Trung Quốc chìm trong thời kỳ khủng hoảng tiền lương
Đoàn Phương Thảo
Junior Analyst
Năm ngoái, gần 1/3 lao động Trung Quốc bị cắt giảm tiền lương, tỷ lệ cao nhất trong 6 năm gần đây, nhấn mạnh áp lực giảm phát dai dẳng ở nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Khảo sát bởi nền tảng tuyển dụng trực tuyến Zhaopin chỉ ra khoảng 32% nhân viên văn phòng ở Trung Quốc bị cắt giảm tiền lương vào năm ngoái. Đó là tỷ lệ lớn nhất kể từ năm 2018, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp. Điều này cho thấy ngày càng nhiều người sử dụng lao động Trung Quốc đang chần chừ trong việc tăng lương.
Mặc dù giảm phát có thể thúc đẩy sức mua của cá nhân nhưng điều này được coi là mối đe dọa đối với toàn bộ nền kinh tế. Giá tiêu dùng tính đến cuối tháng 12 đã giảm tháng thứ ba liên tiếp, đánh dấu chuỗi giảm dài nhất kể từ năm 2009. Chỉ số giảm phát GDP đã giảm trong ba quý cuối năm 2023 - khoảng thời gian dài nhất kể từ cuối những năm 1990.
Theo khảo sát của Zhaopin, vào năm ngoái, khoảng 19% công nhân có tiền lương duy trì ở mức ổn định, hơn 44% lao động được tăng lương - con số cao nhất kể từ năm 2019, mặc dù thấp hơn nhiều so với tỷ lệ trước đại dịch. Sự phân kỳ ngày càng cao cho thấy thị trường lao động đang gia tăng sự bất bình đẳng.
Trong môi trường kinh tế cạnh tranh khốc liệt, những thay đổi về mức lương cho thấy 'Hiệu ứng Matthew' ngày càng nổi bật.
Các nhà kinh tế thường chú ý tới dữ liệu việc làm và tiền lương, vì dữ liệu thị trường lao động chính thức ít chi tiết hơn. Theo số liệu thống kê chính thức, mức lương trung bình của lao động ở thành thị ở Trung Quốc đã tăng gần 6% về mặt danh nghĩa vào năm ngoái. Dữ liệu đó bao gồm những người lao động làm các công việc chân tay và nhân viên văn phòng.
Chỉ số CIER của Viện Nghiên cứu Việc làm Trung Quốc - đo lường sức mạnh tổng thể của thị trường lao động - đã giảm trong quý IV. Viện đã không công bố con số chính xác kể từ năm 2022.
Theo một cuộc khảo sát riêng từ Zhaopin công bố đầu tháng này, mức lương trung bình mà các nhân viên mới ở các thành phố lớn của Trung Quốc nhận được đã giảm 1.3% so với cùng kỳ trong quý cuối cùng của năm 2023. Đó là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2016.
Bloomberg