Thống đốc BoJ Ueda: Lợi suất TPCP Nhật Bản đạt mức đỉnh trong 12 năm không phải là vấn đề lớn
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Thống đốc BoJ Kazuo Ueda chỉ ra rằng không có vấn đề gì lớn khi lợi suất trái phiếu dài hạn tăng lên mức đỉnh kể từ năm 2012, đồng thời cho rằng chúng nên được định giá bởi thị trường.
Ông Ueda chia sẻ sau khi kết thúc cuộc họp G7 rằng: “Về nguyên tắc, lợi suất trái phiếu dài hạn được xác định bởi thị trường tài chính. Tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ các động thái trên thị trường.”
Lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản
Lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm của Nhật Bản đạt mức đỉnh trong 12 năm vào thứ Sáu trong bối cảnh thị trường vẫn đồn đoán rằng BoJ sẽ tiếp tục tăng lãi suất. Nhận xét trung lập của Ueda cho thấy rằng cho đến nay, các động thái về lợi suất chưa đáp ứng các điều kiện mà BoJ đã cam kết hành động trong trường hợp lợi suất tăng mạnh.
Trong cuộc họp báo với Bộ trưởng Tài chính Shunichi Suzuki, Ueda đã không chia sẻ về lộ trình lãi suất hay khả năng cắt giảm việc mua trái phiếu tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 6 như một số chuyên gia phân tích kỳ vọng.
Sau khi kết thúc chính sách tiền tệ "siêu" nới lỏng vào tháng 3, BoJ không còn sử dụng việc mua trái phiếu như một công cụ chính sách nữa. Các nhà giao dịch vẫn theo dõi sát sao diễn biến này, do NHTW nắm giữ gần 50% TPCP Nhật Bản.
Ngồi cạnh ông Ueda, ông Suzuki cho biết lợi suất trái phiếu tăng cao nhấn mạnh sự cần thiết phải cải thiện tình hình tài chính của Nhật Bản. Tỷ lệ nợ của quốc gia lên tới mức gần 250% GDP, cao nhất trong số các nền kinh tế phát triển.
Tỷ lệ nợ của chính phủ trên GDP tại các quốc gia thuộc G7
Ông Suzuki cho biết: “Chúng ta phải nhận thức sâu sắc rằng kỷ nguyên của lãi suất dương đã đến. Chúng tôi sẽ nỗ lực khôi phục sức khỏe tài chính với tinh thần cấp thiết hơn bao giờ hết.”
Suzuki - người chịu trách nhiệm quyết định các biện pháp can thiệp thị trường tiền tệ - đã ám chỉ các Bộ trưởng Tài chính G-7 hiểu các vấn đề của Nhật Bản khi lưu ý rằng sự biến động quá mức trong tỷ giá hối đoái sẽ gây tổn hại cho nền kinh tế.
Đồng yên giảm xuống mức đáy trong ba tuần vào thứ Năm, cho thấy áp lực dai dẳng lên đồng tiền ngay cả sau khi chính phủ được cho là đã tiến hành các biện pháp can thiệp vào ngày 29 tháng 4 và ngày 2 tháng 5.
Suzuki cho biết ông không có cuộc họp song phương với người đồng cấp Mỹ Janet Yellen trong hội nghị G-7. Masato Kanda, quan chức tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản, cho biết hôm thứ Sáu rằng nước này đang liên hệ chặt chẽ với Mỹ nói riêng, cho thấy không cần thiết phải tổ chức cuộc họp lần này.
Đầu tuần này, Yellen cho biết việc can thiệp thị trường tiền tệ sẽ hiếm khi xảy ra và được báo trước rõ ràng.
Bloomberg