Thượng viện Mỹ vào đêm ngày thứ Năm (2/6) theo giờ Washington đã thông qua dự luật nâng trần nợ, đưa nước này thoát khỏi vụ vỡ nợ đầu tiên trong lịch sử. Dự luật được Thượng viện gấp rút phê chuẩn chỉ 1 ngày sau khi Hạ viện có động thái tương tự, trong bối cảnh Bộ Tài chính Mỹ chỉ còn ít ngày nữa là có thể hết tiền để trang trải các hoá đơn. Theo tin từ Reuters, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật nâng trần nợ từ mức 31,4 nghìn tỷ USD với 63 phiếu thuận và 36 phiến chống.
Bộ Tài chính Mỹ về mặt kỹ thuật đã đạt đến giới hạn cho vay vào tháng 1 năm nay. Nhưng kể từ đó, cơ quan này đã sử dụng “các biện pháp bất thường” để huy động số tiền cần thiết để thanh toán các hóa đơn của chính phủ.
Ông Biden, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen và các nhà lãnh đạo Quốc hội nước này đều thừa nhận rằng một vụ vỡ nợ do quốc khố cạn kiệt sẽ dẫn tới những hậu quả nghiêm trọng. Những hậu quả đó bao gồm ảnh hưởng lan rộng khắp thị trường tài chính toàn cầu, có thể gây ra mất việc làm và suy thoái kinh tế Mỹ và tăng lãi suất đối với các gia đình ở tất cả các khoản vay, từ thế chấp nhà cho đến nợ thẻ tín dụng.
Lần gần đây nhất Mỹ ngấp nghé bờ vực vỡ nợ như vừa rồi là vào năm 2011. Cuộc khủng hoảng năm đó đã tác động mạnh mẽ đến thị trường tài chính, dẫn đến lần đầu tiên trong lịch sử Chính phủ Mỹ bị hạ bậc xếp hạng tín dụng và đẩy chi phí đi vay của quốc gia lên cao. Lần này, cuộc khủng hoảng trần nợ của Mỹ được đánh giá là ít kịch tính hơn vì ngay từ tuần trước, ông Biden và ông McCarthy đã thể hiện rõ quyết tâm đạt một thỏa thuận với đủ sự ủng hộ của cả hai đảng để được Quốc hội thông qua.
Ngay lập tức thị trường đã có những phản ứng:
- Giá dầu thô WTI đã được giải phóng một phần nào sức ép sau khi liên tục chịu áp lực từ trần nợ trong một thời gian dài, hiện đã tăng 1.33% kể từ đầu phiên.
- Việc đồng đô la Mỹ giảm giá trị cũng đã khiến cho chứng khoán Mỹ có một phiên giao dịch khởi sắc
- Thêm vào đó, tiền điện tử cũng được hưởng lợi sau quyết định này khi BTC giao dịch trên mức $27,100 USD