Châu Âu đã chắp cánh cho "con rồng" Trung Quốc như thế nào
Thật sai lầm với Châu Âu khi đặt bút ký vào hiệp ước đầu tư với Bắc Kinh.
Ursula von der Leyen, chủ tịch Ủy ban Châu Âu cho biết rằng bà muốn lãnh đạo một "ủy ban địa chính trị". Nhưng bà Von der Leyen đã kết thúc năm 2020 bằng cách gửi đi một thông điệp địa chính trị thực sự tồi tệ - khi ủy ban của bà ký kết một hiệp ước đầu tư giữa EU và Trung Quốc.
Trong năm 2020 vừa qua, một năm với những biến động khó lường trên bản đồ địa chính trị thế giới, Trung Quốc đã phá bỏ quyền tự do của Hong Kong, tăng cường đàn áp ở Tân Cương, gây chiến quân sự với Ấn Độ, đe dọa tới Đài Loan và trừng phạt nặng nề Australia. Tuy nhiên, bằng cách ký một thỏa thuận với Trung Quốc, EU đã báo hiệu rằng họ không quan tâm đến tất cả những điều đó. Bà Janka Oertel, giám đốc chương trình Châu Á tại Viện nghiên cứu quan hệ đối ngoại của Hội đồng Châu Âu đã nói: “Đây là một chiến thắng ngoại giao to lớn dành cho Trung Quốc”.
Đó cũng là một sự thất vọng lớn đối với Joe Biden. Tân tổng thống đã nhấn mạnh rằng, sau thời kỳ Donald Trump, ông muốn có một khởi đầu mới với châu Âu. Đặc biệt, chính quyền Biden muốn một cuộc thảo luận về các vấn đề Trung Quốc cùng với các đồng minh khác. Jake Sullivan, cố vấn an ninh quốc gia của ông Biden, đã đưa ra lời cầu xin vào phút cuối và hy vọng rằng người châu Âu tạm ngừng ký thỏa thuận - ít nhất là cho đến khi họ có cơ hội thảo luận với chính quyền mới của tân tổng thống. Thế nhưng, lời đề nghị này đã bị phớt lờ bởi Châu Âu.
Các quan chức EU đưa ra một số lý do giải thích cho quyết định của họ. Họ nói rằng, nhiều nhượng bộ mà EU đáng nhẽ nhận được từ Trung Quốc, đã được trao cho Mỹ như là một phần của thỏa thuận thương mại "giai đoạn một" Trung-Mỹ. Các quan chức Brussels cũng chỉ ra rằng Mỹ đã không "hỏi ý kiến" châu Âu trước khi ký kết thỏa thuận với Trung Quốc. Họ biện minh cho quyết định của EU là một minh chứng về "quyền tự chủ chiến lược".
Những lập luận này của EU nghe có vẻ khá cứng rắn và thuyết phục. Thế nhưng, trên thực tế, điều này đang thể hiện rằng, quyết định của họ thật quá "ngây thơ". Thật khó để tin rằng Trung Quốc sẽ tôn trọng thoả thuận mà họ đã ký kết. Thật là quá "ngây thơ" nếu bỏ qua những tác động địa chính trị khi thực hiện một thỏa thuận với Trung Quốc ngay lúc này. Và thật là "ngây thơ" khi nghĩ rằng bầu không khí chính trị đen tối ở Bắc Kinh, sẽ không có bất kỳ ảnh hưởng nào đến cuộc sống ở Brussels hay Berlin.
EU nói rằng thỏa thuận này sẽ bao gồm việc kỷ luật hành vi các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc, những doanh nghiệp mà giờ đây sẽ được yêu cầu "hành động phù hợp với các nguyên tắc thương mại". Thế nhưng, Trung Quốc cũng đã từng đưa ra những cam kết tương tự khi gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới vào năm 2001. Cam kết hạn chế các khoản trợ cấp của nhà nước được thực hiện cách đây 20 năm nay lại được đưa ra như những "nhượng bộ mới". Lời hứa của Bắc Kinh về việc hướng tới thực thi các công ước quốc tế về tiêu chuẩn lao động thật mờ nhạt và nực cười. Ngay cả Shi Yinhong, một học giả nổi tiếng của Trung Quốc, cũng chỉ ra rằng, "về vấn đề lao động, Trung Quốc thật khó mà có thể tuân thủ. Bạn có thể tưởng tượng Trung Quốc với các tổ chức công đoàn tự do hay không ?"
Trong năm qua, Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện sự sẵn sàng phớt lờ các hiệp ước. Luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc đã vi phạm một thoả thuận với Anh Quốc nhằm đảm bảo quyền tự trị của Hồng Kông. Trung Quốc cũng đã áp thuế đối với hàng hóa của Australia, vi phạm hiệp định thương mại tự do Trung Quốc - Australia.
Thời điểm đưa ra thoả thuận hiện tại thực sự là một lựa chọn khôn ngoan từ phía Trung Quốc, kể từ khi Biden nắm quyền. Reinhard Bütikofer, chủ tịch phái đoàn của quốc hội châu Âu về Trung Quốc, nói: “Việc chúng tôi chấp nhận thoả thuận với Trung Quốc đã tạo nên một bất hoà rất lớn với đồng minh trước đây của chúng tôi - Mỹ."
Thỏa thuận giữa EU và Trung Quốc đã được Angela Merkel, thủ tướng Đức thúc đẩy và kết thúc vào cuối nhiệm kỳ chủ tịch EU của Đức. Mặc dù là một người được coi là "đấu tranh cho các giá trị tự do", thế nhưng, sự tiếp cận của bà với Trung Quốc lại đến vì các lợi ích thương mại và có một sự thiên vị không hề nhỏ. Bà Merkel biết rằng, ngành công nghiệp xe hơi của Đức đã trải qua một thời kỳ khó khăn, trong khi Trung Quốc, là thị trường lớn nhất.
Quyết tâm thúc đẩy của bà Merkel cũng có thể phản ánh sự hoài nghi của chính bà về tương lai của Hoa Kỳ. Trong một bài phát biểu vào năm 2017, bà nói rằng châu Âu không còn có thể dựa vào Mỹ. Việc ông Biden đắc cử có lẽ không thể làm thay đổi quan điểm đó. Nhiều người châu Âu cũng tin rằng, Hoa Kỳ đang trên bờ vực của một cuộc chiến tranh lạnh mới với Trung Quốc, và ai cũng muốn có phần, dù là nhỏ.
Một số lập luận này, theo tôi là đủ thuyết phục. Thật khó để nhìn vào các sự kiện hiện tại ở Washington và cảm thấy hoàn toàn tin tưởng vào sự ổn định của Mỹ hoặc các đồng minh Đại Tây Dương. Việc Châu Âu mong muốn tránh đối đầu quân sự ở Thái Bình Dương cũng là điều hợp lý.
Thế nhưng, việc dựa vào sự đảm bảo an ninh từ Mỹ của Châu Âu, cũng như việc chống lại chính sách an ninh của Mỹ tại Thái Bình Dương, không hẳn là một hành động khôn ngoan, cũng như bền vững về lâu dài.
Người châu Âu cũng đang tự đùa mình rằng, họ đang tự phủ nhận và mù quáng trước bản chất ngày càng độc tài và hiếu chiến từ Trung Quốc được dẫn dắt bởi Tập Cận Bình. Trong 70 năm qua, người châu Âu đã được hưởng lợi từ thực tế rằng quốc gia hùng mạnh nhất thế giới là một nền dân chủ tự do. Nếu một quốc gia độc tài, chẳng hạn như Trung Quốc, thay thế Mỹ trở thành cường quốc thống trị toàn cầu, thì các nền dân chủ tự do trên thế giới sẽ sớm cảm thấy hậu quả.
Ngay cả trong trật tự địa chính trị hiện tại, Trung Quốc đã nhiều lần thể hiện sự sẵn sàng sử dụng sức mạnh kinh tế của mình như một vũ khí chiến lược. Bằng cách tăng cường sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc, nhưng lại không phối hợp chính sách cũng như hợp tác với những "đồng minh dân chủ" khác, các quốc gia Châu Âu đang dễ tổn thương hơn bao giờ hết trước những áp lực từ Bắc Kinh. Một quyết định thực sự rất thiển cận - với một "uỷ ban địa chính trị".