Sự thay đổi quan điểm về Donald Trump: Từ phản đối sang ủng hộ tích cực
Huyền Trần
Junior Analyst
Sự thay đổi trong cách nhìn nhận về Donald Trump đã chuyển từ tâm lý phản đối sang ủng hộ tích cực trong cuộc bầu cử năm 2024. Thay vì chỉ trích đối thủ, Trump giành chiến thắng nhờ khơi dậy sự hào hứng và thu hút cử tri bằng cá tính và lập trường táo bạo.
Bài viết dựa trên quan điểm của Jemima Kelly
Tại một sự kiện mùa hè vừa qua, nơi phần lớn người tham dự có tư tưởng tiến bộ cả về xã hội lẫn chính trị, tôi được một phụ nữ kéo ra ngoài để nói chuyện riêng. Khi tôi hỏi bà muốn bàn về điều gì, bà trả lời ngắn gọn: “Trump.” Tôi thoáng lo ngại, liệu bà có cảm thấy bị xúc phạm bởi bài viết nào của tôi không? Nhưng rồi bà nói một câu khiến tôi không ngừng suy nghĩ: “Thật ra, tôi yêu mến ông ấy.”
Người phụ nữ này, dù tự nhận mình có tư tưởng thiên tả mạnh mẽ, đã giải thích lý do bà bị cuốn hút bởi Donald Trump: Sự nổi loạn, hài hước, tính thẳng thắn và các quan điểm chống chiến tranh, chống tầng lớp quyền lực.
Cuộc trò chuyện này không phải là trường hợp duy nhất tôi gặp. Ở cả hai bờ Đại Tây Dương và trong cả hai phe chính trị, tôi nhận thấy một sự thay đổi rõ rệt trong cách mọi người nói về Trump khi cuộc bầu cử đến gần. Kể từ năm 2020, dường như có một “sự thay đổi không khí” trong quan điểm về ông.
Mặc dù dựa vào các cuộc trò chuyện cá nhân để đánh giá bối cảnh chính trị là điều chủ quan, đôi khi những trải nghiệm như vậy lại mang đến cảm giác về tâm lý chung mà không dữ liệu hay phân tích nào nắm bắt được.
Chẳng hạn, vào tháng 3 năm 2016, khi ngồi trong một tiệm bánh ở Brooklyn, tôi trò chuyện với ba người dân địa phương. Khi được hỏi họ sẽ bầu cho ai, dù không ai trong số họ ưa Trump, tất cả đều nói sẽ bỏ phiếu cho ông hoặc không đi bầu vì không thể chấp nhận Hillary Clinton.
Trong những tuần gần đây, rất nhiều phân tích về lý do đảng Dân chủ thất bại trong cuộc bầu cử năm 2024 đã xuất hiện. Một số cho rằng lỗi thuộc về Joe Biden vì không rút lui kịp thời, lỗi ở truyền thông vì che đậy sự suy yếu của ông, lỗi ở đảng Dân chủ vì xa rời cử tri, hoặc lỗi ở Kamala Harris khi chọn Tim Walz thay vì Josh Shapiro làm người đồng hành tranh cử. Một số ý kiến khác cho rằng đây là xu hướng toàn cầu khi cử tri muốn thay đổi chính quyền đương nhiệm, hoặc đơn giản là do vấn đề lạm phát giá cả.
Mặc dù những lý do này đều hợp lý, chúng không thể giải thích toàn bộ bức tranh. Một sự thật khó chịu nhưng cần được thừa nhận: Đảng Dân chủ không thực sự thua cuộc trong cuộc bầu cử năm 2024 mà chính Trump đã giành chiến thắng.
Trong cuộc bầu cử năm 2016, cử tri đứng trước lựa chọn giữa hai ứng viên không được yêu thích. Theo Gallup, tỷ lệ không ưa Trump đạt mức cao kỷ lục 61%, còn Clinton là 52%. Đến năm 2020, tỷ lệ này giảm nhẹ: Trump 57%, Biden 50%. Nhưng đến năm 2024, tỷ lệ không ưa Trump giảm xuống chỉ còn 48%, thấp hơn Harris (50%). Đáng chú ý, tỷ lệ ủng hộ Trump tăng từ 36% năm 2016 lên 50% trong năm nay.
Mức độ nhiệt tình của cử tri dành cho Trump cũng thay đổi đáng kể. Khảo sát của YouGov hai tuần trước bầu cử cho thấy 76% cử tri Cộng hòa cảm thấy “hào hứng” nếu Trump chiến thắng, so với 66% cử tri Dân chủ đối với Harris. Con số này cao hơn nhiều so với mức 45% vào năm 2016 và 67% vào năm 2020.
Các cuộc bầu cử năm 2016 và 2020 phần lớn được định hình bởi tâm lý chống đối: Cử tri bỏ phiếu để ngăn chặn một ứng viên không mong muốn. Tuy nhiên, trong năm 2024, chiến lược này không còn hiệu quả.
Cử tri không bước vào phòng phiếu với tâm lý miễn cưỡng. Họ đến đó với quyết định rõ ràng. Đây là một sự ủng hộ tích cực dành cho Trump. Như một người Dân chủ đã thốt lên đầy thất vọng: “Lần trước ông ấy thắng, chẳng ai biết điều gì sẽ xảy ra. Lần này thì khác. Rõ ràng là mọi người thực sự muốn điều này.”
Financial Times