Trump 2.0: Điều gì đang chờ đợi Đông Nam Á?
Thái Linh
Junior Editor
Đông Nam Á có thể sẽ không phải là ưu tiên trong chương trình nghị sự đối ngoại của ông Trump, nhưng khu vực này cần phải có chiến lược đối phó với các lập trường về thương mại và an ninh của Tổng thống đắc cử, cũng như cách tiếp cận mang tính giao dịch của ông.
CHỦ NGHĨA TRUMP VÀ SỰ THỜ Ơ VỚI ĐÔNG NAM Á
Thế giới đang chuẩn bị cho một chặng đường đầy biến động với nhiệm kỳ tổng thống thứ hai của ông Trump – một nhiệm kỳ được dự đoán sẽ còn bất ổn và gây xáo trộn hơn cả nhiệm kỳ đầu. Vị thế của ông Trump trong chính trường Mỹ giờ đây mạnh mẽ hơn bao giờ hết với điều mà ông gọi là "sự ủy nhiệm chưa từng có và rất mạnh mẽ" từ người dân Mỹ. Ông đã giành chiến thắng quyết định trong cuộc bầu cử tổng thống, giành được 312 phiếu đại cử tri so với 226 phiếu của bà Harris và trở thành ứng cử viên Đảng Cộng hòa đầu tiên giành được đa số phiếu phổ thông kể từ Cựu Tổng thống George W. Bush năm 2004.
Mức độ quyết liệt đối với thúc đẩy chương trình nghị sự của ông Trump sẽ phụ thuộc rất nhiều vào việc liệu có tồn tại cơ chế kiểm soát và cân bằng hiệu quả trong hệ thống chính trị Mỹ và các cố vấn của ông hay không. Với đa số ghế Đảng Cộng hòa tại Thượng viện và có khả năng cả tại Hạ viện, cùng với một Tòa án Tối cao nghiêng về phe bảo thủ, ông Trump có thể có nhiều quyền tự do hơn, ít nhất là cho đến cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026. Về mặt nhân sự, theo báo cáo, ông Trump đã bị kiềm chế bởi các thành viên chủ chốt của Đảng Cộng hòa trong nhiệm kỳ đầu tiên; lần này, ông có thể theo đuổi mục tiêu một cách quyết đoán hơn và ưu tiên bổ nhiệm những người trung thành với chủ nghĩa Trump vào vòng tròn nội các, sau đó mới đến các nhà hoạch định chính sách. Những năm tới có thể báo hiệu một kỷ nguyên của chủ nghĩa Trump cường điệu. Các quan chức có thể sẽ kiềm chế ông phần nào, nhưng ông Trump được dự đoán sẽ đặt áp lực nặng hơn và ít bị kiềm chế hơn đối với các mục ưu tiên đã được báo hiệu trước.
Đông Nam Á là một trung tâm quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, một khu vực chủ chốt trong thương mại quốc tế, điểm đến đầu tư nước ngoài lớn thứ hai thế giới, cũng như là điểm trọng yếu trong cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung. Do đó, khu vực này có thể bị ảnh hưởng mạnh do các thay đổi chính sách dự kiến trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên của ông Trump cho thấy cái nhìn sâu sắc về những gì có thể xảy ra sắp tới. Nhiệm kỳ đầu tiên của ông nổi bật với sự coi thường các nguyên tắc quốc tế tự do đã định hình chính sách đối ngoại của Mỹ kể từ Thế chiến II – đặc biệt là về các thể chế đa phương, liên minh và thương mại. Điều này, cùng với phong cách bốc đồng, cách nói hùng hồn, và chủ nghĩa "Nước Mỹ trước tiên" của ông Trump, sẽ tiếp tục hoặc thậm chí còn mạnh hơn.
Trong bối cảnh này, tương lai nào đang chờ đợi Đông Nam Á?
Đông Nam Á có thể sẽ không phải là ưu tiên trong chương trình nghị sự đối ngoại của ông Trump. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, việc ông Trump tham dự các hội nghị thượng đỉnh ASEAN và APEC – đặc biệt là các cuộc gặp giữa ông Trump và ông Kim tại Singapore và Việt Nam – dường như được thúc đẩy bởi các hoàn cảnh cụ thể hơn là sự quan tâm thực sự đến khu vực, như đã thấy dưới thời Cựu Tổng thống Obama, hoặc như ông Biden đặt trọng tâm vào vai trò của Đông Nam Á trong cạnh tranh Mỹ-Trung. Trump 2.0 sẽ bận rộn với thách thức thực hiện các lời hứa tranh cử về việc nhanh chóng chấm dứt chiến tranh Nga-Ukraine và xung đột ở Trung Đông. Dưới sự thờ ơ của ông Trump đối với khu vực cũng như thái độ hoài nghi về chủ nghĩa đa phương, Đông Nam Á có thể phải đối mặt với bốn năm nữa vắng mặt ông Trump tại các hội nghị thượng đỉnh ASEAN và sự tương tác trực tiếp ít ỏi với các nhà lãnh đạo Đông Nam Á. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump chỉ tham dự các cuộc họp thượng đỉnh ASEAN năm 2017, không cử quan chức cấp nội các đến các hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào năm 2019 và 2020, và không bổ nhiệm đại sứ Mỹ tại ASEAN và Singapore.
Việc ông Trump tái đắc cử cũng sẽ đánh dấu sự rút lui của Mỹ đối với vai trò lãnh đạo toàn cầu trong các thách thức chung. Dưới thời Tổng thống Biden, việc giải quyết các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch đã được nâng lên thành một trong hai trụ cột của chiến lược an ninh quốc gia, bên cạnh cạnh tranh cường quốc. Chính quyền của ông đã triển khai nhiều sáng kiến hỗ trợ Đông Nam Á trong các lĩnh vực như khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, thành phố thông minh, bảo vệ môi trường, y tế công cộng, giáo dục, lãnh đạo thanh niên và trao quyền cho phụ nữ.
Trump 2.0 có thể giảm ưu tiên cho các sáng kiến này, xét đến lịch sử cố gắng cắt giảm viện trợ nước ngoài từ Mỹ và thái độ hoài nghi của ông đối với biến đổi khí hậu, chuyển đổi xanh, y tế công cộng và bình đẳng giới. Điều này dẫn tới việc các quốc gia Đông Nam Á có thể nhận thấy sự sụt giảm trong chính sách hỗ trợ phát triển của Mỹ. Tương lai của các chương trình quan trọng như Thỏa thuận hợp tác chuyển dịch năng lượng công bằng (JETP) — chương trình tài chính được chính quyền Biden ủng hộ mạnh mẽ để giúp Việt Nam và Indonesia chuyển đổi sang nguồn năng lượng sạch hơn — giờ đang khá bấp bênh.
RỦI RO THƯƠNG MẠI ĐỐI VỚI ĐÔNG NAM Á
Thương mại là yếu tố rủi ro rõ ràng nhất đối với phúc lợi kinh tế của Đông Nam Á dưới thời Trump 2.0. Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPEF) với sự tham gia của bảy quốc gia Đông Nam Á là sáng kiến của ông Biden nhằm duy trì sự tham gia của Mỹ trong việc xây dựng quy tắc kinh tế khu vực, mà không cung cấp một hiệp định thương mại tự do truyền thống với việc tiếp cận thị trường. Ông Trump, người đã gọi khuôn khổ này là "TPP thứ 2" (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương), có thể sẽ hủy bỏ hiệp định này ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức. Mặc dù tác động của việc hủy bỏ IPEF sẽ ít sâu sắc hơn nhiều so với cú sốc khi ông rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương năm 2017, nhưng điều này sẽ làm suy yếu thêm cam kết của Mỹ trong việc duy trì sự tham gia kinh tế tại Đông Nam Á.
Một điều đáng chú ý hơn nữa là sự ưa thích của ông Trump đối với thuế quan, điều mà ông gọi là "từ đẹp nhất trong từ điển", sẽ gây ra nhiều rắc rối lớn cho khu vực. Những đe dọa áp đặt thuế quan toàn diện– 10-20% đối với tất cả hàng nhập khẩu và 60% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc – sẽ gây ra những gián đoạn trong thương mại và tăng trưởng toàn cầu, làm suy yếu nghiêm trọng hệ thống thương mại quốc tế dựa trên luật lệ vốn là nền tảng cho sự tăng trưởng kinh tế của Đông Nam Á trong nhiều thập kỷ qua. Oxford Economics dự báo rằng các mức thuế quan được ông Trump đề xuất có thể dẫn đến việc kim ngạch xuất khẩu từ châu Á (không bao gồm Trung Quốc) sang Mỹ sụt giảm 3%, và kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang các nền kinh tế châu Á sẽ giảm 8%.
Trớ trêu thay, các quốc gia Đông Nam Á phần lớn được hưởng lợi từ cuộc chiến tranh thương mại Mỹ-Trung do Trump 1.0 phát động, điều này đã thúc đẩy các công ty chuyển chuỗi cung ứng đến khu vực này để tránh việc tăng thuế của ông Trump đối với hàng hóa Trung Quốc. Thương mại Mỹ-Đông Nam Á đã tăng trưởng đều đặn trong suốt các chính quyền Trump 1.0 và Biden, với kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, Thái Lan và Malaysia sang Mỹ gần như hoặc hơn gấp đôi giữa năm 2017 và 2023. Những quốc gia này, vốn có thặng dư thương mại lớn với Mỹ, sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn nữa. Ông Trump, trong nhiệm kỳ đầu tiên, đã gắn nhãn Malaysia, Việt Nam và Singapore là "những quốc gia thao túng tiền tệ". Những nước này đã được loại khỏi danh sách dưới thời ông Biden nhưng vẫn nằm trong diện theo dõi.
Các quốc gia Đông Nam Á đã vượt qua Trump 1.0 tương đối tốt và hy vọng có thể làm được điều tương tự với Trump 2.0. Tuy nhiên, khu vực này cần đề phòng vì Trump 2.0 sẽ mạnh dạn và ít bị kiềm chế hơn nhiều.
Dưới chính quyền Biden, việc giảm thiểu rủi ro trong chuỗi cung ứng toàn cầu do căng thẳng Mỹ-Trung chủ yếu ảnh hưởng đến ngành công nghiệp bán dẫn và các lĩnh vực xanh như xe điện và pin năng lượng mặt trời. Điều này khiến các nền kinh tế Đông Nam Á — vốn hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng kết nối Trung Quốc và Mỹ — phần lớn không bị ảnh hưởng ở hầu hết các ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, đề xuất tăng thuế của ông Trump đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc — và các sản phẩm có thành phần chủ yếu từ Trung Quốc— kết hợp với nguy cơ trả đũa từ Trung Quốc, sẽ làm rủi ro hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tách rời tăng cao. Các nền kinh tế ASEAN, nơi mà Trung Quốc và Mỹ là đối tác thương mại lớn nhất, sẽ bị kẹt ở giữa. Xuất khẩu của ASEAN sang Mỹ phụ thuộc nhiều vào hàng hóa trung gian từ Trung Quốc (chưa kể việc định tuyến và dán nhãn lại hàng hóa Trung Quốc đi sang Mỹ qua Đông Nam Á) và kim ngạch xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng sử dụng nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian từ ASEAN. Sự sụt giảm mạnh trong xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng sẽ tác động tiêu cực đến xuất khẩu của Đông Nam Á sang Trung Quốc, từ đó ảnh hưởng đến hiệu suất kinh tế tổng thể của khu vực. Do đó, mô hình toàn cầu hóa mà Đông Nam Á đã phụ thuộc vào để tăng trưởng trong thời gian dài đang đối mặt với tương lai ngày càng bất định.
ASEAN và 5 quốc gia Đông Nam Á có kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ nhiều nhất
ASEAN và top 5 quốc gia Đông Nam Á có thặng dư thương mại với Mỹ nhiều nhất
QUỐC PHÒNG VÀ AN NINH: TẤT CẢ VỀ TRUNG QUỐC
Trên mặt trận an ninh, việc nhận định cách tiếp cận của ông Trump và những hệ quả tiềm tàng là khá phức tạp. Một mặt, ông Trump rất hoài nghi về các liên minh, thường xuyên cáo buộc các đồng minh "ăn không" trên các cam kết phòng thủ của Mỹ. Cách tiếp cận này đe dọa tính bền vững của mạng lưới liên minh mở rộng và các liên minh đa phương của Mỹ ở châu Á mà ông Biden đã dày công vun đắp trong nhiều năm. Philippines là quốc gia có thể sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất. Trong những năm gần đây, nước này đã tăng cường đáng kể liên minh với Mỹ và tham gia nhiều thỏa thuận đa phương có sự tham gia của Mỹ và các đồng minh khác như Nhật Bản và Úc. Manila có thể cần phải điều chỉnh lại lập trường cứng rắn đối với Trung Quốc hoặc thiết lập thêm các biện pháp bảo đảm để tránh bùng phát xung đột, vì Trump 2.0 ít có khả năng sẽ giải cứu Manila trong trường hợp đó.
Mặt khác, cân bằng quyền lực vẫn là trọng tâm trong cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Nhận thức được thực tế này, Trump 1.0 đã đầu tư xây dựng quan hệ an ninh-quốc phòng với các quốc gia Đông Nam Á chủ chốt. Chẳng hạn, Mỹ đã chuyển giao hai tàu tuần duyên để giúp tăng cường năng lực hàng hải của Việt Nam. Năm 2018, USS Carl Vinson trở thành tàu sân bay Mỹ đầu tiên thăm Việt Nam kể từ Cuộc Kháng chiến chống Mỹ, tiếp theo là USS Theodore Roosevelt năm 2020. Mỹ cũng đã gia hạn các thỏa thuận quốc phòng quan trọng với Singapore, bao gồm Bản ghi nhớ năm 2019 về việc gia hạn sử dụng các căn cứ không quân và hải quân của đảo quốc này thêm 15 năm. Chính quyền Trump đầu tiên cũng tăng cường sự hiện diện ở Biển Đông bằng cách gia tăng đáng kể các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ để thách thức các yêu sách hàng hải quá mức. Năm 2020, Bộ Ngoại giao Mỹ đã ban hành tuyên bố chính sách quan trọng về các yêu sách hàng hải ở Biển Đông, phù hợp với phán quyết năm 2016 của Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) ủng hộ Philippines chống lại Trung Quốc.
Cách tiếp cận cứng rắn tập trung vào việc cân bằng quyền lực chống lại Trung Quốc có thể sẽ tăng cường trong thời Trump 2.0, với sự hiện diện tiềm tàng của các nhân vật “hawkish” về Trung Quốc trong đội ngũ an ninh quốc gia, bao gồm Phó Tổng thống đắc cử J.D. Vance, Cố vấn An ninh Quốc gia sắp nhậm chức Mike Walz, và các nhân vật như Robert O'Brien, Marco Rubio hoặc Bill Hagerty. Điều cần lưu ý ở đây là sự thay đổi mô hình trong chính sách Trung Quốc của Mỹ từ can dự sang cạnh tranh chiến lược đã bắt đầu dưới thời Trump 1.0, và giờ đã trở thành nguyên tắc tổ chức của chính sách đối ngoại Mỹ.
Tuy nhiên, ông Trump có thể tạo ra sự bất ổn đáng kể trong động thái này. Thiên hướng "đàm phán thỏa thuận" làm dấy lên lo ngại rằng ông có thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc về các vấn đề như Đài Loan hoặc Biển Đông, bỏ qua lợi ích của các quốc gia trong khu vực. Do đó, Đông Nam Á tiếp tục dao động giữa khả năng bị cuốn vào căng thẳng Mỹ-Trung leo thang hoặc có thể bị “bỏ rơi” bởi tính cô lập và đơn phương của ông Trump.
TRUMP VÀ 3T: THƯƠNG MẠI, TÍNH THỰC DỤNG VÀ “TEAM” MỸ
Không ai có thể chắc chắn về những gì ông Trump sẽ làm, đặc biệt là với bản chất thất thường của ông. Nhưng một đánh giá hợp lý về cách tiếp cận của ông đối với các quốc gia Đông Nam Á có thể quy về ba chữ "T" kiểu Trump: quan hệ thương mại với Mỹ, tính thực dụng (cách ông Trump đánh giá xem liệu một quốc gia đối tác có trả phần công bằng cho các bảo đảm phòng thủ của Mỹ), và mức độ đồng thuận của những nước này với Đồng minh Mỹ (Team America) trong các mục tiêu đối với Trung Quốc.
Hàn Quốc là một ví dụ điển hình. Do thặng dư thương mại ngày càng tăng với Mỹ, Seoul đang xem xét tăng nhập khẩu năng lượng từ Mỹ. Vào tháng 10, ông Trump đã gọi Hàn Quốc là "cỗ máy kiếm tiền" có thể trả 10 tỷ USD hàng năm để tiếp nhận quân đội Mỹ. Để ngăn chặn tầm ngắm của ông Trump, Seoul gần đây đã đồng ý tăng 8.3%, đưa con số này lên 1.13 tỷ USD vào năm 2026 — mặc dù vẫn thấp hơn nhiều so với con số ông Trump đề ra.
Theo quy tắc “3T”, các quốc gia Đông Nam Á có thể ghi nhận mức độ ảnh hưởng khác nhau. Các nước không phải đồng minh của Mỹ, hoặc những nước có thâm hụt thương mại hay thặng dư nhỏ với Mỹ có thể tránh được sự chú ý. Singapore có thể có vị thế khá tốt: nước này có thâm hụt thương mại 40 tỷ USD với Mỹ trong năm 2022, và là nhà đầu tư châu Á lớn thứ ba tại Mỹ. Như Thủ tướng Lawrence Wong đã lưu ý trong thông điệp chúc mừng gửi tới ông Trump, Singapore đưa đến 270,000 "việc làm chất lượng cao" tại Mỹ và là cửa ngõ quan trọng cho 6,000 công ty Mỹ ở Đông Nam Á. Điều đặc biệt quan trọng đó là Singapore đóng vai trò then chốt trong việc triển khai sức mạnh của Mỹ trong khu vực.
Trường hợp của Philippines và Việt Nam sẽ thú vị hơn. Kế hoạch trị giá 500 triệu USD của chính quyền Biden nhằm tăng cường năng lực quân sự cho Manila, cộng thêm 1.14 tỷ USD viện trợ quân sự của Mỹ từ 2015-2022, có thể không phù hợp với ông Trump. Trong khi đó, Việt Nam có thặng dư thương mại lớn thứ ba với Mỹ năm ngoái, sau Trung Quốc và Mexico. Tuy nhiên, cả hai quốc gia đều ở tuyến đầu trong các tranh chấp Biển Đông, do đó có giá trị cao đối với cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc. Liệu hai nước này có được “bỏ qua” do tầm quan trọng địa chính trị không?
Các quốc gia Đông Nam Á đã vượt qua Trump 1.0 tương đối tốt và hy vọng có thể làm được điều tương tự với Trump 2.0. Tuy nhiên, khu vực này cần đề phòng vì Trump 2.0 sẽ mạnh dạn và ít bị kiềm chế hơn nhiều. Các nhà lãnh đạo Đông Nam Á nên tận dụng tính thực dụng, xây dựng mối quan hệ tốt với ông Trump, và tránh việc ra hiệu đức hạnh, như các đối tác châu Âu thường làm. Mặc dù không có sự chuẩn bị nào có thể hoàn toàn dự đoán được những gì sắp xảy ra, nhưng khả năng phục hồi, thích ứng và bình tĩnh sẽ là chìa khóa để vượt qua cơn bão Trump.
Fulcrum