Ảo ảnh số liệu: Khi chính trị chi phối kinh tế
Trà Giang
Junior Editor
Sự chia rẽ chính trị ngày càng làm nhiễu loạn kết quả của các cuộc khảo sát có ảnh hưởng lớn về tâm lý tiêu dùng và kinh doanh.
Tình hình kinh tế và chính trị đang chứng kiến một nghịch lý thú vị. Trước đây, mọi người vẫn thường nói "Kinh tế quyết định chính trị" - khi người dân hài lòng với sự phát triển của nền kinh tế, các chính trị gia đương nhiệm sẽ được tín nhiệm, và ngược lại, khi kinh tế khó khăn, cử tri sẽ không ngần ngại không tái cử những người đang nắm quyền. Thế nhưng giờ đây, trong một thế giới đảo lộn như câu chuyện "Alice ở Xứ sở thần tiên", chính trị không chỉ dẫn dắt mà còn đang bóp méo cả những con số kinh tế.
Điều đáng nói là phần lớn các số liệu kinh tế mà chúng ta vẫn thường thấy trên báo chí thực chất được tạo ra từ những cuộc khảo sát đơn giản. Dù được trình bày như những phép đo chính xác về hoạt động kinh tế, nhưng bản chất của chúng chỉ là tổng hợp ý kiến từ việc hỏi người dân về cảm nhận của họ. Vấn đề là ngày càng ít người muốn tham gia khảo sát, và những người còn sẵn lòng trả lời thường có động cơ đặc biệt - phần lớn là động cơ chính trị.
Khi chính trị chen vào, mọi thứ bắt đầu trở nên méo mó. Thiên kiến đảng phái khiến người trả lời khảo sát không còn khách quan, thay vào đó là những phản hồi theo cảm tính và định kiến chính trị. Cuộc khảo sát tâm lý người tiêu dùng Michigan tại Mỹ là một ví dụ điển hình. Khi một đảng viên Dân chủ nắm quyền tại Nhà Trắng, những người ủng hộ Dân chủ sẽ vẽ ra bức tranh kinh tế tươi sáng, trong khi người ủng hộ Cộng hòa lại thấy mọi thứ ảm đạm. Bốn năm sau, khi quyền lực đổi chiều, các câu trả lời cũng hoàn toàn đảo ngược. Thú vị là xu hướng này chỉ trở nên rõ rệt từ thời Tổng thống Obama - trước đó, người dân còn giữ được sự khách quan hơn nhiều trong các đánh giá của mình.
Sự thay đổi của tâm lý tiêu dùng của người dân Mỹ theo thời gian, được phân chia theo đảng phái
Gần đây, chỉ số tâm lý Michigan cho thấy sự phân cực này ngày càng sâu sắc. Chỉ số tăng cao vào tháng Tám và tháng Chín, nhưng khi nhìn kỹ vào chi tiết, ta thấy chỉ có đảng viên Dân chủ mới lạc quan, trong khi đảng viên Cộng hòa ngày càng bi quan. Đặc biệt, sự thay đổi này trùng khớp với việc Tổng thống Biden rút lui và Phó Tổng thống Harris nhận đề cử - một sự kiện chính trị không ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế nhưng lại tác động mạnh mẽ đến cách người dân nhìn nhận tình hình.
Sự phân cực này còn ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều khía cạnh khác. Ví dụ như vấn đề lạm phát - người ủng hộ Cộng hòa luôn cảm thấy lạm phát cao hơn nhiều so với người ủng hộ Dân chủ, dù họ sống trong cùng một khu vực. Điều này trở nên đáng lo ngại khi Fed lại sử dụng những kỳ vọng lạm phát - vốn đã bị bóp méo bởi chính trị - để đưa ra các quyết định chính sách quan trọng.
Không chỉ người tiêu dùng, giới doanh nghiệp cũng không thoát khỏi ảnh hưởng của chính trị. Khảo sát tâm lý sản xuất của Fed Dallas là một minh chứng rõ ràng. Phần bình luận của các doanh nghiệp đôi khi giống như một diễn đàn chính trị hơn là đánh giá kinh tế, và khó có thể kỳ vọng những con số họ đưa ra là hoàn toàn khách quan.
Trong một xã hội ngày càng phân cực, nơi mọi người chỉ tiếp nhận thông tin từ những nguồn có cùng quan điểm chính trị với mình, các cuộc khảo sát càng khó phản ánh đúng thực tế kinh tế. Chúng ta đang chứng kiến một nghịch lý: Doanh nghiệp nói bi quan nhưng vẫn sản xuất tốt, người tiêu dùng than kinh tế khó khăn nhưng vẫn chi tiêu mạnh. Điều này đặt ra một thách thức lớn cho giới đầu tư và các nhà kinh tế - họ cần phải thận trọng hơn khi sử dụng số liệu từ khảo sát và tập trung nhiều hơn vào những dữ liệu có thể quan sát và đo lường được một cách khách quan.
Financial Times