Vì sao đồng USD vẫn sẽ là 'ông vua' tiền tệ cho đến cuối thập kỷ?
Quỳnh Chi
Junior Editor
Chuyên gia kỳ cựu Ed Yardeni dự đoán USD sẽ tăng mạnh từ nay đến năm 2030. Ông cho rằng những lo ngại về việc "phi USD hóa" đang bị thổi phồng quá mức.
Trong một báo cáo công bố hôm thứ Hai, Yardeni đưa ra năm lý do khiến ông tin rằng USD sẽ tiếp tục xu hướng tăng dài hạn kể từ khi chạm đáy ở mức khoảng 75 điểm vào năm 2011 (dựa trên Chỉ số DXY - một chỉ số quan trọng, được sử dụng để đo lường sức mạnh của USD so với một rổ các đồng tiền chủ chốt trên thế giới).
Yardeni nhấn mạnh rằng USD mạnh có những ảnh hưởng sâu rộng đến cách thức dòng tiền và giá cổ phiếu vận động trên phạm vi toàn cầu.
Người tiêu dùng Mỹ có thể hưởng lợi từ USD mạnh hơn thông qua sức mua tăng lên. Tuy nhiên, các công ty đa quốc gia thường gặp bất lợi. Khi họ chuyển đổi lợi nhuận kiếm được từ nước ngoài (bằng các đồng tiền khác) về USD, họ sẽ nhận được ít USD hơn. Điều này dẫn đến sự sụt giảm trong lợi nhuận trong báo cáo tài chính.
Yardeni cũng chỉ ra rằng lợi nhuận doanh nghiệp giảm do USD mạnh lên có thể tạo áp lực giảm giá cổ phiếu. Tuy nhiên, ông lưu ý rằng điều này không có nghĩa là giá cổ phiếu không thể tăng trong bối cảnh USD mạnh lên.
Chỉ số DXY đã tăng 39% kể từ mức thấp nhất vào tháng 4/2011, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 312% trong cùng thời kỳ. Và kể từ tháng 12/2020, USD đã tăng 13% trong khi S&P 500 tăng 51%.
Yardeni kết luận: "Trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19, USD đã liên tục thể hiện sức mạnh của mình, trở thành một trong những yếu tố chính định hình xu hướng tăng giá trên thị trường tài chính." Ông tin rằng xu hướng này sẽ tiếp tục trong những năm tới và đưa ra năm lý do chính để ủng hộ quan điểm này.
1. Chính sách tiền tệ
Trong những tuần gần đây, USD đã có dấu hiệu yếu đi xuất phát từ kỳ vọng của thị trường về việc Fed sẽ cắt giảm lãi suất đáng kể vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Yardeni cho rằng thị trường đang quá vội vàng trong việc dự đoán về cắt giảm lãi suất. Nếu nhận định của ông đúng, USD có thể sẽ mạnh lên trở lại.
"Hiện tại, thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất quỹ liên bang từ 100 đến 125 bps trong sáu tháng tới. Kỳ vọng cao này đã khiến toàn bộ lợi suất TPCP Mỹ giảm xuống. Chúng tôi dự đoán rằng các quan chức Fed sẽ phản đối những kỳ vọng này nếu các chỉ số kinh tế sắp tới vượt quá dự kiến, điều mà chúng tôi cho là có thể xảy ra," Yardeni nói.
2. Biến động của đồng Yên Nhật
Thị trường tiền tệ gần đây chứng kiến sự biến động mạnh của đồng Yên Nhật do BoJ đã bất ngờ tăng lãi suất và khiến các nhà đầu tư phải nhanh chóng điều chỉnh chiến lược carry trade của họ.
Tuy nhiên, theo Yardeni, tình trạng này sẽ không kéo dài. Một khi đồng Yên ổn định, USD sẽ được hưởng lợi. Yardeni còn chỉ ra một sự kiện quan trọng có thể tác động đến tình hình này vào ngày thứ Sáu.
"Các nhà giao dịch đã bán ra USD để mua Yên trước thời điểm Thống đốc BoJ Ueda xuất hiện tại Quốc hội Nhật Bản vào thứ Sáu. Đồng Yên đã tăng khoảng 1.0% so với USD vào thứ Hai khi các quỹ phòng hộ nhanh chóng cắt giảm vị thế bán Yên của họ, theo dữ liệu hợp đồng tương lai và quyền chọn của CFTC," Yardeni viết.
3. Những bất ngờ từ nền kinh tế
Trong những tuần gần đây, nền kinh tế Mỹ đã gặp một số trở ngại, đặc biệt là báo cáo việc làm tháng 7 kém khả quan và tỷ lệ thất nghiệp tăng.
Tuy nhiên, Yardeni cho rằng những số liệu này không phản ánh đúng sức mạnh thực sự của nền kinh tế, mà do tác động của cơn bão Beryl, gây ra lũ lụt và mất điện trên diện rộng tại Texas - một trong những trung tâm kinh tế lớn của Mỹ.
Yardeni dự đoán rằng khi những ảnh hưởng của cơn bão qua đi, nền kinh tế Mỹ sẽ nhanh chóng phục hồi và tạo thêm động lực cho USD tăng giá.
"Khi tác động của cơn bão Beryl đối với các chỉ số kinh tế giảm dần, chúng tôi kỳ vọng Chỉ số Citigroup Economic Surprise sẽ phục hồi trong những tuần tới. Sự phục hồi này sẽ hỗ trợ lợi suất TPCP dài hạn, từ đó thúc đẩy USD mạnh lên," Yardeni giải thích.
4. Căng thẳng địa chính trị
Yardeni chỉ ra rằng tình hình địa chính trị căng thẳng, đặc biệt là ở Trung Đông, có thể là một yếu tố bất ngờ hỗ trợ cho USD.
USD được coi là tài sản trú ẩn an toàn hàng đầu cho các nhà đầu tư trên toàn thế giới trong thời kỳ bất ổn.
"Nếu căng thẳng giữa Israel và Iran leo thang, điều này có thể làm tăng giá dầu và lợi suất TPCP và do đó tăng giá USD. Xung đột trở nên nghiêm trọng hơn sẽ khuyến khích dòng tiền chạy đến các tài sản trú ẩn an toàn, làm tăng giá TPCP và đồng thời tăng giá USD. Cuộc xung đột Nga - Ukraine cũng có thể tác động tương tự, đặc biệt khi Ukraine đang đe dọa sản xuất năng lượng của Nga," Yardeni nói.
5. Nhu cầu mạnh mẽ
Bất chấp những lo ngại về suy thoái, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn đang tích cực mua các tài sản tài chính của Mỹ do trái phiếu và cổ phiếu Mỹ vẫn mang lại lợi suất hấp dẫn trong khi được coi là có rủi ro thấp. Khi các nhà đầu tư nước ngoài mua các tài sản này, họ cần chuyển đổi tiền tệ của mình thành USD, tạo ra nhu cầu ổn định cho đồng tiền này.
Yardeni đưa ra số liệu ấn tượng: "Trong 12 tháng tính đến tháng 6, các nhà đầu tư nước ngoài đã mua 451 tỷ USD TPCP dài hạn, 318 tỷ USD trái phiếu doanh nghiệp Mỹ, và 168 tỷ USD cổ phiếu.
Markets Insider