Tiêu dùng cá nhân tại Mỹ tăng nhanh, tiếp tục gây áp lực lạm phát cao
Anh Tùng, CFA
Senior Analyst
Tiêu dùng cá nhân của Hoa Kỳ đã tăng nhanh hơn dự kiến trong tháng 6, phản ánh sự gia tăng chi tiêu cho các dịch vụ, kéo theo lạm phát tiếp tục tăng.
Tiêu dùng cá nhân tại Mỹ tháng 6 tăng 1% so với một tháng trước đó, sau khi giảm 0.1% trong tháng 5, theo số liệu của Bộ Thương mại. Con số vượt mức ước tính trung bình trong một cuộc khảo sát của Bloomberg với các nhà kinh tế (0.7%). Điều chỉnh theo lạm phát, chi tiêu đã tăng 0.5%. Nhờ tiến độ tiêm chủng và sự mở cửa trở lại rộng rãi hơn của nền kinh tế, người tiêu dùng đã có niềm tin và tăng chi tiêu cho các dịch vụ như ăn uống cũng như mua hàng hóa. Chi tiêu hàng hóa vẫn duy trì ở mức cao hơn mức trước đại dịch, và chi tiêu ở các lĩnh vực dịch vụ bị đại dịch hoành hành tăng trưởng mạnh.
Chi tiêu cho dịch vụ được điều chỉnh theo lạm phát đã tăng 0.8% so với tháng 5, đây là tháng tăng thứ 4 liên tiếp, trong khi chi tiêu thực tế cho hàng hóa giảm 0.2% trong tháng 6.
Chỉ số giá PCE, thước đo giá các mặt hàng tiêu dùng mà Fed sử dụng cho mục tiêu lạm phát, đã tăng 0.5% so với tháng trước, tương đương mức tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Nếu loại bỏ các mặt hàng như thực phẩm, năng lượng, lạm phát cơ bản trong tháng 6 đạt 3.5%, cao nhất kể từ năm 1991. Nhu cầu phục hồi nhanh chóng đã vượt quá nguồn cung, với việc các công ty đang phải vật lộn để tìm kiếm nhân công và đáp ứng nguồn cung nguyên liệu cần thiết cho sản xuất. Những ràng buộc đó đã đẩy giá lên cao hơn và ăn mòn sức mua của người Mỹ.
Thu nhập cá nhân tăng 0.1% trong tháng 6 sau hai tháng giảm liên tiếp. Trong khi đó, khoản tiền lương mà các doanh nghiệp chi trả đã tăng 0.8%, phản ánh sự gia tăng của mức lương và sự cải thiện của thị trường lao động. Chi phí việc làm trong khu vực tư nhân tăng 3.5% so với quý II năm ngoái, mức tăng lớn nhất kể từ năm 2007.
Tỷ lệ tiết kiệm giảm xuống mức thấp nhất trong thời gian đại dịch là 9.4% và gần mức 8.3% được thấy vào tháng 2/2020, trước cuộc khủng hoảng sức khỏe. Con số cho thấy thu nhập và chi tiêu đang được bình thường hóa khi các lĩnh vực dịch vụ dần mở cửa trở lại và viện trợ của chính phủ giảm dần.
Bloomberg