Các doanh nghiệp đang ứng dụng AI như thế nào?
Tuấn Hưng
Junior Analyst
Cơn sốt AI đang là một chủ đề nóng được nhiều người quan tâm và cũng là động lực chính đứng đằng sau những đợt tăng giá khổng lồ của các cổ phiếu công nghệ Mỹ. Bài viết sẽ đề cập đến thực trạng áp dụng AI hiện này tại các doanh nghiệp.
Đã gần một năm kể từ khi Openai phát hành GPT-4, mô hình trí tuệ nhân tạo (AI) tiên tiến bậc nhất và là bộ não đằng sau Chatgpt. Vào thời điểm đó, vốn hóa thị trường của ngành công nghệ Mỹ đã tăng một nửa và tạo ra giá trị cổ đông là 6 nghìn tỷ USD. Đối với một số công ty công nghệ, tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ đang bắt đầu đẩy giá cổ phiếu của họ lên mức rất cao. Vào ngày 21/2, Nvidia, một trong những công ty thiết kế chip được sử dụng trong việc vận hành các mô hình như GPT-4, đã ghi nhận kết quả kinh doanh quý IV xuất sắc, đẩy giá trị thị trường của họ lên tới gần đến 2 nghìn tỷ đô la. Cơn sốt AI cũng đã đẩy giá cổ phiếu của các ông lớn công nghệ khác bao gồm Alphabet (công ty mẹ của Google), Amazon và Microsoft, những công ty đang chi một số tiền khổng lồ để phát triển công nghệ này."
Cùng lúc đó, doanh số bán phần mềm trí tuệ nhân tạo của các ông lớn công nghệ vẫn còn khá thấp. Trong năm qua, trí tuệ nhân tạo chỉ chiếm khoảng 20% trong tăng trưởng doanh thu của Azure, bộ phận điện toán đám mây của Microsoft. Trong khi đó, Alphabet và Amazon không tiết lộ doanh số bán hàng liên quan đến trí tuệ nhân tạo của họ, nhưng các nhà phân tích nghi ngờ rằng chúng thấp hơn so với của Microsoft. Để thị trường cổ phiếu liên quan đến AI có thể tiếp tục phát triển, những công ty này sẽ cần kiếm được một khoản tiền lớn từ việc bán các dịch vụ của họ cho khách hàng. Để làm được điều này, các doanh nghiệp trên toàn thế giới, từ ngân hàng và các công ty tư vấn cho đến các studio phim cần phải bắt đầu sử dụng các công cụ giống như ChatGPT trên quy mô lớn. Các công ty đang khá thận trọng trong bối cảnh AI tạo sinh đang được dần được áp dụng trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, ngay cả những bước tiến nhỏ này cũng gợi ý về một sự thay đổi bản chất của các công việc văn phòng.
Các đột phá công nghệ trước đây đã làm thay đổi cách mà mọi người làm việc trong các công việc văn phòng. Có thể kể đến sự phổ biến của máy đánh chữ đã khiến một số công nhân mất việc, một quan sát viên năm 1888 cho biết: "với sự giúp đỡ của chiếc máy nhỏ này, một nhân viên có thể hoàn thành nhiều công việc trao đổi trong một ngày hơn là nửa tá thư ký có thể với bút máy". Sự trỗi dậy của máy tính khoảng một thế kỷ sau đó đã loại bỏ một số nhiệm vụ hành chính cấp thấp ngay cả khi nó giúp những nhân viên có tay nghề cao làm việc hiệu quả hơn. Có bài báo cho rằng máy tính là nguyên nhân của hơn một nửa sự thay đổi về nhu cầu lao động đối với những người lao động có trình độ đại học trong giai đoạn những năm 1970 đến 1990. Gần đây hơn, sự bùng nổ của làm việc từ xa, được thúc đẩy bởi đại dịch Covid-19, đã thay đổi nhịp sống hàng ngày của những người làm công việc văn phòng.
Liệu AI tạo sinh có thể tạo ra những thay đổi lớn tương tự không? Bài học về những đột phá công nghệ trước đây là chúng phải mất nhiều thời gian mới có tác động lên nền kinh tế. Công nhân trung bình tại công ty trung bình cần thời gian để làm quen với các cách làm việc mới. Máy tính cá nhân chỉ thật sự giúp tăng năng suất ít nhất là sau một thập kỷ khi nó trở nên phổ biến. Đến nay, chưa có bằng chứng nào cho thấy sự bùng nổ năng suất do AI tạo ra trong nền kinh tế. Theo một cuộc khảo sát gần đây của Boston Consulting Group (BCG), phần lớn các nhà quản lý cho biết sẽ cần ít nhất hai năm để "vượt qua cơn sốt" xung quanh trí tuệ nhân tạo. Nghiên cứu gần đây của Oliver Wyman, một nhà tư vấn khác, kết luận rằng việc áp dụng AI “chưa chắc đã mang lại mức năng suất cao hơn, ít nhất là cho đến thời điểm hiện tại”.
Điều đó không gây ngạc nhiên. Hầu hết các công ty hiện không sử dụng ChatGPT, Gemini của Google, Copilot của Microsoft hoặc các công cụ tương tự khác một cách có hệ thống, ngay cả khi các nhân viên có sử dụng chúng. Hàng chục nghìn hàng chục nghìn doanh nghiệp tham gia một cuộc khảo sát hai tuần một lần của Cục điều tra dân số Hoa Kỳ xoay quanh việc họ đã sử dụng AI chưa. Khảo sát đi sâu vào cả cách các công ty này ứng dụng các loại AI cũ và mới từ trước năm 2023 cho các công việc từ cải thiện kết quả tìm kiếm trực tuyến cho đến cả dự báo nhu cầu hàng tồn kho. Vào tháng 2, chỉ có khoảng 5% các công ty ở Mỹ cho biết họ có ứng dụng AI. Hơn 7% các doanh nghiệp có kế hoạch sử dụng nó trong vòng 6 tháng (xem hình dưới đây). Bên cạnh đó, có một sự phân hóa lớn giữa các lĩnh vực: 17% doanh nghiệp trong ngành công nghệ và truyền thông cho biết họ sử dụng nó để sản xuất sản phẩm so với 3% của các nhà sản xuất và 5% của các công ty y tế.
Khi Cục điều tra dân số bắt đầu hỏi về AI vào tháng 9 năm 2023, các công ty nhỏ có xu hướng sử dụng công nghệ này nhiều hơn là các công ty lớn, có lẽ vì việc các công ty nhỏ có thể dễ dàng áp dụng hơn. Ngày này, AI phổ biến nhất ở các công ty lớn (với hơn 250 nhân viên), họ có đủ khả năng tuyển dụng các nhóm AI chuyên dụng và chi trả cho các khoản đầu tư cần thiết. Một cuộc thăm dò ý kiến các công ty lớn của ngân hàng Morgan Stanley cho biết tỷ lệ các dự án AI thí điểm đã tăng từ 9% lên 23% từ đầu cho đến cuối năm 2023.
Một số tập đoàn lớn đang điên cuồng thử nghiệm để xem liệu AI có hiệu quả không. Dữ liệu từ nền tảng tìm kiếm việc làm Indeed cho thấy họ đang tuyển dụng hàng nghìn chuyên gia về AI. Năm ngoái, Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, cho biết hiện nay ngân hàng đã có “hơn 300 trường hợp sử dụng AI đang được triển khai”. Công ty tư vấn Capgemini cho biết họ sẽ "AI tạo sinh của Google Cloud để phát triển một thư viện với hơn 500 case studies của ngành". Công ty hóa chất lớn của Đức Bayer tuyên bố đã ứng dụng AI tạo sinh vào hơn 700 trường hợp.
Các doanh nghiệp đang ứng dụng AI vào ba mục đích chính: làm đẹp các báo cáo, hỗ trợ cho người lao động có kỹ năng từ thấp đến trung bình và là công cụ cho những nhân viên tốt nhất của công ty. Trong số này, việc làm đẹp báo cáo tài chính đang là phổ biến nhất cho đến nay. Kristina McElheran của Đại học Toronto cho biết nhiều công ty đang đổi tên các nỗ lực số hóa thông thường thành “chương trình AI tạo sinh” để nghe có vẻ phức tạp hơn. Presto, một nhà cung cấp công nghệ nhà hàng, đã giới thiệu một trợ lý AI tạo sinh để nhận đơn đặt hàng khi lái xe qua. Nhưng tới gần 70% các đơn đặt hàng như vậy đều cần có sự trợ giúp của con người. Spotify, một công ty phát nhạc trực tuyến, đã triển khai AI để chọn bài hát và đưa ra những câu nói đùa không cần thiết. Gần đây, công ty giao hàng tạp hóa Instacart đã gỡ bỏ một công cụ tạo ra ảnh đồ ăn của người bán hàng sau khi AI hiển thị cho khách hàng những hình ảnh không ngon miệng. Các công ty công nghệ lớn cũng đang tích hợp những đột phá về AI của riêng họ vào các dịch vụ hướng tới người tiêu dùng. Mặc cho nhu cầu sử dụng còn thấp, Amazon đã cho ra mắt Rufus, một trợ lý mua sắm được trang bị AI. Google đã thêm AI vào Maps, việc mà họ cho rằng sẽ giúp người dùng có “trải nghiệm sâu sắc hơn”.
The Economist