Tổng hợp diễn biến kinh tế toàn cầu: Lạm phát tại Mỹ hạ nhiệt, Trung Quốc đứng trước nhiều thách thức
Đức Nguyễn
FX Strategist
Lạm phát cơ bản đã giảm ở Mỹ và tăng lên ở Châu Âu, trong khi các nhà ngân hàng trung ương ở cả hai khu vực cho biết họ sẵn sàng tăng lãi suất thêm.
Ở Trung Quốc, dù kinh tế được dự báo sẽ hồi phục mạnh mẽ trong năm nay, vấn đề lại đang nhiều thêm. Bên cạnh việc tiêu dùng yếu và suy thoái thị trường bất động sản, du lịch đã giảm nhẹ trong tháng trước và lợi nhuận công nghiệp vẫn đang suy yếu.
Dưới đây là một số biểu đồ về những diễn biến mới nhất trong nền kinh tế toàn cầu:
Mỹ và Canada
Tiêu dùng tại Mỹ đã hạ nhiệt trong phần lớn năm nay, dự báo nền kinh tế suy yếu, đồng thời hỗ trợ hạ nhiệt lạm phát. Sự suy yếu này trái ngược với dữ liệu gần đây, cho thấy một nền kinh tế mạnh mẽ thay vì đứng trước bờ vực suy thoái.
Lạm phát Canada cũng chạm mức thấp nhất trong hai năm và lạm phát lõi cũng giảm nhẹ, giảm tải áp lực BoC tăng lãi suất trong tháng này. Các nhà hoạch định chính sách có thể phải tăng lãi suất một lần nữa trong tháng 7 nếu tổng sản phẩm quốc nội và số liệu việc làm vẫn cho thấy nền kinh tế đang quá nóng.
Châu Âu
Tại châu Âu, lạm phát lõi lại đang nóng lên, tăng 5.4% trong tháng 6, so với 5.3% của tháng trước, khi chi phí dịch vụ tăng mạnh. Trước đây, lạm phát phần lớn đến từ đại dịch và cuộc chiến của Nga ở Ukraine, lúc này mối quan tâm chính đang là nhu cầu dịch vụ du lịch mạnh và tốc độ tăng lương.
Triển vọng kinh doanh của Đức đã suy yếu xuống mức thấp nhất trong năm, cho thấy nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang gặp khó khăn trong việc duy trì đà phục hồi sau cuộc suy thoái gần đây.
Châu Á
GDP Trung Quốc theo % GDP Mỹ
Năm nay đúng ra phải là năm Trung Quốc trỗi dậy, sau khi các biện pháp kiểm soát Covid-19 được dỡ bỏ. Nhưng thay vào đó, khi đã hết nửa đầu năm 2023, nền kinh tế Trung Quốc đang đối mặt với một loạt vấn đề: Tiêu dùng chậm lại, thị trường bất động sản khủng hoảng, xuất khẩu suy yếu, tỷ lệ thất nghiệp thành niên kỷ lục và nợ chính quyền địa phương tăng cao.
Số chuyến du lịch (bên trái) và doanh thu du lịch (bên phải) so với năm 2019
Sự phục hồi dựa vào tiêu dùng ở Trung Quốc đang cho thấy nhiều dấu hiệu mất đà khi chi tiêu chậm lại trên mọi mặt hàng từ du lịch, đến ô tô và nhà ở, tạo thêm kỳ vọng về việc kích thích thêm để hỗ trợ nền kinh tế. Chi tiêu du lịch nội địa trong kỳ nghỉ Tết Đoan ngọ thấp hơn so với mức trước đại dịch.
Tăng trưởng lợi nhuận công nghiệp tại Trung Quốc
Lợi nhuận của các công ty công nghiệp tại Trung Quốc tiếp tục giảm trong tháng 5, phản ánh tác động từ nhu cầu yếu và giá nguyên liệu đầu vào giảm. Lợi nhuận giảm dự kiến sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình tâm lý kinh doanh, vốn đã rất ảm đạm.
Thị trường mới nổi
Lạm phát Zimbabwe đã trở lại hàng trăm phần trăm lần đầu tiên sau năm tháng khi nội tệ mất giá trầm trọng. Thước đo lạm phát mới được sử dụng vì cơ quan thống kê cho rằng nó phản ánh tốt hơn tình hình kinh tế của quốc gia vì nó theo dõi giá cả với cả USD và đô la Zimbabwe, khác với thước đo trước đó chỉ sử dụng nội tệ.
Pakistan đã đạt được chấp thuận sơ bộ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho chương trình vay 3 tỷ USD, giảm rủi ro chính phủ vỡ nợ. Những khoản vay từ IMF sẽ rất quan trọng để giúp quốc gia Nam Á này xoay xở khoản nợ 23 tỷ USD trong năm tài chính bắt đầu từ tháng 7, gấp sáu lần lượng dự trữ ngoại hối của nước này.
Thế giới
Mức tăng/giảm lãi suất kể từ đầu năm (vàng là tăng, xanh là giảm)
Ngân hàng trung ương Thụy Điển đã tăng lãi suất và cho biết họ dự kiến sẽ tăng ít nhất một lần nữa trong năm nay, trong khi ngân hàng trung ương Pakistan bất ngờ tăng lãi suất lên mức cao kỷ lục trong một cuộc họp khẩn cấp. Kenya đã nâng lãi suất cơ bản lên mức cao nhất trong bảy năm trong một cuộc họp bất thường.
Bloomberg