Tuần tới liệu Dollar có tiếp tục tăng không?
Lê Bảo Khánh
Founder
Quan điểm của Kathy Lien
Tháng hai là một tháng tuyệt vời cho đồng đô la và chứng khoán Mỹ. Chỉ số Dow Jones đã tăng lên mức cao kỷ lục và ngay khi điều chỉnh vào phiên cuối tuần thì sự sụt giảm cũng rất khiêm tốn so với mức tăng gần đây. Quan trọng nhất là chúng ta chưa phải chứng kiến chuỗi ngày giá giảm 3 con số dẫn đến tâm lý lo ngại rủi ro xuất hiện trên thị trường. Trong khi virus Corona làm cho các ngân hàng trung ương, các doanh nghiệp và người dân phải thấp thỏm lo lắng, thì giới đầu tư lại có cái nhìn tích cực hơn về tác động của virus.
Virus Corona giúp cho “King Dollar” tăng mạnh mẽ hơn bởi nhu cầu trú ẩn và sự kiên cường của nền kinh tế Mỹ. Mặc dù dữ liệu tại Mỹ không quá ấn tượng nhưng chúng ta chưa thấy dấu hiệu nào của sự suy thoái nghiêm trọng, và chỉ riêng điều đó đã đủ để trấn an các nhà đầu tư rằng nền kinh tế Mỹ vẫn đang khả quan hơn các quốc gia khác, trong khi các rắc rối đến từ Trung Quốc vẫn chưa biến mất. Doanh số bán lẻ tăng 0,3% trong tháng 1 phù hợp với kỳ vọng. Doanh số bán lẻ lõi giảm từ 0,6% xuống còn 0,3% nhưng điều này cũng không có gì nghiêm trọng. Chỉ số Sentiment của University of Michigan mạnh hơn dự kiến mặc cho các mối lo ngại về virus.
Tuần tới, trọng tâm chính của đồng đô la sẽ là FED. Một số thành viên của FED sẽ phát biểu và biên bản FOMC sẽ được công bố. Vào thứ Năm, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã thông báo rằng bắt đầu từ tuần tới, họ sẽ giảm khối lượng Repos ra thị trường. Đây là phản ứng đáp lại việc 3 phiên thầu gần nhất đều có số lượng đăng ký vượt mức khi các ngân hàng đổ xô đi tìm nguồn cung tiền “rẻ” từ Fed, và đồng thời cũng là tín hiệu tốt cho DXY bởi sự hạn chế nguồn tiền giá rẻ. Nhìn về phía trước, chúng ta hy vọng các nhà hoạch định chính sách sẽ hạ thấp tác động của virus theo cách tương tự như thị trường đang phản ứng. Số lượng nhà ở và sản xuất sẽ được công bố trên lịch kinh tế nhưng các tin này sẽ không gây ra mối đe dọa cho đà tăng của đồng bạc xang. Vì vậy, để trả lời câu hỏi ở trên thì đồng USD vẫn sẽ mở rộng đà tăng trong tuần tới, nhưng cũng cần lưu ý vì DXY đã có sự tăng mạnh trong 2 tuần đầu tháng 2, nên việc điều chỉnh trước khi tiếp tục xu hướng tăng tiếp là điều rất dễ xảy ra.
Ngoài thị trường Mỹ, thì tại EU, Anh, Nhật Bản, Úc và Canada sẽ công bố một số báo cáo kinh tế. Với khu vực Eurozone, chúng ta có khảo sát ZEW của Đức và báo cáo PMI. Dữ liệu EZ đã thay đổi tệ hơn và báo cáo PMI dự kiến sẽ cho thấy sự yếu kém dai dẳng đang diễn ra. Đây là một vấn đề khá lớn khi mà nền kinh tế Đức tăng trưởng tốt trong 2 quý vừa qua đang phải đối mặt với những lo ngại về suy thoái và tăng trưởng âm. Doanh số bán lẻ, CPI và PMI của Anh dự kiến được công bố cùng với GDP quý 4 của Nhật Bản, cùng với báo cáo việc làm từ Úc và doanh số bán lẻ và CPI của Canada. Chúng tôi cho rằng tăng trưởng việc làm ở Úc sẽ chậm lại, trong khi doanh số bán lẻ và lạm phát tại Canada có thể “nóng hơn” do sự tự tin của Ngân hàng trung ương gần đây.