Các Ngân hàng Trung ương trước áp lực phải hành động quyết liệt hơn nữa.
Nguyễn Phan Bảo Giang
FX G7 Director
Các ngân hàng trung ương toàn cầu tiếp tục chịu áp lực phải làm nhiều hơn nữa để hỗ trợ nền kinh tế của họ vượt qua đợt khủng hoảng Covid-19 này, ngay cả sau khi cắt giảm lãi suất tới mức thấp kỷ lục và cam kết chi hàng nghìn tỷ đô la cho việc mua tài sản.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) và Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB), đại diện cho các quốc gia chiếm gần một nửa sản lượng toàn cầu, sẽ đồng thời triệu tập các cuộc họp của những nhà hoạch định chính sách trong tuần này, sau thời kỳ đóng băng nền kinh tế bởi tác động đại dịch và sự rối loạn của thị trường tài chính đã đẩy họ vào thế phải hành động.
Với việc chính phủ Mỹ và các nước khu vực Châu Âu sớm xác định rằng chu kỳ tăng trưởng nhiều năm qua đã chấm dứt trong quý I/2020 khi báo cáo kinh tế công bố trong tuần này, các nhà hoạch định chính sách tiền tệ có thể phải làm nhiều hơn nữa để hạn chế suy thoái và thúc đẩy tốc độ phục hồi. Trong số các lựa chọn gồm có: mở rộng nới lỏng định lượng, giãn nợ cho các doanh nghiệp gặp khó khăn và cam kết lãi suất cực thấp trong thời gian dài hơn.
Ông Tom Orlik, kinh tế trưởng của Ban Kinh tế thuộc Bloomberg cho biết, “sự cực đoan của cuộc khủng hoảng Covid-19 đang buộc các ngân hàng trung ương phải vượt qua các giới hạn. Chúng tôi hy vọng ECB sẽ nâng cấp “hỏa lực” của chương trình Mua tài sản khẩn cấp nhằm đối phó đại dịch (PEPP) và BOJ sẽ cung ứng thêm các gói hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Trong khi đó, dù đã đi trước trong cuộc chơi này về quy mô và phạm vi kích thích kinh tế, Fed sẽ không gia tăng thêm hỗ trợ, nhưng có thể sẽ gợi ý rằng họ vẫn còn dư địa để làm nhiều hơn”, ông này nhận định.
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed)
Cuộc họp chính sách ngày 28-29 tháng Tư sẽ là cuộc họp đầu tiên theo đúng lịch trình hàng năm kể từ sau cuộc họp tháng Một, nhưng các quan chức Fed thực tế đã gặp nhau nhiều lần trong suốt thời gian qua.
Fed đã cắt giảm lãi suất xuống gần như bằng 0 và triển khai một loạt các chương trình cho vay khẩn cấp và không chính thống, được thiết kế để trở thành “chốt chặn” cho thị trường và đảm bảo tín dụng chảy vào các doanh nghiệp. Bảng cân đối kế toán của Fed đã chạm mức 6.57 nghìn tỷ đô la.
Các nhà kinh tế, theo một cuộc khảo sát của Bloomberg, không có nhiều kỳ vọng về bất kỳ thay đổi đáng kể nào trong cuộc họp tuần này. Phần lớn trong số họ, khoảng 90% cho biết họ không mong đợi các nhà hoạch định chính sách sẽ đưa ra bất kỳ hướng dẫn bổ sung nào về thời gian họ dự định giữ lãi suất gần bằng 0, trong khi đó 87% không kỳ vọng Fed sẽ nói về tốc độ mua tài sản quy mô lớn trong tương lai.
Nhưng các nhà đầu tư sẽ quan sát bất kỳ dấu hiệu nào từ Chủ tịch Jerome Powell về mức độ mà Fed lo ngại suy thoái sẽ diễn ra và triển vọng phục hồi kinh tế.
Các quan chức Fed vẫn đang được vận động để hỗ trợ nhiều hơn khi các ngân hàng cố gắng thúc đẩy các chương trình cho vay doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động suôn sẻ. Một số nhà lập pháp kêu gọi cho phép nhiều thành phố và các quận nhỏ có thể tham gia vay mượn từ chương trình.
Ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB)
ECB dự kiến công bố chính sách vào thứ Năm này với gánh nặng trên vai khi chính phủ các nước thành viên vẫn còn tranh cãi về việc phối hợp hành động trong chính sách tài khóa.
Sau khi Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói với các nhà lãnh đạo tuần trước rằng họ có thể đã phản ứng quá hời hợt và chậm chạp, và cảnh báo rằng nền kinh tế khu vực đồng tiền chung Châu Âu có thể thu hẹp tới 15% trong năm nay, nhưng các nhà lãnh đạo vẫn không thể đồng thuận về phương án quỹ phục hồi kinh tế.
Hầu hết các nhà kinh tế học dự kiến ngân hàng trung ương sẽ giữ nguyên chính sách tiền tệ trong tuần này. Gần đây, ECB cam kết sẽ tăng số lượng mua tài sản lên hơn 1 nghìn tỷ EUR trong năm nay và hỗ trợ các ngân hàng dễ dàng hơn trong việc tài trợ các khoản vay cho doanh nghiệp.
Nhưng theo cuộc khảo sát của Bloomberg, thì cứ bốn người lại có một người nhận định ECB vẫn có thể tăng quy mô chương trình mua tài sản để ứng phó đại dịch từ mức 750 tỷ euro hiện nay (812 tỷ USD), sớm nhất là vào thứ Năm. Tuy nhiên hầu hết những nhà kinh tế khác lại cho rằng điều này khả năng xảy ra vào tháng Chín năm nay.
Tuần trước, với việc các thành viên thuộc ECB đã đồng ý chấp nhận trái phiếu đầu cơ (junk bond) làm tài sản thế chấp cho các khoản vay ngân hàng, có suy đoán rằng ECB sẽ thêm tài sản dưới chuẩn đầu tư vào danh sách tài sản mua của mình.
Ngân hàng Nhật Bản
Sau khi đẩy mạnh việc mua vào các quỹ hoán đổi danh mục (ETF) và trái phiếu doanh nghiệp, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BOJ) có phiên họp thảo luận về việc cho phép mua trái phiếu chính phủ không giới hạn, thay thế mục tiêu 80 nghìn tỷ trước đây.
Thống đốc Haruhiko Kuroda và các nhà hoạch định chính sách đang thực hiện các bước tiếp theo để hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch.
Sự thay đổi của Thống đốc Haruhiko Kuroda và các đồng sự đã loại bỏ giới hạn về mức độ mua tài sản tại thời điểm này, khi mà chính phủ sẽ phát hành trái phiếu các kỳ hạn để tài trợ cho gói kích thích kỷ lục.
Động thái hỗ trợ nhiều hơn cho hoạt động giải ngân cho vay đối với các doanh nghiệp xảy ra đúng như dự kiến và BOJ cũng nới lỏng quyền truy cập vào chương trình cho vay khẩn cấp của mình dành cho một loạt các ngân hàng địa phương. Trên hết, BOJ đã tăng trần nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp và giấy tờ có giá, giúp họ có thêm khả năng để mua vào cả hai loại tài sản trên.