Trung Quốc: Liệu có giẫm lên "vết xe đổ" của Liên Xô?
Thái Linh
Junior Editor
Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin cũng lớn không kém—và tình trạng thiếu hụt thông tin chính xác ngày càng tăng chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn.
Nền kinh tế khổng lồ của Trung Quốc đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng niềm tin cũng lớn không kém—và tình trạng thiếu hụt thông tin chính xác ngày càng tăng chỉ khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn. Ngay cả khi đất nước này đang vật lộn với sự sụp đổ của thị trường bất động sản, ngành dịch vụ vẫn chậm lại một bước vào tháng 8. Các công ty đa quốc gia đang rút tiền ra khỏi Trung Quốc với tốc độ kỷ lục và những người theo dõi Trung Quốc ở nước ngoài cũng dần cắt giảm dự báo tăng trưởng kinh tế.
Sự u ám này phản ánh những vấn đề thực sự, từ những ngôi nhà chưa hoàn thiện cho đến các khoản nợ xấu. Nhưng những điều này cũng phản ánh việc thị trường ngày càng mất lòng tin đối với thông tin về Trung Quốc. Chính phủ được cho là đang thay đổi dữ liệu, che giấu sự thật và đôi khi đưa ra những động thái vô lý cho nền kinh tế. Những điều này ngày càng "chồng chất" thêm: nền kinh tế càng mong manh, thông tin càng bị che giấu và sự căng thẳng càng tăng. Đây không chỉ là vấn đề về lòng tin. Nếu xem lại chính sách tự do hóa một phần luồng thông tin kéo dài hàng thập kỷ, Trung Quốc sẽ thấy khó hoàn thành tham vọng tái cấu trúc nền kinh tế xoay quanh các ngành công nghiệp mới. Giống như Liên Xô, Trung Quốc có nguy cơ trở thành một ví dụ về cách chế độ độc tài không chỉ phi tự do mà còn kém hiệu quả.
Việc thắt chặt sự kiểm duyệt dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình là điều ai cũng biết. Các tài khoản mạng xã hội ngày càng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Các quan chức cũng cảnh giác hơn với các cuộc tranh luận. Các học giả sợ rằng họ bị theo dõi và các doanh nhân thì hô vang khẩu hiệu của Đảng Cộng sản. Thêm vào đó, sự biến mất của dữ liệu kỹ thuật cũng là một điều đáng lưu ý, đặc biệt là nếu dữ liệu đó gây khó xử cho đảng. Các số liệu về tình trạng thất nghiệp ở thanh niên, một vấn đề lớn, đã được Trung Quốc "cải thiện và tối ưu hóa"—trên thực tế lại được điều chỉnh giảm. Thống kê cán cân thanh toán (BOP) đã trở nên quá mơ hồ đến nỗi ngay cả Bộ Tài chính Hoa Kỳ cũng bối rối. Vào ngày 19 tháng 8, các sàn giao dịch chứng khoán đã ngừng công bố số liệu hàng ngày về việc dòng vốn đầu tư nước ngoài đang giảm dần. Khi các báo cáo kinh tế đang dần trở nên mơ hồ, khu vực tư nhân gặp nhiều khó khăn hơn trong việc đưa ra quyết định đúng đắn. Các quan chức có lẽ cũng vậy.
Để hiểu được ý nghĩa của sự thay đổi này, hãy nhìn lại vào giữa thế kỷ 20. Chứng kiến chế độ toàn trị của những năm 1930 và 1940, các nhà tư tưởng tự do như Karl Popper và Friedrich Hayek lập luận rằng tự do chính trị và thành công kinh tế song hành với nhau: quyền lực và thông tin phi tập trung giúp ngăn chặn sự chuyên chế, cho phép hàng triệu công ty và người tiêu dùng đưa ra quyết định tốt hơn. Sự sụp đổ của Liên Xô đã chứng minh họ đúng. Để duy trì sự thống trị chính trị, những người cai trị đã kiểm soát thông tin một cách tàn nhẫn, tuy nhiên điều đó đòi hỏi sự đàn áp tàn bạo và có thể làm nền kinh tế cạn kiệt.
Khi Trung Quốc dần cởi mở hơn vào cuối những năm 1990 và 2000, các nhà lãnh đạo của nước này hy vọng sẽ duy trì được quyền kiểm soát trong khi tránh được những sai lầm của Liên Xô. Trong nhiều năm, họ cho phép thông tin kỹ thuật trong kinh doanh, kinh tế và khoa học được lưu chuyển tự do hơn nhiều. Ví dụ như khi công ty Trung Quốc có giá cổ phiếu niêm yết tiết lộ thông tin cho các nhà đầu tư ở New York hoặc các nhà khoa học chia sẻ nghiên cứu mới với nhóm ở nước ngoài. Công nghệ ở Trung Quốc dường như đang cho phép chính phủ kiểm duyệt ý kiến của quần chúng một cách hợp lý hơn. Internet bị kiểm soát chặt chẽ, nhưng không bị cấm.
Giới lãnh đạo cấp cao của Trung Quốc cũng tăng cường nỗ lực để cập nhật thêm thông tin. Trong nhiều thập kỷ, họ đã sử dụng một hệ thống được gọi là neican, hay tham chiếu nội bộ, trong đó các nhà báo và quan chức biên soạn các báo cáo riêng. Ví dụ, trong các cuộc biểu tình ở Quảng trường Thiên An Môn, giới lãnh đạo liên tục nhận được các bản cập nhật. Những người trung thành với đảng và yêu thích công nghệ cho rằng "big data" và trí tuệ nhân tạo có thể cải thiện hệ thống này, tạo ra một "tòa tháp high-tech" cho việc lập kế hoạch mà Liên Xô đã không thành công.
Chính tầm nhìn về một Trung Quốc hiệu suất cao nhưng cởi mở một phần này hiện đang bị nghi ngờ. Trong bối cảnh "văn hóa sợ hãi" ngày càng lan rộng và quyết tâm đặt an ninh quốc gia lên trên nền kinh tế, chính phủ nước này đang cho thấy rằng họ không thể hoặc không muốn hạn chế phạm vi can thiệp vào luồng thông tin. Các tài liệu về chính sách tiền tệ và báo cáo thường niên của các ngân hàng lớn của Trung Quốc hiện đang viện dẫn Tư tưởng Tập Cận Bình. Các cố vấn quản lý nước ngoài lại bị coi là gián điệp. Điều này vẫn đang xảy ra mặc dù nền kinh tế phức tạp của Trung Quốc đòi hỏi chính phủ phải đưa ra quyết định linh hoạt và hợp lý hơn.
Một kết quả rõ ràng cho việc này là quyền tự do cá nhân dần "thoái lui". Trái ngược với việc mở cửa một phần, Trung Quốc đã trở thành một nơi đàn áp mạnh hơn. Nhiều người Trung Quốc vẫn có quan điểm tự do và thích tranh luận nhưng lựa chọn bàn luận không công khai. Họ không phải là mối nguy hiểm trực tiếp đối với đảng Trung Quốc.
Những tác động khác của "khoảng trống" thông tin gây ra nhiều mối đe dọa hơn. Khi các tín hiệu giá cả trở nên mơ hồ, việc phân bổ vốn trở nên khó khăn hơn. Khi lực lượng lao động thu hẹp, Trung Quốc phải dựa vào việc thúc đẩy năng suất nhiều hơn để tăng trưởng. Đất nước này cần chuyển hướng từ tín dụng giá rẻ và xây dựng sang các ngành công nghiệp đổi mới và cung cấp cho người tiêu dùng. Đó là lý do tại sao tiền vốn đang được đầu tư nhiều hơn vào xe điện, chất bán dẫn, v.v. Tuy nhiên, nếu việc đầu tư dựa trên các tính toán sai lầm về cung và cầu, hoặc nếu dữ liệu về trợ cấp và lợi nhuận bị "che giấu", thì khả năng thành công là rất thấp.
Những người ngưỡng mộ Trung Quốc có thể phản bác rằng quốc gia này vẫn có nguồn thông tin tốt để chính phủ điều hành nền kinh tế. Nhưng không ai thực sự biết ông Tập Cận Bình có thể xem được những dữ liệu hay báo cáo nào. Hơn nữa, dường như có thể chắc chắn rằng luồng thông tin riêng tư đang trở nên méo mó hơn và ít bị giám sát hơn. Không ai muốn trở thành người nhận xét rằng một trong những chính sách đặc trưng của ông Tập Cận Bình đang thất bại.
Sau những nỗi kinh hoàng vào giữa thế kỷ 20, những người theo chủ nghĩa tự do hiểu rằng thông tin lưu thông tự do sẽ cải thiện việc ra quyết định, giảm khả năng mắc phải những sai lầm nghiêm trọng và giúp xã hội dễ dàng phát triển hơn. Nhưng khi thông tin bị che giấu, điều này có thể dẫn tới lạm quyền và tham nhũng. Theo thời gian, nền kinh tế sẽ càng ngày càng kém hiệu quả. Trung Quốc có nhiều cơ hội lớn nhưng cũng phải đối mặt với những vấn đề khó giải quyết. Một khi công dân, khu vực tư nhân và chính phủ được cập nhật thông tin đầy đủ, Trung Quốc sẽ được trang bị tốt hơn nhiều để đối mặt với những thách thức phía trước.
The Economist