Kế hoạch "chính trị hoá" Fed của Tổng thống Donald Trump sẽ khiến lạm phát bùng nổ trở lại?
Trần Quốc Khải
Junior Editor
Việc can thiệp chính trị vào hoạt động của ngân hàng trung ương luôn là vấn đề gây tranh cãi, đặc biệt khi các quyết định này có thể ảnh hưởng trực tiếp đến ổn định kinh tế vĩ mô. Những đề xuất cải tổ gần đây đối với Cục Dự trữ Liên bang (Fed) làm dấy lên lo ngại về nguy cơ lạm phát gia tăng và sự suy giảm lòng tin từ thị trường.
bài viết dựa trên quan điểm cá nhân của David Wilcox từ Bloomberg
Hãy tưởng tượng vào tháng 1 năm 2026. Chủ tịch Fed Jerome Powell đã phản đối những lời kêu gọi kích thích tiền tệ của Tổng thống Donald Trump trên Truth Social, và phần còn lại của hội đồng Fed cũng ủng hộ Powell. Sử dụng các quyền hạn mới do Quốc hội Đảng Cộng hòa trao, ông Trump tiếp tục đăng bài, lần này nhắm thẳng vào toàn bộ hội đồng quản trị với câu nói nổi tiếng từ thời “The Apprentice”: “Bạn bị sa thải.”
Với các quan chức Fed và tất cả người dân Mỹ, điều này sẽ là một kịch bản tồi tệ, bởi nó có khả năng dẫn đến lạm phát tăng cao. Tuy nhiên, theo một đề xuất do hai người được ông Trump lựa chọn cho các vị trí cấp cao trong chính quyền mới đồng tác giả, kịch bản này hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Tổng thống Trump đã chọn Stephen Miran làm Chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế và Daniel Katz làm Chánh văn phòng Bộ Tài chính. Cả hai đã cùng xây dựng một kế hoạch cải tổ sâu rộng hệ thống Fed.
Kế hoạch này sẽ trao cho Tổng thống và Quốc hội quyền kiểm soát chính trị lớn hơn nhiều đối với Fed. Điều này có thể trông hấp dẫn đối với một chính quyền mới muốn áp đặt ý chí của mình, nhưng nó sẽ phá hủy khả năng thực hiện chính sách tiền tệ độc lập với các lợi ích bầu cử của Fed.
Điều này cũng sẽ làm lung lay niềm tin của thị trường. Các nghiên cứu học thuật sâu rộng cùng kinh nghiệm lịch sử tại Mỹ đều cho thấy rằng khi sự kiểm soát chính trị gia tăng, kết quả thường là lạm phát tồi tệ hơn.
Hãy xem xét giai đoạn không mấy tốt đẹp của những năm 1970. Tổng thống Richard Nixon đã gây áp lực buộc Chủ tịch Fed khi đó là Arthur Burns nới lỏng chính sách tiền tệ trước cuộc bầu cử tổng thống năm 1972. Kết quả: tỷ lệ thất nghiệp giảm nhẹ trước cuộc bầu cử, nhưng lạm phát lại tăng mạnh sau khi Nixon nhậm chức nhiệm kỳ mới.
Một khi niềm tin thị trường bị mất đi, việc khôi phục lại sẽ vô cùng khó khăn. Phải mất nhiều năm và hai cuộc suy thoái đau đớn để Paul Volcker thuyết phục các nhà đầu tư và công chúng rằng Fed thực sự nghiêm túc trong việc kiểm soát lạm phát, sau khi Burns và Nixon đã làm xói mòn niềm tin đó. Không ai muốn điều này lặp lại.
Một yếu tố quan trọng bảo vệ Fed khỏi sự can thiệp chính trị hiện nay là Tổng thống chỉ có thể bãi nhiệm các thành viên hội đồng Fed “vì lý do chính đáng” và không có quyền bãi nhiệm các Chủ tịch Fed khu vực. Katz và Miran muốn thay đổi điều đó.
Thứ nhất, họ đề xuất trao cho Tổng thống quyền bãi nhiệm cả các thành viên hội đồng và các Chủ tịch Fed khu vực, chỉ vì bất đồng quan điểm chính sách - hoặc thậm chí không cần lý do cụ thể nào.
Thứ hai, họ muốn rút ngắn nhiệm kỳ của các Chủ tịch Fed từ 14 năm xuống còn 8 năm và tính từ ngày xác nhận bổ nhiệm, điều này sẽ khiến nhiều nhiệm kỳ kết thúc cùng lúc. (Theo luật hiện hành, các nhiệm kỳ của Fed được sắp xếp xen kẽ, với một nhiệm kỳ hết hạn mỗi hai năm).
Những thay đổi này sẽ tạo ra nguy cơ gián đoạn mạnh mẽ trong chính sách tiền tệ mỗi khi nhiệm kỳ Tổng thống thay đổi. Katz và Miran không hề phủ nhận điều này. Nếu đề xuất của họ được thông qua, họ cho rằng: “Một Tổng thống mới đắc cử có khả năng sẽ chỉ định toàn bộ bảy thành viên hội đồng trong giai đoạn đầu của nhiệm kỳ.” Ảnh hưởng đến chính sách tiền tệ và giám sát ngân hàng có thể sẽ rất sâu rộng.
Katz và Miran cố gắng giảm bớt ảnh hưởng của việc tăng quyền kiểm soát của Tổng thống đối với các thành viên hội đồng Fed bằng cách tăng cường quyền hạn cho các Chủ tịch Fed khu vực. Tuy nhiên, thật khó để thấy việc nâng cao vai trò của 12 quan chức vừa mới bị đặt dưới quyền sa thải của Tổng thống Hoa Kỳ sẽ khiến hệ thống ít chịu ảnh hưởng chính trị hơn như thế nào.
Có lẽ ngay cả họ cũng không chắc rằng những "cải cách" của mình sẽ được thị trường đón nhận, bởi họ đề xuất thực hiện dần dần khả năng Tổng thống sa thải lãnh đạo Fed. Nếu đây thực sự là một ý tưởng tốt, tại sao không áp dụng ngay lập tức?
Tiếp theo là vấn đề tài chính của Fed. Quốc hội đã trao cho Fed quyền tự lập ngân sách và tài trợ cho các hoạt động của mình từ thu nhập từ chứng khoán mà Fed nắm giữ. Katz và Miran đề xuất đưa Fed vào quy trình phân bổ ngân sách, trong đó Quốc hội sẽ phê duyệt ngân sách của Fed mỗi năm năm một lần.
Khả năng tự tài trợ cho hoạt động của Fed là một phần thiết yếu trong sự độc lập của tổ chức này khỏi quy trình chính trị. Và Fed không phải là tổ chức duy nhất: Văn phòng Kiểm soát Tiền tệ (Office of the Comptroller of the Currency) và Tổng Công ty Bảo hiểm Tiền gửi Liên bang (FDIC) cũng không nhận ngân sách từ Quốc hội.
Ở đây, cũng không rõ liệu Katz và Miran có thực sự tin tưởng vào đề xuất của mình hay không. Họ viết: “Việc phân bổ ngân sách này nên được thực hiện trên cơ sở 5 năm một lần, nhằm tránh nguy cơ các cuộc đàm phán ngân sách hàng năm tạo ra cơ hội can thiệp chính trị quá mức vào hoạt động của Fed.”
Giới hạn cơ hội can thiệp chỉ 5 năm một lần thay vì hàng năm sẽ chỉ làm gia tăng mức độ rủi ro vào những thời điểm đó. Hơn nữa, ngân sách 5 năm - một phương pháp không được áp dụng ở bất kỳ cơ quan chính phủ nào khác - chắc chắn sẽ gặp khó khăn vì những biến động chi tiêu không thể dự đoán trước trong một giai đoạn dài như vậy.
Hầu hết các NHTW trên thế giới đều được trao một mức độ độc lập nhất định vì một vấn đề cơ bản trong chính sách tiền tệ. Nếu một NHTW nới lỏng chính sách (tăng cung tiền), lợi ích như tỷ lệ việc làm cao hơn sẽ xuất hiện sớm hơn so với chi phí là lạm phát tăng cao. Nếu các chính trị gia đương nhiệm được phép kiểm soát chính sách tiền tệ, họ sẽ bị cám dỗ để kích thích nền kinh tế trước cuộc bầu cử, với suy nghĩ rằng sẽ xử lý hậu quả sau đó. Một ngân hàng trung ương độc lập có thể đưa ra quyết định dựa trên lợi ích dài hạn.
Nhiều nghiên cứu học thuật sâu rộng (ví dụ như tại đây, tại đây và tại đây) đã chứng minh rằng các NHTW độc lập thường kiểm soát lạm phát tốt hơn. Theo một nghiên cứu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF): “Bằng chứng thực nghiệm xác nhận rằng việc cải thiện tính độc lập dẫn đến sự suy giảm của lạm phát.”
Kế hoạch Katz-Miran đánh thẳng vào cốt lõi sự độc lập của Fed. Việc thực thi nó sẽ cần phải có sự can thiệp từ Quốc hội. Các thành viên Quốc hội nên cân nhắc kỹ lưỡng những bài học từ lịch sử nước Mỹ và kinh nghiệm của các quốc gia khác từng thử nghiệm kiểm soát chính sách tiền tệ trực tiếp bởi chính trị.
Như tình trạng lạm phát gần đây đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ là 7.2% đã cho thấy, một NHTW độc lập không đảm bảo kiểm soát lạm phát hoàn hảo. Tuy nhiên, bằng chứng áp đảo từ lý thuyết kinh tế và lịch sử gần đây cho thấy đây vẫn là lựa chọn tốt hơn. Cái giá phải trả cho việc lãng quên bài học xương máu này sẽ là cực kỳ lớn.
Bloomberg