Căng thẳng Mỹ - Trung và bài toán tỷ giá nhân dân tệ
Huyền Trần
Junior Analyst
Mỹ và Trung Quốc đối mặt căng thẳng kinh tế leo thang nhưng vẫn chia sẻ lợi ích chung về tài chính. Một chiến dịch can thiệp tỷ giá nhân dân tệ có thể mở ra cơ hội hợp tác, nhưng hiệu quả dài hạn vẫn chưa chắc chắn.
Căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đang ngày càng trở nên rõ rệt. Washington đang tràn ngập những quan điểm "diều hâu" đối với Trung Quốc, và tình hình sẽ càng căng thẳng hơn với chính quyền Trump 2.0. Đồng thời, Bắc Kinh cũng đang ngày càng cứng rắn trong lập trường chống lại Mỹ. Tuy nhiên, nền kinh tế và tài chính của hai quốc gia này, chiếm hơn 40% GDP toàn cầu, đang gắn chặt với nhau, khiến việc tách rời gần như là điều không thể.
Mâu thuẫn về tỷ giá tiền tệ đã tồn tại lâu dài trong quan hệ Mỹ - Trung, đạt đến đỉnh điểm trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009, khi Trung Quốc duy trì thặng dư tài khoản vãng lai lên đến 10% GDP, và dự trữ quốc gia tăng mạnh nhờ vào việc can thiệp mạnh tay và đồng nhân dân tệ bị định giá thấp.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính, khi thặng dư tài khoản vãng lai của Trung Quốc giảm, Bắc Kinh vẫn tiếp tục tích lũy dự trữ, đạt mốc 4 nghìn tỷ USD. Mặc dù đối mặt với những lo ngại về tăng trưởng trong giai đoạn 2015-2016, khiến Trung Quốc phải bán 1 nghìn tỷ USD từ dự trữ để hỗ đồng CNY, nhưng tình hình tạm thời lắng xuống. Tuy nhiên, dưới thời Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên, Bộ Tài chính Mỹ đã chính thức chỉ trích Trung Quốc là "kẻ thao túng tiền tệ" vào năm 2019, khi đồng nhân dân tệ giảm giá.
Hiện nay, đồng USD đang mạnh lên trên toàn cầu, chủ yếu nhờ vào nền kinh tế Mỹ ổn định, triển vọng lãi suất giảm chậm, các mối đe dọa về thuế quan và khả năng sẽ có hành động tài khóa kéo dài thâm hụt ngân sách Mỹ vốn đã rất lớn, cùng với việc phát hành thêm trái phiếu chính phủ Mỹ ra thị trường, đẩy lãi suất trái phiếu chính phủ dài hạn lên cao.
Nhóm của Trump cho rằng đồng USD hiện đang bị định giá quá cao, thể hiện qua việc họ ủng hộ một cách vụng về việc "giảm giá đồng USD". Tuy nhiên, thực tế là tham vọng này lại không phù hợp với các chính sách vĩ mô và thương mại mà chính quyền Trump 2.0 dự kiến sẽ thực hiện.
Trung Quốc cũng đang lo ngại về khả năng đồng CNY tiếp tục suy yếu so với USD. Sự giảm giá này có thể tạo ra áp lực lớn lên tài khoản vốn, khiến các nhà chức trách nhớ lại những khó khăn của năm 2015-2016, một điều tồi tệ mà họ không muốn lặp lại. Đồng CNY yếu đi có thể hạn chế khả năng của ngân hàng trung ương Trung Quốc trong việc tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ, đặc biệt khi nền kinh tế Trung Quốc đang phải đối mặt với nguy cơ giảm phát và tình trạng trì trệ kinh tế nghiêm trọng. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc cũng nhận thấy rằng xuất khẩu không cần phải cải thiện thêm tính cạnh tranh, khi đồng nhân dân tệ đã giảm gần 15% trong ba năm qua, trong khi khối lượng xuất khẩu lại tăng mạnh.
Về tổng thể, cả Trung Quốc và Mỹ đều mong muốn đồng nhân dân tệ mạnh lên. Vì vậy, cả hai nước có thể thực hiện một chiến dịch chung về tỷ giá. Họ có thể công bố một tuyên bố về chiến dịch này, và lúc đó, ngân hàng trung ương Trung Quốc, vốn đã từ lâu tránh can thiệp trực tiếp vào thị trường, sẽ chính thức tham gia vào các giao dịch ở khu vực châu Á bằng cách bán USD và mua đồng . Mặc dù Bắc Kinh sẽ thực hiện phần lớn can thiệp, nhưng Washington cũng có thể tham gia vào chiến dịch này tại London và New York.
Đồng nhân dân tệ theo tỷ giá thương mại đã suy giảm đáng kể trong 3 năm qua
Liệu dự án này có khả thi? Chắc chắn điều này khó có thể giải quyết triệt để những yếu tố vĩ mô và khác biệt chu kỳ kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc. Việc can thiệp vào thị trường ngoại hối đối với các đồng tiền có tỷ giá thả nổi thường ít hiệu quả, trừ khi quy mô can thiệp đủ lớn, lặp lại nhiều lần hoặc báo hiệu sự thay đổi căn bản trong chính sách kinh tế.
Dù vậy, Trung Quốc vẫn kiểm soát đáng kể đồng CNY trên thị trường ngoại hối. Thực tế này, kết hợp với tác động từ một thông báo chính thức, có thể gây ảnh hưởng mạnh đến tỷ giá và tâm lý thị trường. Tác động đó liệu có bền vững hay không còn phải chờ thực tế kiểm chứng.
Nếu đồng nhân dân tệ mất giá, điều này sẽ phần nào triệt tiêu tác động từ thuế quan cao của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc. Ngược lại, đồng CNY tăng giá có thể giúp giảm nhu cầu áp thuế. Một điểm đáng lưu ý là Mỹ sẽ phải nắm giữ lượng dự trữ bằng CNY nếu tham gia chiến dịch này.
Ý tưởng này khác xa với những thảo luận thiếu thực tế về một “Thỏa thuận Mar-a-Lago” lấy cảm hứng từ Thỏa thuận Plaza, vốn dựa vào phối hợp chính sách vĩ mô và can thiệp thị trường. Mô hình đó có thể phù hợp khi đối mặt khủng hoảng tài chính, nhưng khó áp dụng khi chu kỳ kinh tế hai nước khác biệt. Chẳng hạn, Trump không có lý do gì từ bỏ mở rộng cắt giảm thuế năm 2017 để giảm thâm hụt ngân sách, và Trung Quốc cũng không sẵn sàng tăng lãi suất để hỗ trợ đồng nội tệ.
Dẫu căng thẳng song phương leo thang, Washington và Bắc Kinh vẫn chia sẻ những lợi ích kinh tế và tài chính chung. Việc cân nhắc ý tưởng này có thể mở ra một tia hy vọng hợp tác, mang lại lợi ích thiết thực cho cả hai bên.
Financial Times