Từ sân khấu đến thị trường: Taylor Swift đang "hát bay" nỗ lực kiềm chế lạm phát?
Quỳnh Chi
Junior Editor
Gã khổng lồ ngân hàng Thụy Sĩ UBS đã đưa ra cảnh báo rằng trong cuộc chiến toàn cầu chống lạm phát, kẻ thù đáng gờm nhất của các Ngân hàng Trung ương có thể không ai khác ngoài ngôi sao nhạc pop Taylor Swift.
Báo cáo này có thể được xem như một phần phân tích kinh tế chân thực, một phần chiêu trò tiếp thị cho UBS Arena - địa điểm được chọn cho nhiều sự kiện quy mô lớn bao gồm các buổi biểu diễn của Taylor Swift và Lễ trao giải Video âm nhạc MTV.
Tuy nhiên, luận điểm cốt lõi là những đợt tăng đột biến về nhu cầu khiến các NHTW khó kiểm soát lạm phát bằng các công cụ chính sách tiền tệ.
Trong báo cáo, nhà kinh tế học Paul Donovan của UBS mô tả cách các sự kiện lớn thu hút người tham dự từ khắp nơi trên thế giới - như các buổi biểu diễn của Taylor Swift, thu hút hàng loạt Swifties (tên gọi chung cho những người hâm mộ Taylor Swift) đổ về các thành phố trên toàn cầu để chiêm ngưỡng thần tượng - đã tạo ra các cú sốc cầu.
Những cú sốc này đặc biệt đáng chú ý trong các ngành như du lịch và khách sạn khi dòng người đổ về đột ngột đẩy giá lên cao tại các khách sạn, nhà hàng, hãng hàng không, taxi và các dịch vụ tương tự. Donovan phát biểu:
"Giá khách sạn thường tăng cao tại các cơ sở lưu trú gần địa điểm tổ chức sự kiện lớn. Chi phí vận chuyển (đặc biệt là giá vé máy bay) cũng có thể tăng. Cách tính giá cả hiện tại có xu hướng phản ánh những biến động bất thường và ngắn hạn của nhu cầu. Chính điều này dẫn đến sự tăng vọt của chỉ số giá tiêu dùng, một thước đo quan trọng của lạm phát."
Không hẳn là UBS sai. Nhu cầu tăng đột biến đã đẩy giá lên cao.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là lập luận này cho thấy sự bất hợp lý của hệ thống kinh tế toàn cầu, đồng thời phơi bày quan điểm phi thực tế cho rằng một nhóm nhỏ các nhà hoạch định chính sách có thể kiểm soát được áp lực lạm phát trên phạm vi toàn cầu.
Liệu các buổi hòa nhạc của Taylor Swift có thực sự đủ sức tác động đến lạm phát toàn cầu và phá vỡ nỗ lực chính sách tiền tệ?
Chỉ số lạm phát và PMI khu vực Eurozone đã tăng trong tháng này. Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chỉ là tạm thời, chủ yếu do Pháp đăng cai Thế vận hội Olympic. Sự kiện này tạo ra một làn sóng hoạt động kinh tế đột biến, kéo theo sự cải thiện các chỉ số kinh tế của toàn khu vực. Mặc dù vậy, nền tảng kinh tế vẫn còn yếu, với hầu hết các nền kinh tế lớn trong khu vực (trừ Pháp) tiếp tục suy giảm. Điều này có thể khiến ECB cân nhắc giảm lãi suất trong tháng tới.
Tỷ lệ lạm phát khu vực Eurozone
Tuy nhiên, với lãi suất đã quá thấp để kiểm soát lạm phát (dù có hay không có Taylor Swift và Thế vận hội), việc cắt giảm lãi suất chỉ đẩy giá cả lên cao hơn nữa đối với người dân châu Âu.
Và ở những quốc gia như Pháp, với nợ công cao và chi tiêu không bền vững, nguy cơ xảy ra khủng hoảng nợ thực sự lan rộng ra phần còn lại của châu Âu ngày càng tăng.
Ngay cả ở những quốc gia như Đức, nơi tỷ lệ nợ trên GDP thấp hơn trong năm nay, nền kinh tế đang trong đà suy thoái vẫn tiếp tục báo hiệu rắc rối.
Không có gì là lỗi của Taylor Swift cả, vì vậy các fan của cô ấy được miễn tội - nhưng điều tương tự không thể nói về các NHTW.
Tất cả những gì ECB, Fed và các NHTW khác chỉ biết làm là in tiền và điều chỉnh cung tiền cùng lãi suất, tạo ra các chu kỳ tăng trưởng và suy thoái kinh tế không tự nhiên. Cách làm này khiến các quốc gia mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn. Thực tế, các NHTW không thể tạo ra tăng trưởng thực sự và bền vững cho nền kinh tế.
Các NHTW rất muốn có thể đổ lỗi cho Taylor Swift hoặc Thế vận hội về các cuộc khủng hoảng kinh tế. Nhưng những đợt suy thoái này xuất phát, và thậm chí còn trở nên tồi tệ hơn, bởi chính sự can thiệp tiền tệ và sự can thiệp của chính phủ.
ZeroHedge