Báo cáo triển vọng toàn cầu 2023 ING - Phần 2: Nhận định về các nền kinh tế và thị trường FX
Đức Nguyễn
FX Strategist
Tóm tắt báo cáo triển vọng toàn cầu 2023 của ngân hàng ING.
Nhận định về Mỹ
Lạm phát Mỹ sẽ giảm nhanh hơn các quốc gia khác nhờ tỷ trọng của rổ CPI nước này. Suy thoái sẽ tăng tốc độ suy yếu của lạm phát và cho phép Fed hạ lãi suất trước khi năm 2023 kết thúc.
1. Rủi ro suy thoái tăng cao do hoạt động kinh doanh trì trệ
Khu vực hộ gia đình vẫn đang kiên cường nhưng câu chuyện sẽ khó khả quan vào nửa đầu năm 2023. Thị trường nhà ở suy yếu do lãi suất vay thế chấp tăng cao sẽ đè nặng lên xây dựng - lĩnh vực đóng góp 4% GDP, và tác động đến cả các hoạt động bán lẻ chính như đồ nội thất gia đình, trang trí nội thất, thiết bị gia dụng và vật liệu xây dựng.
Tăng trưởng toàn cầu chậm lại sẽ ảnh hưởng đến các lĩnh vực sản xuất và dịch vụ, với chỉ số niềm tin của CEO Hoa Kỳ chạm mức thấp nhất kể từ sau Khủng hoảng Tài chính Toàn cầu 13 năm trước. Điều này có nghĩa thị trường việc làm và triển vọng chi tiêu tài sản cố định sẽ xấu đi rõ rệt trong vài quý tới. Dù Mỹ có bước vào suy thoái kỹ thuật vào nửa đầu năm 2022, điều này gắn với các vấn đề kế thừa chuỗi cung ứng khiến thương mại và hàng tồn kho biến động. Suy thoái kinh tế sẽ hiện hữu rõ hơn vào lần này.
2. Lạm phát sẽ về mức mục tiêu 2%
Quyền định giá của doanh nghiệp dường như đang suy yếu. Hoạt động kinh doanh sụt giảm sẽ giúp giảm bớt áp lực về giá cả và tiền lương. Thành phần của rổ lạm phát Hoa Kỳ, phần lớn là nhà ở và xe cộ - chiếm hơn 40% tính theo tỷ trọng - cũng là yếu tố quan trọng để ING dự báo lạm phát về 2% vào cuối năm nay.
Những điều này phản ánh vào định giá tài sản, nên nhiều khả năng các thành phần lạm phát này giảm giá sẽ lớn hơn, giúp lạm phát hạ nhiệt nhanh hơn nhiều so với các quốc gia có rổ lạm phát phần lớn dựa vào dịch vụ. Lạm phát ở các quốc gia đó sẽ dai dẳng hơn do tiền lương chiếm phần lớn chi phí đầu vào.
3. Fed sẽ sớm nhanh chóng phản ứng và cắt giảm lãi suất
Lợi suất TPCP và USD suy yếu cùng với chênh lệch tín dụng thu hẹp gần đây đang gây áp lực lên nỗ lực kiểm soát lạm phát của Fed. Do đó, với việc Fed cho rằng rủi ro của việc hành động nhẹ tay sẽ lớn hơn làm mạnh tay trong cuộc chiến này, dường như họ đã sẵn sàng chấp nhận suy thoái để chiến thắng lạm phát. Với tình hình này, dự báo tăng lãi suất 100 điểm cơ bản của ING có thể chưa đủ. Nhưng với triển vọng suy thoái và lạm phát giảm mạnh, Fed có thể cắt giảm lãi suất vào nửa cuối năm nay.
Nên nhớ Fed có nhiệm vụ kép là lạm phát và toàn dụng lao động, cho phép Fed linh hoạt hơn trong việc phản ứng các gói kích thích so với hầu hết các ngân hàng trung ương khác.
Nhận định về Eurozone
Sau một mùa đông suy thoái nhẹ, Eurozone sẽ bước vào hồi phục một cách chậm rãi, còn lạm phát sẽ kết thúc năm 2023 trên mức 3%. Trung khi đó, áp lực đưa trở lại một số chuẩn mực tài khóa có thể tạo căng thẳng trong và giữa các nước thành viên.
1. Suy thoái nhẹ, và hồi phục cũng nhẹ không kém
Cuộc suy thoái mùa đông có vẻ đã không sâu như ING dự báo trước đó, được hỗ trợ bởi giá năng lượng giảm và kích thích tài khóa. Ngoài ra, một số lĩnh vực như xây dựng vẫn chịu tắc nghẽn đơn hàng nặng nề, đảm bảo sẽ tiếp tục hoạt động đủ mạnh trong ngắn hạn. Tuy nhiên, chính những lý do khiến suy thoái nhẹ cũng sẽ khiến đà hồi phục ảm đạm. Hỗ trợ ngân sách cho giá năng lượng cao sẽ giảm trong nửa sau năm 2023, trong khi giá năng lượng thì không.
Cùng với đó, việc ECB thắt chặt chính sách sẽ siết thêm các lĩnh vực nhạy cảm với lãi suất trong năm 2023 và nguồn cung năng lượng sẽ lại là vấn đề trong mùa đông 2023/24. Nhìn chung, do sự phục hồi yếu kém này, GDP sẽ vẫn tăng trưởng âm trong năm.
2. Lạm phát sẽ giảm, nhưng chưa về với mục tiêu 2%
Tháng 11/2022 là tháng đầu tiên sau 17 tháng ghi nhận lạm phát giảm nhờ giá năng lượng suy yếu. Xu hướng này sẽ tiếp tục nhưng không đều hàng tháng. Dù giá năng lượng khó mà giảm về mức năm 2022, tăng trưởng so với cùng kỳ sẽ không nóng như năm 2022. Tuy nhiên, lạm phát lõi sẽ dai dẳng hơn. Đầu năm nay sẽ ghi nhận các mặt hàng quan trọng tăng giá và chi phí năng lượng chuyển từ nhà sản xuất sang người dùng.
Chi phí tăng do lương cũng sẽ gây áp lực lên lạm phát giá dịch vụ. Nhu cầu giảm và tồn kho cao sẽ hạ nhiệt lạm phát so với từng tháng trong năm nay. Nhưng cho đến lúc đó, vào tháng 12/2023, cả lạm phát và lạm phát lõi vẫn sẽ cao hơn 3%.
3. Sự trở lại của nới lỏng tài khóa
Những cú sốc trong nhiều năm gần đây đã buộc nhiều chính phủ châu Âu trở lại với việc hỗ trợ tài khóa vô thời hạn, khiến tài chính công xấu đi đáng kể. Đà hồi phục ảm đạm có thể gây thêm áp lực kích thích tài khóa, gây lo ngại về vấn đề nợ công. Tuy nhiên, do việc điều khoản miễn trách nhiệm sẽ chưa được kích hoạt cho đến năm 2024, ngân sách 2024 sẽ đem đến chính sách tài khóa thắt chặt hơn. Điều này sẽ càng thêm phức tạp khi Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng sẽ là trọng tâm của năm 2023.
Đề xuất xây dựng thêm tính linh hoạt và áp dụng cách tiếp cận đặc thù cho từng quốc gia của Ủy ban châu Âu là điều hợp lý, nhưng sẽ bị các quốc gia Bắc Âu coi là việc nới lỏng luật lệ. Sẽ có thêm căng thẳng tài khóa trong và xuyên quốc gia.
Nhận định về Vương quốc Anh
Suy thoái là điều khó tránh khỏi, nhưng thị trường lao động có thể kiên cường hơn các đợt khủng hoảng kinh tế trước. Lạm phát sẽ bắt đầu giảm đáng kể vào mùa xuân.
1. Suy thoái là điều khó tránh khỏi
ING dự báo GDP Anh sẽ giảm 1.7%, tạo đáy vào mùa hè. Lĩnh vực du lịch - khách sạn - nhà hàng và bán lẻ đang chịu ảnh hưởng bởi người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, và trợ giá năng lượng giảm dần trong năm 2023 cũng sẽ khiến các mảng này suy yếu.
Lịch sử cũng đem đến những gợi ý. Trong giai đoạn suy thoái những năm 1990 và 2008, mảng xây dựng và sản xuất chịu ảnh hưởng nặng nề, và giai đoạn này cũng có chút tương đồng. Thị trường nhà ở suy yếu và lãi suất cao là vấn đề với xây dựng, còn đơn đặt hàng mới giảm, tồn kho tăng và giá năng lượng cao là vấn đề với sản xuất.
Tuy vậy, dự báo của ING vẫn đang lạc quan hơn của Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách và Ngân hàng trung ương Anh, do ING kỳ vọng đỉnh lãi suất sẽ thấp hơn định giá thị trường (đỉnh 4%).
2. Thị trường lao động sẽ kiên cường hơn các đợt suy thoái trước
Với suy thoái cận kề, khó mà tin được thị trường lao động lại đang thắt chặt như hiện tại. Thất nghiệp ở mức 3.5% có vẻ là đáy. Cùng với đó, thiếu hụt lao động đang là vấn đề nan giải hơn kỳ vọng và vẫn chưa có dấu hiệu thị trường lao động hạ nhiệt đáng kể.
Sự thiếu hụt này một phần đến từ việc tỷ lệ nghỉ ốm tăng, hút lao động khỏi các ngành nghề thu nhập thấp. Anh đặc biệt ở chỗ đây là quốc gia ghi nhận tỷ lệ lao động không trên thị trường tăng - đa phần các quốc gia khác đều ghi nhận giảm sau Covid. Đây là kết quả của hệ thống y tế trì trệ - với danh sách chờ cứ ngày một dài thêm - do đó xu hướng này vẫn sẽ tiếp tục. Số lượng nhân lực quốc tịch thuộc EU giảm tại Anh cũng đã khuếch đại tình trạng khát lao động, dù tỷ lệ lao động EU lại tăng đáng kể.
Do đó, dù thất nghiệp Anh sẽ tăng cao dần lên mức 4.5% trong năm 2023, các công ty sẽ có khuynh hướng tích trữ lao động nhiều hơn.
3. Lạm phát khó giảm về mục tiêu trong năm 2023
Có vẻ mức 11.1% trong tháng 10/2022 là đỉnh lạm phát tại Anh, dù lạm phát toàn phần khó giảm về dưới 10% cho tới mùa xuân. Có lý do để lạm phát giảm sau đó, đặc biệt là hàng hóa lâu bền, khi áp lực giá từ Covid đang hạ nhiệt đáng kể nhờ giá hàng hóa và chi phí giao hàng giảm, nhu cầu tiêu dùng yếu và tồn kho tăng. Nhưng với tăng trưởng lương dai dẳng trước tình hình thiếu lao động kỹ năng cao, lạm phát giá dịch vụ sẽ giảm chậm hơn. Lạm phát sẽ kết thúc năm nay quanh mức 4% trước khi về gần mục tiêu trong năm 2024.
Nhận định về Trung Quốc
Triển vọng của Trung Quốc năm 2023 sẽ phụ thuộc vào khi nào các biện pháp Covid được nới lỏng và biên giới được mở lại. Suy thoái tại Mỹ và châu Âu cũng là chướng ngại, trong khi chi tiêu tài khóa có thể cung cấp hỗ trợ.
1. Các biện pháp phong tỏa Covid sẽ nới lỏng từ từ trong nửa đầu năm, nhanh hơn trong nửa cuối, thời điểm mở cửa hoàn toàn chưa rõ
Có những rủi ro liên quan đến việc số ca Covid tăng mạnh. Xu hướng này sẽ tiếp tục cho đến quý I/2023. Kể cả khi một số chính quyền địa phương nới lỏng hạn chế, số ca nhiễm tăng mạnh sẽ ảnh hưởng xấu đến cả bán lẻ và sản xuất.
Thời điểm tiếp tục nới lỏng hạn chế Covid sẽ rất quan trọng với các dự báo sắp tới. ING kỳ vọng chính phủ sẽ chuyển mối quan tâm chính khỏi số ca nhiễm để tránh kinh tế trì trệ. Việc nới lỏng đáng kể có thể diễn ra vào nửa sau năm nay. Tái mở cửa hoàn toàn sẽ chỉ xảy ra khi chính phủ tin rằng số ca nhiễm sẽ không gây áp lực lên hệ thống bệnh viện nữa. Đây có thể là câu chuyện của năm 2024 hơn là 2023. Kinh tế sẽ tăng tốc trong năm 2024 và 2025 khi Trung Quốc mở cửa hoàn toàn, nhà xây dang dở được hoàn thành và nhu cầu nước ngoài hồi phục nhẹ.
2. Nhu cầu nước ngoài sẽ suy yếu trong năm 2023 do suy thoái tại Mỹ và châu Âu
Mỹ và châu Âu là khách hàng xuất khẩu lớn thứ 2 và 3 của Trung Quốc. Dù đây không phải áp lực mới lên nền kinh tế, nhu cầu nước ngoài sẽ suy yếu khi 2 khu vực này đón đầu suy thoái trong nửa đầu năm 2023. Theo dự báo của ING, thời điểm suy thoái sẽ không trùng với mùa xuất khẩu đỉnh điểm trong quý IV. Nhưng nhu cầu xuất khẩu có hồi phục hay không vẫn còn là câu hỏi lớn. Hoạt động thương mại với ASEAN, khách hàng xuất khẩu lớn nhất của Trung Quốc, và phần còn lại của châu Á cũng phụ thuộc vào thị trường tiêu dùng Mỹ và châu Âu. Do đó, cả xuất và nhập khẩu sẽ thu hẹp so với cùng kỳ năm trước trong nửa đầu năm 2023. Khi Trung Quốc hồi phục, và Mỹ & châu Âu vực dậy sau suy thoái trong nửa sau năm nay, hoạt động thương mại sẽ gia tăng động lực. Tăng trưởng nhập khẩu sẽ mạnh hơn xuất khẩu trong lúc nền kinh tế phục hồi nhờ các biện pháp Covid được nới lỏng trong nửa sau năm nay.
3. Thách thức của lĩnh vực công nghệ sẽ gây thâm hụt tài khóa kỷ lục
Đạo luật CHIPS của Mỹ đã cấm vận chuyển chất bán dẫn và nhiều thiết bị khác sang Trung Quốc. Điều này đã đẩy chính phủ Trung Quốc đầu tư thêm cho công nghệ nước nhà. Cùng với các công ty tư nhân, Trung Quốc sẽ tăng cường chi tiêu nghiên cứu & phát triển công nghệ cao, đặc biệt trong thiết kế và sản xuất chip bán dẫn. Sua đó họ sẽ triển khai tự sản xuất máy móc bán dẫn. Đây là một chặng đường dài và có thể rất khó đánh bại những tiến triển công nghệ không ngừng. Độ khó ở đây đồng nghĩa với việc chính phủ Trung Quốc sẽ cần hỗ trợ tiến trình nghiên cứu & phát triển. Đến tháng 10/2022, thâm hụt tài khóa rơi vào khoảng 7% GDP, cao hơn đỉnh trước đó tại 6.2% trong quý IV/2020. Thâm hụt sẽ tăng lên 8% trong năm 2023 kể cả khi Trung Quốc không chi nhiều cho xét nghiệm và phong tỏa Covid, với 1/3 số tiền dành cho phát triển công nghệ. Tổng nợ công sẽ tăng từ 129% lên 137% GDP vào năm 2023.
Nhận định về thị trường FX
Sau xu hướng tăng mạnh mẽ của USD kể từ mùa hè năm 2021, câu chuyện thị trường năm 2023 sẽ khó đoán hơn. Quan điểm cơ sở của ING là việc các ngân hàng trung ương thắt chặt đưa kinh tế vào suy thoái sẽ hỗ trợ USD nhiều hơn những gì kỳ vọng. Đồng bạc xanh sẽ không giảm trên diện rộng cho tới nửa sau năm 2023, và kể cả khi đó, EURUSD cũng khó hồi phục mạnh mẽ.
1. Ít xu hướng, nhiều biến động
Kết luận của ING trong báo cáo triển vọng thị trường FX năm 2023 là USD sẽ khó hình thành một xu hướng chi phối. Kể cả khi Fed có thể hạ lãi suất trong nửa sau năm nay, đầu tư tại châu Âu và châu Á vẫn sẽ chưa đủ để hút vốn đáng kể từ Mỹ. Cùng với đó, các ngân hàng trung ương thắt chặt gây suy thoái sẽ khuếch đại vấn đề thiếu thanh khoản thị trường và tạo thêm biến động.
2. Thời của các đồng tiền phòng hộ
Dù có thể nói các đồng tiền châu Á và châu Âu chịu sức ép trong năm trước sẽ có một pha tái định giá lãi suất mạnh trong năm nay, ING cho rằng còn quá sớm để kết luận điều đó. Các đồng tiền châu u sẽ chật vật với Đức định hình lại mình, và cũng hơi sớm để nói nhân dân tệ sẽ dẫn đầu đà tăng trong số các đồng tiền châu Á. Thay vào đó, môi trường tăng trưởng thấp và lợi suất giảm sẽ kích cầu các đồng tiền phòng hộ nhu JPY. ING dự báo USDJPY có thể giảm sâu xuống dưới 130 cuối năm 2023.
3. Câu chuyện địa phương sẽ tạo nhiều khác biệt hơn
Với dự báo EURUSD ít tạo xu hướng hơn, sẽ có nhiều dư địa để các đồng tiền tạo khác biệt nhờ câu chuyện địa phương. Vi dụ, tại châu Âu, ING dự báo CHF và HUF là 2 đồng tiền vượt trội (SNB hawkish và mối quan hệ tốt của Hungary với EU), còn GBP và PLN đuối sức (thâm hụt tại Anh và khó đoán xoay quanh bầu cử tại Ba Lan). Tại châu Á, KRW sẽ hưởng lợi nhiều từ việc trái phiếu chính phủ Hàn Quốc được thêm vào chỉ số trái phiếu quan trọng.
Nhận định về thị trường trái phiếu
2023 sẽ là một năm của những thay đổi, khi lợi suất tạo đỉnh và suy yếu, còn đường cong lợi suất sẽ dốc trở lại khi thị trường định giá lãi suất giảm, đặc biệt là tại Mỹ.
1. Lợi suất trái phiếu Mỹ 10 năm giảm xuống 3%, lãi suất hoán đổi EUR 10 năm xuống 2.5%
Lợi suất được dự báo sẽ giảm đáng kể vào năm 2023. Lợi suất Mỹ 10 năm có thể giảm từ gần 4% xuống 3%, và lãi suất hoán đổi EUR 10 năm sẽ giảm từ 3% xuống 2.5%. Tuy nhiên, ING cho rằng lợi suất phải tăng trước so với mức hiện tại vào đầu năm, sau đó mới giảm.
2. Đường cong lợi suất châu Âu sẽ không dốc như Mỹ
So với ECB, lợi suất tại Mỹ được dự báo giảm mạnh hơn phản ánh khả năng Fed hạ lãi suất. Điều này sẽ trùng với việc đường cong lợi suất tại Mỹ dốc hơn (chênh lệch lợi suất dài/ngắn hạn nới rộng) so với Eurozone.
3. Đường cong lợi suất Mỹ sẽ bình thường trở lại
Chênh lệch lợi suất 2/10 năm đang đảo ngược rất sâu, lên tới gần 70bp. ING dự báo đường cong lợi suất này sẽ bình thường trở lại hoàn toàn trong năm 2023. Quan điểm này phản ánh kỳ vọng Fed hạ lãi suất trong nửa sau năm 2023 để hỗ trợ nền kinh tế sau khi lạm phát đã được kiểm soát. Trước thời điểm hạ lãi suất khoảng 3 tháng, lợi suất 2 năm sẽ giảm về gần với lợi suất 10 năm, và thời điểm Fed hạ lãi suất sẽ đưa lợi suất 2 năm xuống dưới lợi suất 10 năm.
ING