Hôm qua, báo cáo lạm phát tại Mỹ ghi nhận CPI toàn phần tăng 8.2% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kỳ vọng 8.1%. Thế nhưng, đáng chú ý hơn có lẽ là lạm phát lõi, tăng 6.6% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kỳ vọng 6.5%, và tiếp tục ở mức cao nhất trong 40 năm. Không khó hiểu khi phản ứng ban đầu của thị trường chứng khoán là bán tháo. Tuy nhiên, đến cuối phiên, cả 3 chỉ số chứng khoán Mỹ đều đã hồi phục mạnh mẽ, tăng 5% từ đáy. Thị trường có một số cách giải thích cho việc này, chẳng hạn như phe short đã cạn lực bán và bắt đầu chốt lời; một số khác cho rằng báo cáo lạm phát có một độ trễ so với hiện tại, chẳng hạn ở khoản mục thuê nhà; khi các chủ nhà đang ghi nhận giá cho thuê giảm, nhưng báo cáo với độ trễ lại ghi nhận giá nhà tiếp tục tăng lên mức kỷ lục. Điều này đang dấy lên hy vọng về khả năng CPI suy yếu trong thời gian không xa:
- Chỉ số Dow Jones 2.83%
- Chỉ số S&P 500 +2.60%
- Chỉ số Nasdaq +2.23%
Trên thị trường tiền tệ, mặc dù có tăng mạnh ngay sau báo cáo CPI, USD cũng không thể chịu được áp lực từ khẩu vị rủi ro được cải thiện và giảm xuống mức thấp nhất trong 1 tuần. Trước khi báo cáo được công bố, USD cũng đang chịu áp lực trước khả năng chính phủ Anh hủy bỏ toàn bộ kế hoạch cắt thuế của bà Truss, nhưng phát ngôn viên của bà đã phủ nhận điều này. Đa phần các đồng tiền đều hồi phục từ đáy so với USD, nhưng một số vẫn chốt phiên giảm:
- Chỉ số DXY -0.71% xuống 112.45
- EURUSD +0.76%
- GBPUSD +1.98%
- AUDUSD +0.34%
- NZDUSD +0.45%
- USDJPY +0.21%
- USDCHF +0.34%
- USDCAD -0.45%
Vàng dù hồi phục từ đáy $1,642.49 vẫn không thể chốt phiên tăng so với USD, đóng cửa giảm $7/oz xuống 1,666. Dầu WTI tăng hơn $2/thùng nên $89.11 khi thị trường tiếp tục đánh giá cân bằng cung cầu sau quyết định của OPEC+ và triển vọng tại Trung Quốc.