Chỉ can thiệp tỷ giá liệu có đủ để cứu rỗi đồng Bảng Anh và Yên Nhật?
Đặng Hải Phú
Junior Analyst
Quan niệm trước đây của các nhà kinh tế cho rằng việc can thiệp tỷ giá là không cần thiết hoặc không thể. Tuy nhiên, những tiến bộ trong lý thuyết và thực nghiệm ngày nay đã cho thấy điều ngược lại.
Milton Friedman, nhà kinh tế học từng đoạt giải Nobel, là một người ủng hộ chính sách thả nổi tiền tệ từ rất sớm. Ông từng chỉ ra rằng trường hợp tỷ giá hối đoái linh hoạt cũng giống như lập luận về việc quy ước chỉnh giờ mùa hè vậy. Về lý thuyết, mọi người có thể bắt đầu ngày hè sớm hơn một giờ mà không có bất kỳ sự thay đổi nào trên đồng hồ. Trên thực tế, thay đổi thời gian dễ hơn thay đổi thói quen của mọi người. Theo một logic tương tự, bất cứ khi nào có sự thiếu hụt về nhu cầu đối với hàng hóa và tài sản của một quốc gia, thì việc để cho tỷ giá giảm xuống sẽ dễ dàng hơn là điều chỉnh giá của tất cả các hàng hóa còn lại.
Friedman đã đưa ra phép so sánh của mình vào những năm 1950 khi tỷ giá hối đoái vẫn còn tương đối ổn định. Trong các thị trường biến động hơn ngày nay, sự thay đổi tỷ giá có thể rất mạnh mẽ. Đồng yên đã giảm 20% so với đồng đô la trong năm nay, đồng won của Hàn Quốc giảm 17% và đồng rupee của Ấn Độ giảm 9%. Sau khi Kwasi Kwarteng, Bộ trưởng tài chính Anh, công bố các đợt cắt giảm thuế mới vào ngày 23 tháng 9, đồng bảng Anh không ngừng giảm xuống mức gần ngang giá với đồng đô la.
Trước những khó khăn đó, các nhà hoạch định chính sách thường chịu áp lực can thiệp vào thị trường tiền tệ. Bộ tài chính Nhật Bản đã cố gắng nâng giá đồng yên lần đầu tiên kể từ năm 1998 bằng cách bán ngoại tệ để đổi lấy đồng nội tệ của mình. Ngân hàng Dự trữ Ấn Độ cũng đã hành động, bán hơn 40 tỷ đô la kể từ đầu tháng 7 theo một số ước tính. Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc cho biết các nhà chức trách sẽ xem xét "kế hoạch dự phòng" để ngăn đồng won giảm quá nhanh. Một số nhà kinh tế đã bắt đầu tìm hiểu xem nước Anh đã tích trữ bao nhiêu trong kho dự trữ ngoại hối của mình và con số có lẽ là không nhiều.
Friedman cho rằng phòng thủ tiền tệ là không cần thiết hoặc không thể. Nếu nhu cầu thiếu hụt lớn và kéo dài, sự can thiệp sẽ chỉ trì hoãn điều không thể tránh khỏi, vì đất nước sẽ cạn kiệt dự trữ ngoại hối. Nếu sự thiếu hụt nhỏ và thoáng qua, sự can thiệp là không cần thiết. Thay vì mua một loại tiền tệ tạm thời, chính phủ có thể để cho các nhà đầu cơ thực hiện công việc này, vì họ sẽ thu được lợi nhuận bất cứ khi nào đồng tiền này lấy lại vị thế của nó. Sự can thiệp chỉ cần thiết nếu chính phủ phát hiện ra những sự sai lệch giá tạm thời tốt hơn những nhà đầu cơ tài chính, những người kiếm cơm từ việc đó.
Những nghiên cứu ban đầu về sự can thiệp đã củng cố cho sự hoài nghi này. Vào năm 1982, các quốc gia G7 đã đưa ra một báo cáo kết luận rằng sự can thiệp của tiền tệ có rất ít tác dụng lâu dài. Có sự đồng thuận bất thường giữa các nhà kinh tế rằng can thiệp tiền tệ không phải là một công cụ “hiệu quả hoặc lâu dài”, như Kathryn Dominguez của Đại học Michigan và Jeffrey Frankel của Harvard sau đó đã chỉ ra.
Nhưng nhiều nghiên cứu gần đây đã đảo ngược sự đồng thuận này, nhờ có thêm những bằng chứng về lý thuyết và thực nghiệm. Tác động lâu dài của sự can thiệp có thể khó nhận biết vì các ngân hàng trung ương không tham gia vào thị trường tiền tệ một cách ngẫu nhiên. Họ bán dự trữ ngoại hối khi đồng tiền quốc gia suy yếu và mua vào khi đồng nội tệ chịu áp lực mạnh lên. Và vì vậy, nếu chỉ nhìn dữ liệu một cách thoáng qua có thể cho rằng rằng sự can thiệp này gây ra hậu quả: Quy mô bán ngoại tệ tăng lên có liên quan đến việc đồng nội tệ suy yếu cũng giống như nói rằng lính cứu hỏa có liên quan đến hỏa hoạn vậy.
Một cách tiếp cận khác là xem xét các can thiệp tiền tệ lớn hơn hoặc nhỏ hơn dự kiến. Nếu một đám cháy thu hút nhiều lính cứu hỏa hơn mức bình thường, thì những lính cứu hỏa bổ sung có thể sẽ làm cho một đám cháy ngắn hơn, được kiềm chế tốt hơn. Đó là một trong những cách tiếp cận được thực hiện bởi Andrew Filardo của Viện Hoover, cũng như Gaston Gelos và Thomas McGregor của IMF, trong một bài báo được xuất bản vào tháng Sáu. Họ kết luận rằng nếu một đồng tiền bị định giá thấp hơn 10%, việc bán dự trữ ngoại hối trị giá khoảng 0.1% GDP có thể củng cố đồng nội tệ hơn 4%. Nếu các nhà chức trách can thiệp một cách có hệ thống trong nhiều quý, họ sẽ nhận được hiệu quả nhiều hơn so với chi phí bỏ ra. Tác động này cũng lớn hơn trong các thị trường tài chính còn non trẻ.
Những tác động này không chỉ giới hạn trong vài phút hoặc vài ngày sau khi can thiệp. Chúng hiện hữu ngay cả trong dữ liệu hàng quý. Nhưng tác động cũng không phải là vĩnh viễn. Sự can thiệp có thể thu hẹp sự sai lệch xảy ra trong khoảng thời gian từ một đến bốn năm — tuy nhiên, nó dường như không ảnh hưởng đến sự biến động dài hạn của tiền tệ.
Vậy tại sao việc can thiệp tỷ giá lại hiệu quả? Một lý do đó là sự không đáng tin cậy của các nhà đầu cơ theo như Friedman đã giả định. Những người đặt cược vào tiền tệ có khả năng chịu rủi ro hạn chế. Những giới hạn này ngày càng thu hẹp trong những thời điểm căng thẳng, khi các tổ chức tài chính kéo theo sự can thiệp của họ, làm giảm quy mô đặt cược. Trong những trường hợp như vậy, các cơ quan chức năng quốc gia có thể có vị thế tốt hơn để sửa chữa những sai lệch giá tạm thời, ngay cả khi họ không thể phát hiện ra chúng tốt hơn những nhà đầu cơ.
Sự can thiệp cũng có thể hoạt động như một tín hiệu về quyết tâm của các nhà hoạch định chính sách. Rốt cuộc, chính phủ nên biết rõ hơn những nhà đầu cơ về những gì chính phủ định làm. Chính phủ có thể quyết tâm theo đuổi các chính sách phù hợp với một loại tiền tệ mạnh hơn, tuy nhiên vẫn gặp khó khăn để thuyết phục các nhà đầu tư hoài nghi. Thông qua sự can thiệp của tiền tệ, chính phủ có thể đưa tiền (nước ngoài) của mình đi đúng quỹ đạo mong muốn. Trong số 18 ngân hàng trung ương từ các nền kinh tế mới nổi được Ngân hàng Thanh toán Quốc tế khảo sát vào năm 2018, gần 3/4 cho rằng việc đưa ra tín hiệu là “thường xuyên hoặc đôi khi quan trọng”.
Những kết quả này mang lại ít sự khích lệ cho Nhật Bản hoặc Anh, hai nền kinh tế lớn chịu tỷ giá hối đoái giảm mạnh nhất trong năm nay. Ngân hàng Trung ương Nhật Bản vẫn cam kết giới hạn lợi suất trái phiếu chính phủ của mình, tuy nhiên lợi suất cao lại tăng ở các khu vực khác trên thế giới. Lập trường đó, dù có những ưu điểm gì đi chăng nữa, thì hầu như không phù hợp với một đồng yên mạnh. Và với quy mô thâm hụt tài khoản vãng lai của Anh và tốc độ lạm phát của nó, đồng bảng Anh giảm rõ ràng không phải là do nó yếu hơn mức cần thiết. Sự can thiệp của tiền tệ có thể coi là một tín hiệu về các chính sách chặt chẽ hơn. Bản thân việc can thiệp không thể thay thế cho chính sách tiền tệ.
Để hỗ trợ đồng bảng Anh, các nhà chức trách của Anh phải tăng lãi suất nhanh hơn so với kế hoạch hoặc xác nhận lại các nguyên tắc tài khóa. Ông Kwarteng cho biết ông sẽ làm rõ các kế hoạch tài khóa trung hạn của mình vào ngày 23 tháng 11. Nếu ngài bộ trưởng Tài chính muốn cứu đồng bảng Anh, ông ta có thể cần phải sớm đưa ra kế hoạch tài khoá của mình.
The Economist