Châu Âu tiếp tục nỗ lực 'trợ thở' cho doanh nghiệp
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Sự phục hồi chậm hơn buộc các chính phủ châu Âu phải gia hạn những biện pháp hỗ trợ cho vay đối với doanh nghiệp đang nợ nần.
Rousselle Industrie SA, một nhà sản xuất máy sơn ở miền bắc nước Pháp, gần như phá sản năm 2020, sau khi đại dịch làm gián đoạn nguồn cung và hoạt động kinh doanh. Nhưng sau đó, công ty được cứu với khoản vay tương đương 360.000 USD, theo chương trình của chính phủ bảo lãnh và trả lãi chậm trong 12 tháng.
Một năm sau, công ty vẫn phải đối mặt với đầu vào lẫn đầu ra yếu, khiến khả năng trả nợ trở nên khó khăn. Nhận thức được những rắc rối phải đối mặt với Rousselle Industrie và hàng trăm nghìn công ty khác, chính phủ Pháp quyết định cho hoãn trả nợ thêm một năm.
"Chúng tôi sẽ không thể sống sót qua giai đoạn phức tạp này nếu không có sự trợ giúp của chính phủ. Vẫn còn rất nhiều điều bất ổn", Eric Plaisant, CEO của công ty cho biết.
Các nền kinh tế như Mỹ và Trung Quốc đang nhanh chóng phục hồi. Nhưng ở châu Âu, nơi chương trình tiêm chủng bị tụt hậu so với các khu vực khác và các nền kinh tế thích ứng chậm hơn, doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn.
Để ngăn chặn tình trạng vỡ nợ và một cuộc khủng hoảng tài chính mới trên lục địa này, các chính phủ đang mở rộng biện pháp hỗ trợ. "Chúng tôi không muốn cắt hỗ trợ đột ngột và gây ra hàng chục nghìn vụ phá sản", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết.
Bên cạnh việc hoãn nợ, chính phủ Pháp đã gia hạn chương trình bảo lãnh cho vay doanh nghiệp thêm 6 tháng, tức đến cuối năm nay. Hiện đã có khoảng 675.000 công ty được chính phủ nước này bảo lãnh vay tổng cộng 166 tỷ USD.
Tại Italy, Thủ tướng Mario Draghi cũng đã gia hạn chính sách hoãn nợ thêm 6 tháng, đến tháng 12. Ở Tây Ban Nha, Madrid đang xóa nợ cho một số khoản vay được nhà nước bảo lãnh. Tuy nhiên, những động thái này sẽ gây thêm gánh nặng cho các chính phủ - vốn có nợ công tăng vọt từ năm ngoái - đến mức cao hơn mức từng ghi nhận trong cuộc khủng hoảng nợ công năm 2011.
Cuộc khủng hoảng Covid-19 khác với các cuộc suy thoái trước đây. Kỳ vọng kinh tế sẽ phục hồi nhanh chóng sau khi dịch bệnh được kiểm soát, các chính phủ ở châu Âu đã tung ra khoản tiền tương đương 1.800 tỷ USD cho các khoản vay được gia hạn thời gian trả nợ, các khoản bảo lãnh và tài trợ để giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động.
Các chính phủ cũng giữ cho lao động không bị thất nghiệp bằng cách hỗ trợ trả lương cho doanh nghiệp. Các quốc gia như Đức thậm chí còn đình chỉ quy định buộc các công ty hết tiền phải nộp đơn xin phá sản tại địa phương.
Kết quả là tỷ lệ thất nghiệp ở châu Âu vẫn ở mức thấp. Các vụ phá sản thậm chí còn giảm xuống. Và các ngân hàng không thấy lý do gì để cho rằng sẽ thua lỗ lớn trong việc cho vay. Tuy nhiên, đó là sự ổn định tương đối.
"Nếu các biện pháp đang áp dụng hiện nay được loại bỏ một cách nhanh chóng, các công ty có thể bị đẩy đến bờ vực nguy hiểm", Martin Oehmke, Giáo sư tài chính tại Trường Kinh tế và Khoa học Chính trị London, Đồng chủ trì một báo cáo giám sát về ổn định tài chính cho Ủy ban Rủi ro Hệ thống châu Âu, đánh giá.
Báo cáo của Ủy ban này cho biết, trong trường hợp xấu nhất, các chương trình hỗ trợ hiện nay của các chính phủ châu Âu chỉ là cố trì hoãn các vấn đề hơn là khắc phục chúng. "Tỷ lệ vỡ nợ thấp hiện nay sẽ tương tự như biển rút đi trước khi có sóng thần", báo cáo bình luận.
Nếu một cơn sóng thần ập đến, các nhà quản lý lo ngại rằng các ngân hàng không chuẩn bị sẵn sàng. Andrea Enria, người đứng đầu bộ phận giám sát của Ngân hàng Trung ương châu Âu, cảnh báo và cho rằng khoảng 40% ngân hàng khu vực đồng euro đã không đánh giá đúng mức các khoản cho vay khó có thể hoàn trả. Nhiều đơn vị đã hạ xác suất vỡ nợ đối với các khoản vay mới, bất chấp những rủi ro là rõ ràng.
Một trong những lo lắng lớn nhất ở châu Âu là các quốc gia ở phía Nam dễ bị tổn thương hơn. Nhiều nước khu vực này có hệ thống ngân hàng yếu hơn và bị ảnh hưởng nặng bởi ngành du lịch khó khăn.
CNA, một hiệp hội các công ty vừa và nhỏ tại Italy cho biết, hơn một phần ba số doanh nghiệp được khảo sát nói rằng không thể bắt đầu trả nợ thường xuyên. Riêng trong lĩnh vực du lịch, chưa đến 2% cho biết có thể tồn tại mà không duy trì các chính sách hỗ trợ, vốn sẽ hết hạn vào cuối tháng này.
"Việc gia hạn chính sách hoãn nợ rất quan trọng với tôi", Cristina Vincenzi, chủ một cửa hàng đồ lót ở thị trấn Roncade, Đông Bắc Italy nói. Bà Vincenzi đã báo lỗ vào năm ngoái, sau khi đại dịch buộc bà phải đóng cửa hàng trong nhiều tháng. Theo chương trình hỗ trợ, bà chưa phải trả góp hàng tháng 575 euro cho khoản vay 10.000 euro của mình, tương đương khoảng 12.000 USD.
Ở Bồ Đào Nha, khoảng một phần ba tổng số khoản vay được hoãn nợ cho các công ty sẽ hết hạn ưu đãi vào tháng 9. Riêng trong lĩnh vực nhà hàng và lưu trú, tỷ lệ này là gần 60%, theo Ngân hàng trung ương Bồ Đào Nha.
Cristóvão Lopes sở hữu một khách sạn 170 phòng ở khu vực phía Nam Algarve, nơi thường thu hút khách Bắc Âu đến tránh rét. Năm ngoái, khi công việc kinh doanh sụt giảm 85%, chính phủ đã hỗ trợ chi trả một phần tiền lương cho nhân viên ông. Riêng ông được nhận khoản trợ cấp nhỏ và hoãn phải trả một nửa số nợ của mình. Lopes ước tính rằng công việc kinh doanh sẽ chỉ trở lại bình thường vào năm 2023.
Tuy nhiên, việc chính sách hoãn nợ sẽ kết thúc vào tháng 9 tới, khi mà các khách sạn nơi ông hoạt động bình thường thậm chí sẽ vào mùa thấp điểm. "Chúng tôi chỉ sợ không thể tạo ra đủ thanh khoản cho đến lúc đó", Lopes nói và cho rằng không thể mong đợi các doanh nghiệp đi từ 0 đến 100% trong một đêm.
Chính phủ Bồ Đào Nha đã công bố kế hoạch hỗ trợ giai đoạn tiếp theo, khi chính sách hoãn nợ kết thúc vài tháng tới. Theo đó, họ sẽ tiếp tục bảo lãnh một số khoản vay để đổi lấy việc ngân hàng cho phép giãn nợ. Tất nhiên, điều này cũng mang lại rủi ro riêng. Theo đó, các khoản vay tồn động sẽ trở thành trách nhiệm của chính phủ Bồ Đào Nha, nơi mà nợ công giờ đã hơn 130% GDP, bằng với mức từng ghi nhận trong thập kỷ trước.
Link gốc tại đây.
VnExpress tổng hợp theo WSJ