấu chấm hết của sự thống trị của USD, tiến tới một thế giới đa cực. Vàng sẽ hưởng lợi từ điều này, cùng với các đồng tiền ngoài G10 có thanh khoản cao, và thậm chí cả crypto nữa. Cùng với đó, lạm phát cũng sẽ kích cầu thêm cho vàng. Dự trữ vàng đã tăng hơn 14 lần trong giai đoạn lạm phát thập kỷ 70.
Sự chống đô la hóa của các ngân hàng trung ương ngoài G10 và phòng hộ lạm phát của người tiêu dùng & giới đầu tư là các điều kiện rất tốt cho vàng tăng giá, còn nhu cầu ổn định nhiều khả năng sẽ giữ vàng trên mức $1,500 trong dài hạn.
Bloomberg