Western Asset: Thay đổi chính sách của BoJ sẽ thúc đẩy trái phiếu "siêu" dài hạn
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Western Asset Management đang đặt cược rằng lợi suất TPCP Nhật Bản kỳ hạn 30 năm sẽ tăng ít hơn trái phiếu kỳ hạn ngắn hơn vì khả năng BoJ cắt giảm nắm giữ các khoản trái phiếu siêu dài hạn là rất thấp.
Hiroyuki Kimura, giám đốc quản lý đầu tư tại Nhật Bản, vào tuần trước cho biết rằng nhu cầu từ các công ty bảo hiểm nhân thọ và các tổ chức khác đối với trái phiếu siêu dài hạn cũng sẽ giúp lợi suất tăng không đáng kể. Ông cho biết, Western Asset, một công ty con của quỹ Franklin Templeton, dự đoán BoJ sẽ tăng lãi suất thêm một lần nữa trong năm nay, rất có thể là vào mùa thu. Công ty cho biết họ đã quản lý khoảng 385.4 tỷ USD tính đến cuối tháng 3.
Lợi suất của một số TPCP Nhật Bản đã tăng lên mức đỉnh trong thập kỷ vào đầu tuần trước sau khi BoJ bất ngờ cắt giảm lượng mua trái phiếu định kỳ. Khoảng cách lợi suất giữa TPCP kỳ hạn 10 năm và 30 năm, vốn được các công ty bảo hiểm nhân thọ coi là mục tiêu đầu tư chính, đã mở rộng lên khoảng 110bps, gần với mức rộng nhất kể từ tháng 1 năm ngoái. BoJ là tổ chức mua trái phiếu có kỳ hạn từ 5 năm đến 10 năm với lượng lớn và nắm giữ ít hơn đối với các khoản trái phiếu dài hơn, khiến việc giảm lượng trái phiếu siêu dài trở thành ưu tiên nhỏ hơn.
Khoảng cách lợi suất giữa TPCP kỳ hạn 10 năm và 30 năm của Nhật Bản
“Lợi suất trái phiếu sẽ tăng theo các đợt nâng lãi suất của BoJ, nhưng sẽ không vượt quá 1% đối với trái phiếu chính phủ kỳ hạn 10 năm,” Kimura cho chia sẻ. Mặt khác, ông cũng cho rằng lợi suất TPCP kỳ hạn 30 năm sẽ không bứt phá trên 2%, dẫn đến đường cong lợi suất phẳng đi khoảng 10-20bps.
Trái phiếu chính phủ Nhật Bản kỳ hạn 10 năm mang lại lợi suất 0.95% vào cuối ngày thứ Sáu tại Tokyo, trong khi lợi suất TPCP kỳ hạn 30 năm là 2.055%.
Thống đốc Kazuo Ueda cho biết việc mua JGB là một vấn đề riêng biệt với các động thái chính sách tiền tệ, nghĩa là “BoJ sẽ cố gắng tham gia thị trường theo cách tránh tạo ra bất kỳ bất ngờ nào,” Kimura chia sẻ. Ông cũng nói thêm: Khó có khả năng lượng mua hàng tháng sẽ bị cắt giảm từ 6 nghìn tỷ Yên xuống còn 5 nghìn tỷ Yên (32 tỷ USD) cùng một lúc vào tháng 6 hoặc tháng 7, và BoJ sẽ giảm lượng nắm giữ một cách thận trọng.
Ông cho rằng BoJ vẫn cần xem xét thêm dữ liệu kinh tế để quyết định thời điểm tăng lãi suất, điều này khiến việc nâng lãi suất tại cuộc họp tháng 7 là quá sớm.
GDP quý I công bố ngày 16/5 ghi nhận chi tiêu tiêu dùng tư nhân giảm nhiều hơn dự kiến, cho thấy nhu cầu nội địa còn trì trệ. Kimura nhận định: “Mặc dù nền kinh tế đang tăng trưởng về danh nghĩa nhưng thực tế lại đang suy yếu”.
Điều quan trọng là liệu một chu kỳ tích cực khi tiền lương tăng phù hợp với đà tăng của giá cả và tiêu dùng phục hồi có thể được nhìn thấy rõ ràng vào mùa thu hay không. Đó là khi có các chỉ số kinh tế cho tháng 7 và tháng 8 phản ánh tác động của các cuộc đàm phán tiền lương và dữ liệu tích cực sẽ cho phép BoJ tăng lãi suất thêm 15bps, Western Asset dự đoán.
Bloomberg