USDJPY chạm đỉnh bốn thập kỷ, chính phủ Nhật Bản bất lực trước Fed
Thái Linh
Junior Editor
Các nhà chức trách Nhật Bản đang phải đối mặt với một sự thật nghiệt ngã khi USDJPY nhanh chóng tăng qua các mốc quan trọng: Chỉ khi nào Fed nới lỏng chính sách thì USDJPY mới ngừng tăng - một điều mà Nhật Bản không thể kiểm soát.
Đây là điều mà các nhà đầu tư đã nhận ra khi phân tích cách lãi suất vẫn ở mức cao của Mỹ hỗ trợ USD và tác động lên toàn thế giới. Trong thị trường tiền tệ toàn cầu có quy mô lên tới 7.5 nghìn tỷ USD mỗi ngày, sự biến động không ngừng của đồng Yên là biểu hiện cực đoan cho sự thống trị tài chính của Mỹ.
“Fed dường như là tâm điểm tài chính của toàn thế giới”, theo Andrew Brenner, bộ phận trái phiếu quốc tế tại NatAlliance Securities, cho biết: “Chính sách duy trì lãi suất cao hơn trong thời gian đang hỗ trợ USD bằng cách thu hút đầu tư vào Mỹ và tăng cường sức mạnh cho đồng tiền này. Điều này lại là một vấn đề lớn đối với Nhật Bản”.
Chênh lệch lãi suất lớn giữa Mỹ và các quốc gia
Thị trường đã nhận thấy rõ sự thống trị của Mỹ trên thị trường tài chính toàn cầu vào thứ 4 khi chỉ số DXY đóng cửa ở mức đỉnh, gây áp lực lên các loại tiền tệ còn lại trên thế giới. Chứng khoán Mỹ đang trên đà kết thúc một quý tăng trưởng khác, trong khi Bộ Tài chính nhanh chóng bán được khối lượng trái phiếu trị giá 70 tỷ USD đã được đấu thầu.
Ngược lại, đồng Yên đang suy yếu nghiêm trọng khi USDJPY tăng 0.7% lên mức 160.87, cao hơn so với mức khi quan chức Nhật Bản thực hiện can thiệp tỷ giá. EURJPY cũng tăng lên 171.80, mức tăng cao nhất từng được ghi nhận. Trong bối cảnh biến động tỷ giá hối đoái quá mức, quan chức tiền tệ hàng đầu của Nhật Bản, Masato Kanda, nhấn mạnh rằng các nhà chức trách đang theo dõi sát sao thị trường ngoại hối và sẽ thực hiện các động thái thích hợp nếu cần.
Tuy vậy, những nỗ lực của các quan chức Tokyo nhằm hỗ trợ đồng Yên cho đến nay đều không thành công. Các chiến lược gia cho biết, đồng Yên tiếp tục suy yếu kể từ khi quốc gia châu Á này đổ 9.8 nghìn tỷ Yên (hơn 60 tỷ USD) vào thị trường ngoại hối – và các biện pháp can thiệp sâu hơn có thể sẽ không hiệu quả.
Bob Savage, bộ phận chiến lược thị trường tại BNY Mellon Capital Markets ở New York, cho biết: “Những động thái của Nhật Bản sẽ không có hiệu quả cho đến khi Fed thực sự nới lỏng chính sách. Điều cần thiết hiện nay là phải làm giảm nhu cầu về USD ở Nhật Bản. Quốc gia này có thể tăng lãi suất hoặc mong đợi Mỹ sẽ giảm lãi suất. Tuy nhiên, cả hai điều này đều không khả thi.”
Theo số liệu của Ủy ban Giao dịch Hàng hóa Tương lai công bố hôm thứ 2, các nhà quản lý tài sản đã đặt cược rằng đồng Yên sẽ suy yếu, và tuần trước đã ghi nhận dữ liệu có xu hướng bearish nhất kể từ năm 2006.
USDJPY tăng lên mức đỉnh kể từ năm 1986
Chênh lệch lớn giữa lãi suất ở Nhật Bản và Mỹ là nguyên nhân chính khiến USDJPY tăng cao trong năm nay.
Đây không phải điều mà thị trường dự đoán cho năm nay. Vào đầu năm, các nhà giao dịch kỳ vọng Fed sẽ thực hiện một loạt đợt cắt giảm lãi suất, dẫn đầu các ngân hàng trung ương lớn trong xu hướng nới lỏng toàn cầu ngay cả khi BoJ lựa chọn hướng khác để thoát khỏi lãi suất cực thấp. Thay vào đó, nền kinh tế Mỹ mạnh mẽ và lạm phát dai dẳng đã khiến Fed phải giữ nguyên lãi suất, trong khi BoJ tiếp tục tăng lãi suất ở mức gần như đi ngang.
Kathy Jones, bộ phận chiến lược trái phiếu tại Charles Schwab, cho biết: “Đây là năm mà đồng Yên được cho là sẽ mạnh lên cùng với lãi suất của Nhật Bản”. Nhưng bây giờ, “sự chờ đợi vẫn phải tiếp tục,” bà nói.
Thông tin về thước đo lạm phát được Fed ưa chuộng sẽ được công bố vào thứ 6 là mối lo ngại lớn tiếp theo đối với đồng Yên. Các nhà kinh tế dự đoán lạm phát PCE lõi - không tính các loại thực phẩm và năng lượng - sẽ giảm, thúc đẩy Fed hạ lãi suất trong năm nay.
Lãi suất ở Mỹ cao nhất trong nhóm G10
Nhật Bản đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Citigroup ước tính quốc gia này có từ 200 tỷ đến 300 tỷ USD dự trữ để cấp vốn cho bất kỳ can thiệp tỷ giá nào tiếp theo, đòi hỏi Nhật Bản phải bán USD và các loại tiền tệ khác mà nước này nắm giữ dưới dạng dự trữ tiền mặt hoặc thậm chí TPCP trên toàn thế giới để mua đồng Yên.
Đối với Dominic Konstam, bất kỳ sự can thiệp nào cũng nhằm mục đích “làm chậm quá trình đồng Yên suy yếu chạm đáy” khi BoJ bình thường hóa chính sách tiền tệ.
“Vấn đề mà Nhật Bản gặp phải là can thiệp sai hướng”, bộ phận chiến lược vĩ mô tại Mizuho Securities USA nói với Bloomberg Radio hôm thứ 4. “Quốc gia này có nguồn dự trữ hạn chế, họ không thể chi hàng trăm tỷ chỉ để bảo vệ đồng tiền”.
Bloomberg