Tin nóng: Triều Tiên vừa tử hình một Forex trader!
Theo cơ quan gián điệp Hàn Quốc, Triều Tiên đã hành quyết một Forex trader như một phần của chiến dịch đàn áp và kiểm soát thị trường ngoại hối, khi nhà lãnh đạo Kim Jong Un thắt chặt quyền quản lý của ông đối với nền kinh tế.
Kim Byung-kee, một thành viên của cơ ban tình báo Quốc gia Hàn Quốc cho biết vụ hành quyết này là một trong hàng loạt các biện pháp "phi lý" của ông Kim khi Triều Tiên đang phải xoay sở với đại dịch Covid-19 và các biện pháp trừng phạt quốc tế.
Vụ hành quyết diễn ra sau khi đồng won của Triều Tiên tăng giá hơn 20% so với đồng đô la Mỹ vài tháng gần đây, một trong những biến động mạnh mẽ nhất nhiều năm qua, làm dấy lên những bất ổn trong nền kinh tế Triều Tiên.
Theo giới phân tích, đồng nội tệ tăng giá sau một đợt hạn chế các giao dịch liên quan tới đô la Mỹ khi Bình Nhưỡng tăng cường kiểm soát nền kinh tế sau nhiều năm tự do hóa thị trường.
Andrei Lankov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Kookmin ở Seoul cho biết đã có những dấu hiệu của “những thay đổi đáng kể” trong thị trường tiền tệ kể từ tháng 10 sau nhiều năm đất nước này “ổn định tài chính”.
"Trong một thời gian dài dưới thời Kim Jong Un, họ hoàn toàn không can thiệp vào các doanh nghiệp tư nhân, họ không chỉ cho phép mà còn khuyến khích trao quyền, và chuyển sang quan hệ kinh tế thị trường giữa các doanh nghiệp công nghiệp và các cá nhân. Bây giờ họ đang cố gắng quay trở lại kiểm soát” ông nói.
Ông Lankov nói thêm rằng vụ hành quyết sẽ là một lời cảnh báo tới công chúng về việc chống đối các chỉ đạo của chế độ đối với việc sử dụng ngoại tệ. Sau khi Bình Nhưỡng đột ngột định giá lại tiền tệ vào năm 2009, ngoại tệ đã được sử dụng rộng rãi trong thương mại biên giới và các giao dịch thị trường tư nhân, đặc biệt là đô la Mỹ và đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc.
Các quan sát viên Triều Tiên không chắc chắn về khả năng tiếp cận của đại dịch trong tình trạng quốc gia bị cô lập. Bình Nhưỡng đã không công khai xác nhận bất kỳ trường hợp Covid-19 nào sau khi thực hiện nhanh chóng việc đóng cửa biên giới vào tháng Giêng, trước hầu hết các quốc gia khác. Tuy nhiên, tuyên bố không lây nhiễm đã vấp phải sự hoài nghi của các chuyên gia và quan chức quốc tế.
Cuộc đàn áp đối với các Forex trader và thắt chặt kiểm soát thị trường tiền tệ diễn ra khi ông Kim phải vật lộn chống lại sự suy giảm kinh tế từ đại dịch và sự lao dốc sau đó trong thương mại với Trung Quốc. Những thách thức này còn tăng thêm do các lệnh trừng phạt kinh tế và các trận bão lụt tàn phá trong năm nay.
Go Myong-hyun, một nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chính sách Asan, cho biết sự kiện này được đánh giá là "gậy ông đập lưng ông" với Kim Yong Un, người được cho là “có công” với sự phát triển kinh tế kể từ khi nắm quyền năm 2011.
Ông nói: “Từ năm 2010 đến năm 2017, hoạt động xuất nhập khẩu của Triều Tiên nhộn nhịp hơn, và ông Kim đang triển khai nhiều dự án công lớn ở Bình Nhưỡng. “Bây giờ ông ấy không thể làm điều đó nữa vì ông đang hết tiền. Đó là lý do tại sao ông Kim phải khẳng định lại quyền kiểm soát thị trường”.
Ông Go cũng lưu ý rằng truyền thông nhà nước Triều Tiên đã tăng cường kêu gọi tự lực và thay thế hàng nhập khẩu bằng các sản phẩm có nguồn gốc trong nước hơn.
Ông nói: “Đây thực chất là những biểu hiện Triều Tiên đang thắt lưng buộc bụng. Chế độ Kim từ lâu đã phải đối mặt với những lời chỉ trích vì đã dùng tiền từ công chúng nghèo khó để phát triển vũ khí hủy diệt hàng loạt". Tháng trước, ông Kim chủ trì cuộc diễu binh lớn nhất trong nhiều năm của đất nước, công bố tên lửa đạn đạo xuyên lục địa di động lớn nhất thế giới và nhấn mạnh ông sẽ tiếp tục tập trung phát triển vũ khí hạt nhân bất chấp cuộc khủng hoảng kinh tế ngày càng tồi tệ.