Canh bạc kinh tế lớn của Vương quốc Anh dưới thời kỳ "Trussonomics"
Thảo Nguyên
Junior Analyst
Nước Anh mạnh tay cắt giảm thuế, lược bỏ quy định và hỗ trợ chi phí năng lượng từ nguồn tiền vay nợ với kỳ vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai.
Chỉ hai tuần sau khi nhậm chức, Tân Bộ trưởng Tài chính Anh - Kwasi Kwarteng đã thông báo về việc cắt giảm thuế lớn nhất trong nửa thế kỷ qua. Đây là đợt cắt giảm thuế, lược bỏ quy định và hỗ trợ chi phí năng lượng lớn kỷ lục với nguồn tiền đến từ vay nợ và kỳ vọng tăng trưởng kinh tế. Chính sách tài khóa sẽ đứng thứ hai trong việc thúc đẩy nền kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng chậm chạp kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 và lạm phát gần mức cao nhất trong 40 năm, mô hình kinh tế của Anh cần được cải tổ. Tuy nhiên, khởi đầu của "Trussonomics" (là thuật ngữ được sử dụng cho đề xuất về kinh tế của tân Thủ tướng Liz Truss, được cho là phiên bản kinh tế học của riêng bà) giống như một canh bạc kinh tế và chính trị khổng lồ.
Đúng như vậy, kế hoạch tăng trưởng nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế, cải thiện các khoản hỗ trợ đầu tư và bỏ qua nhiều luật. Chính phủ Liz Truss đặt mục tiêu xây dựng thế mạnh của Anh thông qua các dịch vụ tài chính và đẩy mạnh phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời thừa nhận tầm quan trọng của việc đơn giản hóa hệ thống thuế. Phấn đấu để tăng trưởng cao hơn là một điều tốt nhưng việc dựa hoàn toàn vào việc đạt được mức tăng trưởng như vậy để khắc phục lỗ hổng tài chính công mà chiến lược kinh tế tổng thể tạo ra sẽ mang lại những rủi ro rất lớn.
Một số biện pháp nới lỏng là cần thiết để giải quyết cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt, nhưng ngân sách chi tiêu có giới hạn. Nền kinh tế của Anh rất mong manh. Nợ tính theo phần trăm sản lượng kinh tế ở mức cao nhất kể từ đầu những năm 1960. Áp lực tăng lên đối với chi phí lãi vay là đáng lo ngại. Tuần vừa rồi, BoE đánh tiếng sẽ tiếp tục tăng lãi suất và giảm cung tiền trên thị trường thông qua thắt chặt định lượng. Mức cắt giảm thuế lên tới 45 tỷ bảng Anh cùng với gói hỗ trợ người tiêu dùng và doanh nghiệp có chi phí năng lượng tăng cao sẽ khiến quốc gia này lâm vào tình cảnh nợ nần chồng chất.
Răm rắp tuân theo các chính sách tài khóa trong một cuộc khủng hoảng không phải lúc nào cũng khôn ngoan, nhưng táo bạo phải được cân bằng với việc duy trì niềm tin vào kinh tế của Vương quốc Anh. Đồng bảng Anh giảm xuống mức thấp nhất trong 37 năm so với đồng đô la Mỹ, với tỷ giá GBP/USD chỉ còn 1.05, gia tăng lạm phát nhập khẩu. Lãi suất trái phiếu chính phủ Anh cũng tăng vọt. Mức tăng thâm hụt tài khoản vãng lai kỷ lục của Anh phụ thuộc một phần vào việc các nhà tài chính quốc tế mua tài sản của Anh hoặc cho vay. Trình bày một kế hoạch cấp tiến như vậy mà lại không có các dự báo độc lập từ Văn phòng Trách nhiệm Ngân sách (Office for Budget Responsibility) thì không thể yên tâm.
Do đó, các biện pháp cụ thể trong kế hoạch tăng trưởng lại càng thêm quan trọng. Kích thích tăng trưởng giúp nền tài chính công có một chỗ dựa vững chắc, nhưng rủi ro lại rất cao. Trong ngắn hạn, việc cắt giảm thuế sẽ chỉ kích cầu một nền kinh tế bị hạn chế về nguồn cung. Điều này sẽ làm tăng áp lực lạm phát, mà BoE cam kết đẩy lùi, gây xung đột với chính phủ.
Các biện pháp tăng cường khả năng cung ứng của nền kinh tế sẽ quan trọng hơn. Các khu đầu tư mới (New Investment Zones) thúc đẩy chi phí vốn nhưng sẽ mất thời gian để phát triển, hoặc đơn giản chỉ là chuyển khu vực hoạt động. Việc đẩy nhanh các dự án cơ sở hạ tầng và hỗ trợ đầu tư kinh doanh là điều đáng khen ngợi, nhưng cũng sẽ mất nhiều thời gian để nâng cao tốc độ tăng trưởng tiềm năng. Kế hoạch này không đem lại nhiều kết quả và khó có thể đảo ngược sự gia tăng trong tình trạng kinh tế ì ạch kể từ khi đại dịch bùng phát.
Mặc dù chính sách vẫn chưa được hoàn thiện nhưng chính phủ phải cam kết rằng họ có thể thực hiện được tham vọng tăng trưởng của mình. Các khoản chi khác bao gồm dịch vụ công và quốc phòng cũng cần được đáp ứng. Thị trường tài chính sẽ tiếp tục chịu thêm áp lực. Tuyên bố tài khóa này đã đưa nền kinh tế Anh vào một con đường đầy nguy hiểm.
Financial Times