Chia lợi nhuận "bèo", quỹ trăm tỷ USD của tỷ phú SoftBank khó giữ nhân viên
Tin Tức Tổng Hợp
feeder
Kể từ khi tỷ phú Masayoshi Son, người sáng lập tập đoàn SoftBank, thành lập quỹ Vision Fund khổng lồ vào năm 2017, ông vẫn chưa tìm được cách đãi ngộ có thể làm hài lòng nhân viên của mình...
Hãng tin Bloomberg dẫn nguồn tin thân cận cho biết công ty SoftBank Group Corp. của ông Son dự kiến có đợt phân phối lợi nhuận đầu tiên cho nhân viên Vision Fund vào tháng 12 tới. Tuy nhiên, theo nguồn tin này, chính sách chia lợi nhuận “kỳ lạ” đang khiến nhiều người nghỉ việc. Từ tháng 3/2020, Vision đã chứng kiến 7 quản lý ra đi và quản lý cấp cao duy nhất Deep Nishar dự kiếb nghỉ việc vào cuối năm nay.
100-150 TRIỆU USD CHIA CHO 70 NGƯỜI
Tâm điểm của vấn đề này là việc tỷ phú Son đã lập ra quỹ đầu tư mạo hiểm lớn nhất thế giới nằm bên trong một tập đoàn Nhật Bản - nơi thường trả lương khiêm tốn hơn so với tiêu chuẩn toàn cầu. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực tài chính thường trả mức lương cao bậc nhất thế giới cho nhân viên của mình.
Các công ty đầu tư mạo hiểm thường phân phối khoảng 20% lợi nhuận cho nhân viên – có thể lên tới hàng chục triệu USD mỗi người, nhưng kiểu cấu trúc này sẽ gây tranh cãi lớn nếu áp dụng tại một công ty như SoftBank.
Kế hoạch phân phối lợi nhuận của ông Son chủ yếu dựa trên thâm niên và tất cả nhân sự từ cấp phó chủ trịch trở lên mới đủ điều kiện nhận tiền, dù họ đứng sau các thương vụ bom tấn như vào DoorDash, Coupang hay những thương vụ thất bại như WeWork, Greensill Capital.
Theo nguồn tin, tổng số lợi nhuận được phân phối có thể lên tới 100-150 triệu USD, chia cho khoảng 70 người, cùng với lương cơ bản và thưởng. Con số này nghe có vẻ lớn nhưng thấp hơn nhiều so với lợi nhuận phân phối của các quỹ đầu tư mạo hiểm hàng đầu. Con số này cũng được cho là không tương xứng với vị thế của Vision Fund – quỹ đầu tư đã huy động được 100 tỷ USD để thực hiện sứ mệnh mà theo lời ông Son gọi là “cả đời chỉ có một lần” vào các công ty công nghệ và dữ liệu lớn trên toàn cầu.
“Nhìn vào tất cả những sứ mệnh lớn lao mà họ đặt ra cũng như những kỳ vọng họ cố gắng đạt được, số tiền đó có vẻ quá ít ỏi, dù đây mới chỉ là đợt phân phối lợi nhuận đầu tiên”, Ben Narasin, người từng làm việc tại quỹ đầu tư New Enterprise Associates và đã nghỉ việc để mở quỹ riêng, nhận xét.
Việc mất đi các nhân tài hàng đầu diễn ra trong bối cảnh tỷ phú Son đang đẩy nhanh tốc độ đầu tư. Với quỹ đầu tư Vision Fund 2, từ đầu năm đến nay, tỷ phú Son đã ký hơn 115 thỏa thuận đầu tư, tăng gấp đôi số công ty trong danh mục trong chưa đầy 9 tháng. Con số này lớn hơn tổng số thương vụ đầu tư mà quỹ Vision Fund đầu tiên đã thực hiện kể từ khi thành lập, theo tính toán của Bloomberg dựa trên dữ liệu do SoftBank công bố. Các đối thủ của Vision Fund cũng đang có động thái tương tự.
“Mức đãi ngộ cho nhân tài đang ở mức cao hơn rất nhiều so với thời điểm Vision Fund ra đời”, James Kim, cố vấn cấp cao tại hãng tư vấn Coda Advisors LLC, có trụ sở tại San Francisco, Mỹ, cho biết. “Đặc biệt là trong năm nay, cơ hội rất nhiều, không chỉ ở các quỹ đầu tư mạo hiểm mà còn ở tất cả các loại quỹ đầu tư”.
PHẦN LỚN THU NHẬP ĐẾN TỪ LƯƠNG CƠ BẢN
Theo nguồn tin của Bloomberg, phần lớn thu nhập của nhân viên Vision Fund đến từ lương cơ bản. Mức lương cơ bản của nhân viên Vision Fund tương đối cao. Nhân viên cấp trung nhận được khoảng 500.000 USD/năm, còn nhân viên có kinh nghiệm hơn nhận trên 700.000 USD/năm. Các đối tác quản lý cấp cao của quỹ nhận mức lương cơ bản dao động tương đối lớn, có thể lên tới hàng triệu USD, nguồn tin cho biết.
Trong số các công ty tại Nhật, SoftBank liên tục nằm trong nhóm có chế độ đãi ngộ hào phóng cho giám đốc cấp cao. 8 giám đốc cấp cao nhất của công ty này được trả tổng cộng hơn 64 triệu USD trong năm 2020 khi công ty báo lãi kỷ lục.
Tỷ phú Masayoshi Son lập 2 quỹ đầu tư Vision Fund và Vision Fund 2, huy động hàng trăm tỷ USD - Ảnh: Getty Images
Simon Segars, giám đốc công ty con về mảng chip Arm Ltd của SoftBank, dẫn đầu danh sách khi được trả 17 triệu USD năm ngoái. Còn Rajeev Misra, người điều hành Vision Fund, “bỏ túi” 8,4 triệu USD, chủ yếu đến từ lương cơ bản. Còn ông Son chỉ nhận 900.000 USD.
Tuy nhiên, ông Son có thể kiếm tiền từ cổ phần của mình tại quỹ Vision Fund 2 cũng như một quỹ khác tập trung vào đầu tư tại Mỹ Latin. Việc này từng khiến ông vấp phải chỉ trích khi lẫn lộn giữa lợi ích cá nhân và lợi ích của ông ty. Tỷ phú này hiện nắm giữ 33% cổ phần tại một quỹ có tên SB Northstar, chuyên đầu tư vào cổ phiếu và sản phẩm phái sinh.
Trước tình trạng nhiều giám đốc cấp cao nghỉ việc, ông Son phủ nhận nguy cơ xảy ra chảy máu chất xám và cho biết công ty lúc nào cũng có thể giành nhân tài từ các công ty tài chính lớn, nguồn tin của Bloomberg cho biết.
“Dù sao thì ông Son cũng đạt được mục đích cuối cùng. Suy cho cùng thì Vision Fund giành được các thương vụ không phải nhờ đội ngũ nhân sự chất lượng mà chủ yếu nhờ việc trả nhiều tiền. Khi đó thì ai còn quan tâm tới việc đề nghị đầu tư được đưa ra bởi một cựu nhân viên ngân hàng trẻ tuổi hay một nhân viên quỹ đầu tư mạo hiểm có kinh nghiệm?”, ông Narasin nhận xét.
Theo VnEconomy