5 bước ngoặt quyết định số phận của Trung Quốc trong năm 2025
Ngọc Lan
Junior Editor
Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn thường ví von về những "biển động sóng dữ" như một lời cảnh báo về những thử thách cam go mà Trung Quốc sẽ phải đương đầu trong tương lai. Dẫu vậy, may mắn đã mỉm cười với ông khi chưa phải đối diện với những tình huống khốc liệt như trong ẩn dụ của mình.
Cuộc suy thoái kinh tế kéo dài hai năm có lẽ đã khiến khát vọng đưa Trung Quốc trở thành cường quốc sánh ngang Hoa Kỳ phải chậm bước. Song, ông Tập vẫn khéo léo điều hành con thuyền quốc gia vượt qua vùng biển địa chính trị ngày càng u ám mà không gặp phải bất kỳ thảm họa đáng kể nào.
Thế nhưng, khi Donald Trump chuẩn bị quay trở lại Nhà Trắng, vận may của người đứng đầu Trung Quốc dường như đang dần cạn kiệt. Ông Tập có thể sẽ phải đối mặt với năm thách thức nghiêm trọng cùng một lúc - những thách thức mang tính quyết định đến vận mệnh và hướng đi của đất nước tỷ dân trong những năm còn lại của thập kỷ này.
Không thể phủ nhận, "cơn bão" đầu tiên đang chờ đợi ông Tập chính là sự leo thang căng thẳng trong quan hệ Trung - Mỹ. Ông Trump đã tuyên bố sẽ nâng mức thuế suất lên tới 60% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Một khi chính sách này được thực thi, hậu quả tất yếu sẽ là sự đổ vỡ nhanh chóng và hỗn loạn trong quan hệ thương mại song phương - vốn đã chạm mốc 570 tỷ USD trong năm 2023. Cùng với đó, Washington được dự báo sẽ siết chặt kiểm soát xuất khẩu công nghệ tiên tiến, tạo thêm rào cản cho bước tiến của Trung Quốc trong các lĩnh vực then chốt như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), điện toán lượng tử và nhiều ngành công nghệ quan trọng khác.
Với nền kinh tế đang bị trói buộc bởi gánh nợ khổng lồ, lạm phát tiêu cực và khủng hoảng bất động sản, Trung Quốc đang ở thế yếu hơn nhiều so với năm 2018, khi Trump lần đầu tung ra đòn thuế quan. Điều đáng lo ngại hơn, những quan chức có lập trường "diều hâu" với Trung Quốc đang nắm quyền kiểm soát bộ máy an ninh quốc gia Hoa Kỳ có thể sẽ áp dụng các chiến thuật quyết liệt hơn về vấn đề Đài Loan và Biển Đông, tiềm ẩn nguy cơ dẫn đến cuộc đối đầu căng thẳng giữa hai cường quốc, gợi nhớ về cuộc khủng hoảng tên lửa Cuba năm 1962. Nhiệm vụ cấp bách và cam go nhất của ông Tập sẽ là ngăn không để mâu thuẫn Trung - Mỹ vượt tầm kiểm soát.
Thách thức quan trọng thứ hai là việc hồi sinh nền kinh tế. Dù Bắc Kinh mới đây đã công bố chiến lược ưu tiên tăng trưởng dựa vào tiêu dùng, nhưng thành tích trước đây của họ không mấy thuyết phục. Nghịch lý thay, cuộc chiến thương mại của Trump có thể trở thành động lực buộc ông Tập phải định hướng lại toàn diện mô hình tăng trưởng của Trung Quốc, chuyển từ phụ thuộc vào đầu tư và xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa. Nếu chần chừ, mọi thách thức đối ngoại của đất nước sẽ chỉ càng thêm chồng chất.
Thách thức thứ ba xoay quanh mức độ linh hoạt mà ông Tập sẵn sàng thể hiện, không chỉ về kinh tế mà còn cả về địa chính trị. Chính sách cưỡng ép của Trung Quốc những năm gần đây đã đẩy các nước láng giềng về phía Hoa Kỳ. Tuy nhiên, nếu Trump áp thuế 10% lên các đồng minh Đông Á và buộc họ chi trả nhiều hơn cho sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực, chính sách "Ưu tiên nước Mỹ" có thể nhanh chóng làm rạn nứt các mối quan hệ này.
Để lấy lòng các nước láng giềng, Trung Quốc buộc phải mềm mỏng hơn trong yêu sách hàng hải, cởi mở hơn về thị trường và chấm dứt các hành động đe dọa trong vùng xám tại các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Nếu ông Tập không nắm bắt, ông có thể đánh mất cơ hội quý giá để làm suy yếu mạng lưới đồng minh do Mỹ dẫn dắt - vốn là rào cản chính đối với tham vọng bá quyền của Trung Quốc trong khu vực.
Thách thức thứ tư là tìm cách đóng vai trò tích cực trong việc chấm dứt cuộc chiến Ukraine - cuộc chiến đã gây tổn thương nặng nề đến quan hệ Trung- Âu, trong khi Bắc Kinh chỉ có ảnh hưởng hạn chế. Bất chấp lời kêu gọi từ Trump về việc Bắc Kinh góp phần kiến tạo hòa bình, ông Tập đang đứng trước một tình thế "tiến thoái lưỡng nan". Việc gây sức ép buộc Putin chấp nhận những điều khoản bất lợi có thể phá vỡ tình hữu nghị. Ngược lại, ủng hộ lập trường cứng rắn của Moscow chắc chắn sẽ khiến Trump bất mãn và càng khiến châu Âu phẫn nộ. Làm hài lòng tất cả các bên gần như bất khả, nhưng lại là điều sống còn.
Nếu không khéo léo xoay chuyển tình thế, ông Tập có thể sẽ phải đương đầu với một thách thức chưa từng có trong lịch sử - một viễn cảnh mà trước đây không ai dám tưởng tượng đến. Dưới thời Biden, không ai nghĩ tới khả năng diễn ra một "Nixon đảo ngược" - một nước cờ ngoại giao táo bạo của Washington nhằm chia rẽ Moscow và Bắc Kinh. Thế nhưng, kịch bản Trump thực hiện "chuyến đi Moscow" lúc này lại trở thành một nước cờ chiến lược đầy hấp dẫn - một mặt để vị Tổng thống tương lai phô diễn bản lĩnh thương thảo trên trường quốc tế, mặt khác cũng phù hợp với tham vọng của phe cứng rắn, những người đang tìm cách thuyết phục Washington từ bỏ đối đầu với Nga để dồn toàn lực vào cuộc cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc.
Bất kỳ thỏa thuận hòa giải nào do Trump dàn xếp đều có thể trở thành đòn đánh kép vào Bắc Kinh. Một mặt, mối quan hệ đối tác chiến lược mà ông Tập đã dày công vun đắp với Putin sẽ bị rạn nứt từ gốc rễ. Đồng thời, Mỹ có thể tập trung toàn lực để đẩy mạnh cuộc đối đầu với Trung Quốc.
Liệu ông Tập có thể ngăn chặn kịch bản này bằng cách tiếp thêm sức mạnh cho Putin hoặc tự mình nỗ lực đạt được một thỏa thuận lớn với Trump hay không vẫn là một ẩn số. Điều duy nhất chắc chắn là sau hơn một thập kỷ cầm quyền, những quyết sách của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong năm tới có thể sẽ là những quyết định mang tính định mệnh nhất trong sự nghiệp của ông.
Bloomberg