Với Apple Watch Ultra, táo khuyết đang theo đuổi khách hàng nào?
Nguyễn Thanh Thùy Dung
Junior Analyst
Nhờ việc hướng tới sản xuất đồng hồ thể thao, Apple trở thành thương hiệu mà nhiều người tiêu dùng săn đón.
Trong bảy năm kể từ khi Apple cho ra mắt chiếc Apple Watch đầu tiên, tới nay đã có hơn 100 triệu chiếc được bán ra, chiếm 30% thị phần smartwatch toàn cầu. Tuy nhiên, Apple vẫn chưa thể đánh vào một thị trường ngách nhưng tiềm năng: các môn thể thao sức bền.
Nghiên cứu cho thấy hầu hết các vận động viên ưu tú nhất thế giới trước khi bắt đầu cuộc đua ba môn phối hợp Ironman đều đeo đồng hồ Garmin. Đây là những người dành $10,000 để mua 1 chiếc xe đạp và đi khắp thế giới tranh tài trên những cung đường ấn tượng. Nhưng thay vì mua Apple Watch, họ lại thích sử dụng những chiếc đồng hồ phù hợp với nhiều môn thể thao từ các hãng hàng đầu cung cấp thiết bị cho việc thám hiểm và phiêu lưu ngoài trời.
Apple Watch Ultra đã được ra mắt tại sự kiện Far Out mới đây có thể thay đổi điều đó. Với giá 799 USD, đây là chiếc đồng hồ đắt nhất trong số các mẫu Apple Watch được công bố cùng ngày, bao gồm Apple Watch Series 8 với giá $499 và Watch SE với giá $249. Do vậy, Apple Watch Ultra được xếp trên phân khúc với Garmin được ưa chuộng bởi các vận động viên ba môn phối hợp, nhưng vẫn rẻ hơn so với các mẫu đồng hồ cao cấp được thiết kế cho các cuộc thi siêu marathon và cho môi trường khắc nghiệt. Apple Watch Ultra cũng có thể trở thành một máy tính lặn thu nhỏ, cạnh tranh với những tên tuổi hàng đầu như Suunto, Cressi và Aqualung.
Apple Watch Ultra
Hướng tới những người tiêu dùng có sở thích xa xỉ và độ trung thành với thương hiệu cao là một bước đi thông minh và điều đó cho thấy công ty đang tập trung vào việc đẩy mạnh các sản phẩm ngoài iPhone, cụ thể là Apple Watch và AirPods. Công nghệ đeo, Thiết bị gia đình và Phụ kiện (WHA) là lĩnh vực thiết bị dịch vụ duy nhất của Apple ghi nhận tăng trưởng liên tục trong sáu năm qua. Trong khi WHA chỉ chiếm 11% doanh thu, ít hơn nhiều so với 53% của iPhone, doanh thu từ lĩnh vực thiết bị này đã tăng 245% kể từ năm 2016, so với 40% đối với iPhone và 181% đối với dịch vụ.
Doanh thu tăng chỉ là một nửa câu chuyện. Làm cho người tiêu dùng quan tâm đến Apple nhiều hơn sẽ sinh lợi hơn nhiều so với việc chỉ đảm bảo khách hàng nâng cấp iPhone định kỳ. Tai nghe là một ví dụ điển hình. Khách hàng đang dùng iPhone sẽ rất bị thu hút mua AirPod và ngược lại, khách hàng ít có xu hướng chuyển sang Samsung hoặc Oppo hơn nếu họ đã có AirPods và Apple Watch.
Apple cũng không cần phải làm một chiếc iPhone mới thực sự đột phá để thu hút tín đồ. Như iPhone 14 chắc chắn không có cải tiến gì thực sự sốc. Camera tốt hơn, chip khỏe hơn và màn hình luôn sáng không thú vị bằng những cải tiến trong quá khứ như Touch ID, 3D Touch hoặc Siri.
Thay vào đó, Apple đã dành sự kiện ra mắt của mình để tập trung vào các tính năng mà đại đa số người tiêu dùng sẽ không bao giờ cần đến hoặc ít sử dụng, như phát hiện va chạm hay gọi SOS bằng vệ tinh. Dù đã có nhiều người nói rằng chiếc Apple Watch của họ đã cứu mạng mình ra sao, an toàn không phải là thứ cần có trong thiết bị điện tử tiêu dùng.
Tuy nhiên, khi hướng tới nhiều kiểu người tiêu dùng khác nhau với những nhu cầu riêng biệt, Apple đang đảm bảo rằng khả năng liên kết giữa các thiết bị của mình là thứ mà người tiêu dùng có thể tin cậy. Giám đốc điều hành của Apple, Tim Cook, tuyên bố trong phần mở đầu cho sự kiện ra mắt hôm thứ Tư rằng “liên kết hệ sinh thái này là điều chỉ Apple mới có thể làm được”. Và đó là lý do tại sao Apple sẽ tiếp tục là thương hiệu mà khách hàng không thể bỏ qua.
Bloomberg