Lợi suất trái phiếu tăng cao làm dấy lên nhu cầu ổn định tài khóa
Huyền Trần
Junior Analyst
Lợi suất trái phiếu tăng cao làm gia tăng lo ngại về tài chính Mỹ. Thành lập ủy ban tài chính lưỡng đảng có thể giúp kiểm soát thâm hụt và nợ công.
Lợi suất trái phiếu tăng cao gần đây đã làm dấy lên lo ngại mới về bức tranh tài chính ảm đạm của Mỹ. Càng phân tích kỹ các số liệu, vấn đề càng trở nên phức tạp. Sau thời gian dài không được giải quyết triệt để, những giải pháp tạm thời hoặc mang tính đối phó sẽ không còn phù hợp. Sự gia tăng của lợi suất trái phiếu có thể nhanh chóng tác động lớn đến lỗ hổng tài khóa.
Vậy giải pháp là gì? Đề xuất chính của tôi có thể khiến nhiều người ngán ngẩm: Thành lập một ủy ban tài chính với sự hợp tác từ cả Quốc hội và chính phủ để tìm ra hướng đi mới. Điều này từng được thử trước đây và hiếm khi đạt được kết quả như mong muốn. Trong bối cảnh chính trị hiện nay, việc kêu gọi đồng thuận lưỡng đảng nghe có vẻ thiếu thực tế. Nhưng hãy thử cân nhắc lại.
Thực tế, những ủy ban tài chính trước đây đã mang lại kết quả tốt hơn nhiều so với nhận định của giới hoài nghi. Nỗ lực đáng chú ý nhất là ủy ban Simpson-Bowles do Tổng thống Barack Obama thành lập năm 2010. Ủy ban này đã đề xuất một kế hoạch toàn diện với các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, đủ sức giúp kinh tế Mỹ duy trì nền tảng tài chính bền vững. Tuy nhiên, kế hoạch này đã bị Quốc hội từ chối, và trong vòng 15 năm sau đó, tỷ lệ nợ công so với GDP gần như tăng gấp đôi.
Dự kiến nợ công theo %GDP
Dù không thành công như kỳ vọng, nỗ lực của Simpson-Bowles không hề vô ích. Ủy ban buộc các chính trị gia đối diện với thực tế và bàn luận về các giải pháp cần thiết. Dù gói cải cách lớn không được thông qua, những điều chỉnh theo khuyến nghị của ủy ban vẫn giúp kiềm chế tốc độ gia tăng nợ công. Quốc hội đã thực hiện cắt giảm chi tiêu quốc phòng, đồng thời áp dụng một số cải cách thuế và điều chỉnh chi tiêu cho các chương trình bắt buộc như Medicare và An sinh Xã hội. Tổng cộng, các biện pháp này đã giúp cắt giảm thâm hụt ngân sách tích lũy khoảng 2 nghìn tỷ USD trong giai đoạn 2011-2020, tuy chưa đủ, nhưng cũng không phải là con số nhỏ.
Các ủy ban chuyên biệt đã từng mang lại hiệu quả đáng kể. Kể từ năm 1988, nhiều đợt tái cơ cấu căn cứ quân sự do Ủy ban Base Realignment and Closure thực hiện đã trở thành chương trình cải cách hiệu quả nhất mà Lầu Năm Góc từng triển khai. Đầu thập niên 1980, Ủy ban Greenspan đã đưa ra giải pháp cho nguy cơ cạn kiệt quỹ An sinh Xã hội bằng cách tăng tuổi nghỉ hưu và thuế quỹ lương, giúp ổn định tài chính của hệ thống này suốt bốn thập kỷ. Hiện nay, dự báo Quỹ An sinh Xã hội sẽ cạn vào năm 2034, buộc phải cắt giảm trợ cấp khoảng 25%.
Tuy nhiên, vấn đề tài chính hiện tại lại phức tạp và rộng lớn hơn rất nhiều. Việc cắt giảm chi tiêu tùy ý không còn là giải pháp khả thi, cần phải điều chỉnh cả thuế và các chương trình phúc lợi, vốn là trụ cột ngân sách. Để ổn định tỷ lệ nợ công, chưa nói đến việc giảm nợ, đòi hỏi mức tăng thuế hoặc cắt giảm chi tiêu lên đến 9 nghìn tỷ USD trong thập kỷ tới. Điều này chỉ khả thi nếu Quốc hội không gia hạn phần lớn các khoản cắt giảm thuế từ Đạo luật Cắt giảm Thuế và Việc làm năm 2017, dù cả hai đảng hiện vẫn đang nghiêng về việc gia hạn.
Trong bối cảnh này, việc thành lập một ủy ban tài chính mới có thể là lựa chọn hợp lý hơn so với cách tiếp cận rời rạc mà Quốc hội đang thực hiện. Đặc biệt khi trần nợ một lần nữa đang cận kề, Bộ Tài chính buộc phải áp dụng các “biện pháp đặc biệt” quen thuộc để trì hoãn ngày khủng hoảng. Một ủy ban tài chính sẽ đối mặt với nhiều thách thức, nhưng nếu không thực hiện, lựa chọn nào còn lại ngoài nguy cơ vỡ nợ?
Dù vậy, nhiều người vẫn cho rằng ý tưởng này khó khả thi vì thiếu sự hợp tác lưỡng đảng, nhất là trong thời đại phân cực chính trị hiện nay. Sự ủng hộ từ Nhà Trắng là điều kiện tiên quyết, nhưng việc Tổng thống Trump thường xuyên theo đuổi xung đột và chia rẽ khiến khả năng này trở nên xa vời.
Tuy nhiên, không phải hoàn toàn không thể. Một sáng kiến đoàn kết quốc gia để giải quyết vấn đề tài khóa có thể gây bất ngờ cho những người chỉ trích Trump, đồng thời giúp ông xây dựng di sản tích cực. Thực tế, sự phân cực về văn hóa và giá trị trong thời đại Trump lại mạnh mẽ hơn sự khác biệt về chính sách kinh tế. Đảng Dân chủ có xu hướng ủng hộ giảm thuế, trong khi đảng Cộng hòa coi trọng các chương trình phúc lợi. Cả hai đều đồng tình rằng nợ công cần được kiểm soát. Sự đối lập trong chính sách kinh tế nhiều khi chỉ là màn trình diễn và dẫn đến các cuộc tranh cãi khốc liệt.
Với tình trạng nợ công hiện tại và tâm lý lo lắng của giới đầu tư, nguy cơ mất niềm tin và thiệt hại nghiêm trọng là điều có thể xảy ra. Ngay cả Trump cũng khó muốn điều này xảy ra. Nhiều nhà lập pháp hiểu rằng việc giải quyết vấn đề nợ công đòi hỏi cả cắt giảm chi tiêu và tăng thuế đau đớn. Một ủy ban tài chính có thể giúp họ đối mặt với những lời chỉ trích về việc "phản bội" cử tri.
Cải cách phúc lợi và tăng thuế là điều không thể tránh khỏi, và cả hai phe đều nhận thức rõ điều này. Tuy nhiên, không bên nào dám công khai thừa nhận nếu không có sự đồng thuận từ bên còn lại. Chính vì thế, một ủy ban tài trở thành chìa khóa, như Trump từng nói, đây là "nghệ thuật đàm phán."
Bloomberg