Trung Quốc hướng tới nền công nghệ không phụ thuộc Mỹ
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Lãnh đạo Bắc Kinh xác định con đường tự lực, chẳng ngần ngại đầu tư nhằm bắt kịp và sẵn sàng cho tương lai không phụ thuộc vào công nghệ của Mỹ hay bất kỳ quốc gia nào khác.
Hàng chục tỷ USD là số tiền mà chính quyền Trung Quốc sẵn sàng đổ vào ngành công nghiệp công nghệ để thực hiện chiến lược tránh phụ thuộc vào Mỹ. Bắc Kinh không giấu diếm tham vọng trở thành siêu cường trong lĩnh vực đổi mới, không thể bị kìm hãm bởi bất kỳ quốc gia, thế lực nào. Lãnh đạo quốc gia tỉ dân đang thúc đẩy kế hoạch tự lực tự cường công nghệ, tìm và xử lý những lỗ hổng trong nền kinh tế có thể gây cản trở tham vọng phát triển của hàng loạt ngành công nghiệp khác nhau, từ smartphone tới động cơ phản lực.
Trung Quốc từng đặt kế hoạch tham vọng như vậy vào năm 2015, nhưng không đạt được mục tiêu kỳ vọng. Từ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump tới chính quyền ông Joe Biden hiện tại đều có động thái thách thức sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghệ. Bên cạnh đó, ngày càng nhiều quốc gia tỏ rõ lo ngại về lối hành xử cũng như quyền lực kinh tế đang lên của Trung Quốc. Thực tế này càng thôi thúc Bắc Kinh hành động tức thì nếu muốn đạt kế hoạch siêu cường đặt ra vào năm 2025.
Trong kế hoạch 5 năm được Thủ tướng Lý Khắc Cường công bố cuối tuần trước, Bắc Kinh xem phát triển công nghệ là vấn đề an ninh quốc gia. Đây là sự thay đổi so với kế hoạch đặt ra trước đó chỉ tập trung vào phát triển kinh tế. Các lĩnh vực trọng tâm cần thúc đẩy phát triển gồm chất bán dẫn công nghệ cao, hệ thống điều hành, bộ xử lý vi tính, điện toán đám mây và trí tuệ nhân tạo.
“Tôi cho rằng họ thực sự lo lắng. Trung Quốc hiểu nếu không tiếp cận được các công nghệ trên, họ không thể đạt mục tiêu đề ra”, chuyên gia phân tích công nghệ Rebecca Arcesati thuộc Viện nghiên cứu Trung Quốc (MERICS - viện chính sách lớn nhất châu Âu chuyên các vấn đề về Trung Quốc) nhận định.
Theo NYT, kế hoạch Trung Quốc đề ra mức chi cho nghiên cứu phát triển tăng 7% mỗi năm, dành cho cả lĩnh vực công và tư. Khoản đầu tư này còn cao hơn cả số tiền dành cho quân đội (dự chi 6,8%/năm). Đây được xem là kết quả của 4 năm phức tạp thuộc nhiệm kỳ Tổng thống Donald Trump khi quyền tiếp cận công nghệ Mỹ bị hạn chế đối với một số doanh nghiệp lớn của Trung Quốc, trong đó có Huawei. Trải qua giai đoạn đó, Bắc Kinh hiểu ngay cả với chính quyền mới, Mỹ vẫn quyết tâm kìm hãm sự tiến bộ công nghệ của Trung Quốc và đất nước đông dân nhất thế giới giờ đây không thể dựa vào phương Tây để có nguồn cung công nghệ ổn định giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của họ.
“Sau khi leo tới đỉnh cao thì Mỹ giờ chỉ muốn đạp cái thang không cho ai trèo lên cùng”, nhà kinh tế học người Trung Quốc Zhang Xiaojing nhận định.
Hiện tại, một trong số các lĩnh vực mà Trung Quốc vẫn chật vật khi thiếu công nghệ phương Tây là sản xuất microchip - mảng có nhiều sản phẩm điện tử của họ đang phải phụ thuộc. Quá trình sản xuất phức tạp ảnh hưởng tới nhiều doanh nghiệp Trung Quốc khiến đa phần phải nhập khẩu hầu hết lượng chip bán dẫn cần thiết. Và dù có hàng chục tỷ USD được đổ vào, ngành sản xuất chip nội địa Trung Quốc vẫn chỉ đáp ứng được 15,9% nhu cầu trong năm 2020, chỉ cao hơn 0,8% so với giá trị đạt được vào năm 2014 (theo số liệu của hãng nghiên cứu thị trường chất bán dẫn IC Insights).
Ngân hàng Phát triển Trung Quốc tuyên bố đã chuẩn bị 60 tỷ USD để hơn 1.000 doanh nghiệp then chốt trong chiến lược đổi mới có thể vay vốn, đồng thời giải ngân 30 tỷ USD cho quỹ đầu tư phát triển microchip do chính phủ đứng sau.
Ni Guangnan - quan chức thuộc Viện Kiến trúc Trung Quốc (CAE) cho rằng cần tạo ra một “Hệ thống Trung Quốc” có thể thay thế nhóm doanh nghiệp thống lĩnh thị trường điện toán như Intel, Microsoft, Oracle... Ông cũng nhấn mạnh Trung Quốc phải gia tăng sự phụ thuộc của thế giới đối với công nghệ hạ tầng viễn thông của nước này.
Đây cũng là một phần trong kế hoạch 5 năm đến năm 2025 của Trung Quốc. Nước này theo đuổi chiến lược trung hạn với 3 mũi nhọn: duy trì môi trường không thù địch bên ngoài để tập trung ưu tiên trong nước; giảm phụ thuộc Mỹ đồng thời tăng phụ thuộc vào Trung Quốc của các quốc gia khác; mở rộng tầm ảnh hưởng của Trung Quốc ra quốc tế.
Ở bên kia Thái Bình Dương, viện nghiên cứu MacroPolo (thuộc Viện Paulson) của Mỹ ít nhất cũng tin rằng hệ sinh thái công nghệ của Trung Quốc có thể sánh ngang với Thung lũng Silicon về sự năng động, tính cạnh tranh và khả năng đổi mới vào năm 2025.
Tuy nhiên, theo Cao Cong, Giáo sư tại Đại học Kinh doanh Nottingham, đầu tư nghiên cứu ứng dụng mới chỉ chiếm 17% khoản chi cho nghiên cứu và phát triển (R&D) của Trung Quốc trong năm 2019. Chính phủ chi tiền R&D chiếm khoảng 20%, thấp hơn nhiều so với một số quốc gia đã phát triển như Mỹ (60%) hay Đức (42%) dù cùng đạt mốc 2% GDP.
“Điều này sẽ khiến Trung Quốc khó tiếp cận được khoa học và công nghệ nước ngoài nếu xảy ra tình trạng ngừng trao đổi công nghệ toàn cầu. Khi đó, Trung Quốc phải phụ thuộc hoàn toàn vào các nhà khoa học trong nước cũng như việc đã đầu tư bao nhiêu cho nghiên cứu”, Giáo sư Cao đánh giá.
Và dù xem Trung Quốc là một ứng viên trong vai trò hàng đầu thế giới về công nghệ năm 2025, báo cáo của viện MacroPolo vẫn xem Bắc Kinh là “siêu cường công nghệ mong manh”, bởi vẫn dễ tổn thất khi nguồn cung chip máy tính tiên tiến bị đứt đoạn
Việt Stock