Chính sách của Biden đối với Trung Quốc hóa ra cũng... giống Trump!

Chính sách của Biden đối với Trung Quốc hóa ra cũng... giống Trump!

Hữu Thăng

Hữu Thăng

FX Strategist

11:52 19/09/2020

Ngay cả khi có sự thay đổi chính quyền vào tháng 1, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục đối mặt với căng thẳng từ Mỹ.

Cho dù ai thắng cuộc bầu cử tổng thống, có một điều rõ ràng rằng: Mỹ đã rẽ sang một trang mới trong quan hệ với Trung Quốc và có khả năng duy trì đường lối cứng rắn hơn.

Trong 4 năm qua, Tổng thống Trump, một người không ủng hộ tự do thương mại, đã phá vỡ chính sách thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai gã khổng lồ, thứ đã tồn tại trong hàng thập kỷ. Với việc xem Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh tiềm tàng và thường không đáng tin cậy, chính quyền của ông đã áp thuế đối với hai phần ba hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc, nhằm hạn chế sự đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ và gây áp lực buộc các đồng minh phải xa lánh công nghệ của Trung Quốc.

Cố vấn của ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden nói rằng họ có cùng quan điểm với chính quyền Trump rằng Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh khá khó chịu. Điều này cho thấy ngay cả khi có sự thay đổi về chính quyền vào tháng 1 năm sau, mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ sẽ vẫn ở mức cao.

Căng thẳng tiếp tục leo thang giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tạo ra những thay đổi lớn đối với các doanh nghiệp toàn cầu khi họ phải xem xét lại chuỗi cung ứng và hệ thống công nghệ trong một thế giới ngày càng chia rẽ. Điều đó cũng sẽ thúc đẩy các đồng minh lựa chọn giữa hai phe.

Kurt Campbell, quan chức hàng đầu về châu Á trong Bộ Ngoại giao Mỹ thời ông Obama, hiện là cố vấn cấp cao cho chiến dịch tranh cử của ông Biden, cho biết: “Tôi nghĩ rằng có sự đồng thuận rộng rãi trong Đảng Dân chủ rằng Trump về cơ bản đã chính xác trong việc nhận định các hoạt động "ăn cắp" của Trung Quốc.

Biểu đồ Tỷ lệ thương mại với Mỹ của các quốc gia

Các trợ lý của ông Biden cho biết họ sẽ mở rộng chiến dịch do chính phủ Mỹ hậu thuẫn để cạnh tranh trong các lĩnh vực chiến lược công nghệ cao như trí tuệ nhân tạo, điện toán lượng tử và tiêu chuẩn không dây 5G thế hệ tiếp theo. Những chính sách này nhằm hạn chế sức mạnh và ảnh hưởng kinh tế của Trung Quốc, đồng thời giảm sự phụ thuộc lẫn nhau giữa 2 nước.

Thuế quan của ông Trump đối với Trung Quốc cũng vẫn có thể tồn tại dưới thời Tổng thống Biden. Trong khi ông Biden chỉ trích cuộc chiến thương mại của Trump là "gậy ông đập lưng ông", chiến dịch của ông lại từ chối cam kết loại bỏ các khoản thuế, chỉ nói rằng chúng sẽ được đánh giá lại. Các thành viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội nói rằng họ sẽ gây áp lực buộc ông phải giữ nguyên một số mức thuế để bảo vệ người lao động Mỹ.

Biểu đồ Tỷ lệ thương mại của Mỹ và Trung Quốc so với toàn cầu

Nhưng hai ứng cử viên đang gửi những tín hiệu khác nhau về chiến thuật và thông điệp. Các cố vấn của ông Biden bác bỏ luận điệu của một số người ủng hộ Trump về một cuộc chiến tranh lạnh mới giống như sự bế tắc giữa Hoa Kỳ và Liên Xô trong quá khứ là không thực tế. Họ lưu ý rằng có hơn 500 tỷ USD hàng hóa vượt qua Thái Bình Dương giữa hai nước vào năm ngoái, ngay cả khi có chiến tranh thương mại. Ví dụ điển hinh là Apple khi công ty này vẫn phụ thuộc nhiều vào các nhà sản xuất Trung Quốc với phần cứng của iPhone.

Ông Biden lắng nghe phát biểu của ông Tập Cận Bình trong cuộc gặp tại Los Angeles hồi 2012

Họ cũng chỉ trích cách mà Tổng thống Trump đối đầu với Trung Quốc. Ông Campbell nói: “Chiến lược đàm phán và cạnh tranh với Trung Quốc của ông Trump chỉ là một mớ hỗn độn khi được áp dụng vào thực tế."

Những người ủng hộ ông Trump lập luận rằng ông Biden từ lâu đã khuyến khích sự trỗi dậy của Trung Quốc, bao gồm cả việc thúc đẩy hệ thống thương mại tự do toàn cầu mà nhiều người Mỹ hiện đang cho rằng tổn hại đến việc làm tại các nhà máy ở Mỹ. Năm 2000, với tư cách là một trong những nhà lập pháp có ảnh hưởng nhất đến chính sách quốc tế, ông Biden đã sử dụng uy tín của mình để ủng hộ thỏa thuận của Bill Clinton để Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

“Donald Trump đã không sợ hãi trong việc… dọn dẹp mớ hỗn độn do các chính trị gia như Biden gây ra,” Hạ nghị sĩ bang Michigan của Đảng Cộng hòa, Jack Bergman cho biết trong chiến dịch tranh cử của ông Trump hôm thứ Tư khi cuộc tranh luận về Trung Quốc leo thang. Ông cho rằng ông Biden có màn hùng biện mới, nhưng tư duy thì vẫn như cũ.

Chính sách đối với Trung Quốc cởi mở hơn cũng sẽ thể hiện một sự thay đổi đáng chú ý đối với ông Biden và các cố vấn chính sách đối ngoại của ông. Hầu hết trong số họ phục vụ trong chính quyền Obama, chính quyền mà một số người cho rằng đã quá mềm mỏng đối với Trung Quốc và quá chậm chạp trong việc nhận ra chủ nghĩa dân tộc và chủ nghĩa độc tài của Chủ tịch Tập Cận Bình.

Ông Biden nói rằng ông sẽ làm việc chặt chẽ hơn so với ông Trump trong việc phối hợp cùng các đồng minh trong một chiến dịch toàn cầu để gây sức ép với Bắc Kinh. Ông nói rằng nỗ lực của ông Trump sẽ hiệu quả hơn nhiều nếu ông làm việc với các quốc gia khác, thay vì đồng thời tham gia vào các cuộc chiến thương mại với châu Âu, Canada, Mexico, Hàn Quốc và Nhật Bản.

Gần đây, ông Biden cho biết: “Chúng tôi chiếm tới 25% nền kinh tế thế giới nhưng chúng tôi lại gây khó chịu cho các đồng minh." "Trung Quốc sẽ đáp trả khi chúng tôi gây hấn với phần còn lại của thế giới."

Biểu đồ FDI giữa 2 nước (Đỏ: Trung Quốc đầu tư vào Mỹ, Xám: Mỹ đầu tư vào Trung Quốc)

Ông Biden cũng nói rằng ông sẽ nhấn mạnh hơn Donald Trump vào việc hợp tác với Trung Quốc trong những thách thức toàn cầu mà ông coi là quan trọng đối với lợi ích của Mỹ tương đương việc đối đầu với Bắc Kinh.

Trong khi ông Trump đang cố gắng cô lập Trung Quốc với lý do đại dịch cùng Tổ chức Y tế Thế giới bởi mối quan hệ với Trung Quốc, ông Biden có thể sẽ có một cách tiếp cận "toàn cầu" hơn để ngăn chặn virus. Khi ông Trump không mấy lo ngại về biến đổi khí hậu, ông Biden gọi đó là “một mối đe dọa hiện hữu”. Ông Biden không thể giải quyết chương trình nghị sự về khí hậu của mình nếu không có sự trợ giúp từ Trung Quốc, quốc gia thải khí CO2 nhiều nhất thế giới.

Điều đó có thể làm phức tạp bất kỳ nỗ lực nào nhằm thực thi chính sách cứng rắn hơn chống lại Bắc Kinh. “Có nên giảm cạnh tranh nếu có triển vọng hợp tác không? Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc liên kết được cả hai?” Thomas Wright, một thành viên chính sách đối ngoại tại Viện Brookings đưa ra câu hỏi.

Hướng tiếp cận ngoại giao đối lập nhau của các ứng cử viên phản ánh sự xung đột trong triết lý điều hành của họ.

Ông Biden đã dành phần lớn thời gian trong 4 thập kỷ của mình trong chính phủ để làm việc với các nhà lãnh đạo thế giới để giúp hình thành trật tự thế giới thời hiện đại do Mỹ lãnh đạo. Sự gia nhập chính trường muộn của ông Trump được thể hiện qua việc ông phản đối trật tự thế giới đó. Doanld Trump đôi khi đặt câu hỏi về giá trị của các mối quan hệ quân sự và thương mại lâu năm với Nhật Bản và Hàn Quốc, hai đồng minh của Mỹ nằm gần Trung Quốc.

Trong hơn bốn thập kỷ, các tổng thống thuộc cả 2 đảng, cùng với các giám đốc điều hành của các tập đoàn đa quốc gia, đã tìm cách khuyến khích sự hội nhập của Trung Quốc với Hoa Kỳ và thế giới. Họ lập luận rằng điều đó sẽ có lợi cho Hoa Kỳ và sẽ dẫn đến sự cởi mở hơn khi Bắc Kinh tuân theo các quy tắc toàn cầu.

Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình rời khỏi sự kiện tại Bắc Kinh năm 2017 / Nguồn: WSJ

Tổng thống Obama bắt đầu nhiệm kỳ của mình với việc tìm kiếm mối quan hệ chặt chẽ hơn với Bắc Kinh và yêu cầu phó tổng thống phát triển mối quan hệ với ông Tập. Joe Biden tự hào đã dành nhiều thời gian với Chủ tịch Tập Cận Bình hơn bất cứ quan chức đối ngoại khác của Mỹ, cho rằng cả hai đã có 25 giờ ăn riêng và 24.000 dặm đi lại cùng với nhau.

“Chính vì lợi ích của chúng tôi mà mong muốn Trung Quốc tiếp tục thịnh vượng,” ông Biden nói trong chuyến thăm năm 2011 đến đất nước này, một câu nói thường được trích dẫn bởi chiến dịch tranh cử của ông Trump. Những người ủng hộ ông Biden cho rằng ông Trump đã đưa ra những bình luận tương tự khi còn là tổng thống.

Quan điểm ban đầu của chính quyền Obama - Biden về Trung Quốc dựa trên giả định rằng ông Tập sẽ tiếp tục các chính sách tự do hóa thị trường của những người tiền nhiệm. Các quan chức cho biết, khi nhà lãnh đạo Trung Quốc tập trung quyền lực và đảo ngược nhiều chính sách, quan điểm của họ về Trung Quốc đã thay đổi.

Trợ lý của ông Biden nói rằng ông đã tận mắt chứng kiến ông Tập và các nhà lãnh đạo Trung Quốc khác trở nên chuyên quyền hơn. Trong một cuộc họp năm 2013, các trợ lý cho biết, ông nói với ông Tập rằng Hoa Kỳ sẽ phớt lờ nỗ lực của Bắc Kinh trong việc mở rộng vùng nhận dạng phòng không và sẽ hỗ trợ các đồng minh làm điều tương tự. Một số nhà phê bình vào thời điểm đó nói rằng ông Biden lẽ ra phải công khai yêu cầu Trung Quốc xoá bỏ vùng này, điều mà ông đã không làm trong chuyến đi đó.

Gần cuối nhiệm kỳ của ông Obama, Hoa Kỳ bắt đầu trấn áp hành vi trộm cắp trên mạng, thách thức các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc ở Biển Đông và thắt chặt giám sát đầu tư của Trung Quốc vào công nghệ của Mỹ. Ông Biden đã đi đầu trong việc chỉ trích các hoạt động thương mại của Trung Quốc - mặc dù các hành động của chính quyền chủ yếu là gửi đơn khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới tại Geneva.

Tổng thống Trump đã đẩy nhanh những bước đi chống lại Trung Quốc. Ông cho rằng WTO quá chậm chạp và yếu kém, đồng thời phát động cuộc chiến thương mại khi áp thuế lên 370 tỷ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc. Donald Trump  đã cấm các công ty công nghệ Trung Quốc bao gồm Huawei Technologies Co. và ByteDance Ltd.’s TikTok.

Cửa hàng quản lý trực tiếp đầu tiên của Huawei tại Thâm Quyến

Chiến dịch gây áp lực được mở rộng hơn trong đại dịch Covid-19 khi ông Trump đổ lỗi cho Trung Quốc vì gây ra dịch bệnh. Mỹ đã đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston vì cáo buộc gián điệp kinh tế, tăng cường tập trận quân sự ở Biển Đông và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với các quan chức cấp cao của Trung Quốc.

Trong 6 tháng kể từ khi ông Biden gần như chắc chắn giành được sự đề cử của đảng Dân chủ, người đương nhiệm và người thách thức đã "ăn miếng trả miếng" nhau về vấn đề Trung Quốc. Mỗi chiến dịch vận động có các video quảng cáo có cảnh quay cuộc họp của ứng cử viên còn lại với ông Tập. “Biden ủng hộ Trung Quốc,” quảng cáo của ông Trump nhắc đến. "Trump đã lăn xả vì Trung Quốc," là lời phản pháo đến từ phía ông Biden.

Sự đồng thuận mới của Washington không còn coi Trung Quốc là nước học theo hệ thống kinh tế và chính trị của phương Tây, mà là một đối thủ độc tài. Sự thù địch không chỉ ở thương mại, mà còn bắt nguồn từ cuộc đàn áp ở Hồng Kông và đàn áp người Hồi giáo Uighur.

Richard Haass, một quan chức Bộ Ngoại giao trong chính quyền Tổng thống George W. Bush, hiện là chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, cho biết: “Bất kể ai giành chiến thắng, chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ trở nên cứng rắn hơn trong 5 năm tới so với 5 năm qua"."Trung Quốc đã thay đổi; quan điểm của Mỹ về Trung Quốc cũng vậy."

Các nhà lập pháp đã đưa ra hơn 200 dự luật đề cập đến Trung Quốc trong kỳ họp quốc hội hiện tại, gấp đôi con số trước đó. Trong một cuộc thăm dò của Trung tâm Nghiên cứu Pew vào mùa hè, 73% người Mỹ cho biết họ có quan điểm tiêu cực về Trung Quốc, chỉ 22% là có quan điểm tích cực. Trong khi đó vào năm 2011, 51% có quan điểm tích cực, 36% có quan điểm tiêu cực.

Phần trăm số người trả lời trong khảo sát có góc nhìn tiêu cực về Trung Quốc

“Người dân Trung Quốc… cảm thấy rất thất vọng về thái độ của Mỹ đối với Trung Quốc, công chúng Trung Quốc ngày càng tức giận”, Cui Tiankai, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, phát biểu tại Diễn đàn An ninh Aspen thường niên vào tháng trước. Ông nói rằng các nhà lãnh đạo cần phải "không cho phép những tính toán sai lầm hoặc những nhận thức sai lầm làm ảnh hưởng xấu tới các mối quan hệ."

Một lời chỉ trích của Joe Biden đối với chính sách đối với Trung Quốc của Donald Trump là nó đã gây thiệt hại kinh tế cho Hoa Kỳ mà không khiến nền kinh tế Trung Quốc phải chuyển biến nhiều như ông Trump yêu cầu. Tác động đến Mỹ bao gồm sự sụt giảm xuất khẩu nông sản, chi phí cao hơn và gián đoạn nguồn cung đối với các công ty Hoa Kỳ phụ thuộc vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc.

Một nghiên cứu của Moody’s Analytics vào cuối năm ngoái ước tính cuộc chiến thương mại với Trung Quốc khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại khoảng 300,000 việc làm và giảm 0.3% GDP của Mỹ.

Các quan chức chính quyền tổng thống Trump cho rằng phần lớn doanh thu bị mất cuối cùng sẽ được tạo ra từ các cam kết mua hàng của Trung Quốc được đưa ra trong một thỏa thuận thương mại vào tháng 1.

Tổng thống Obama hội đàm với Chủ tịch Tập Cận Bình tại Hội nghị An ninh Hạt nhân 2016

Cố vấn của ông Biden coi điều quan trọng trong chính sách đối với Trung Quốc, không kém việc kiềm chế sức mạnh của Trung Quốc, là tái thiết nền kinh tế Mỹ. Ely Ratner, một Cố vấn An ninh quốc gia cho ông Biden trong chính quyền Obama hiện đang làm việc tại Trung tâm An ninh mới của Mỹ bình luận: “Cuộc tranh luận nên chuyển sang: Ai sẽ làm cho nước Mỹ có sức cạnh tranh hơn so với Trung Quốc”.

Các nhà hoạch định chính sách của Mỹ từ lâu đã cố gắng thuyết phục Bắc Kinh tiến tới chủ nghĩa tư bản kiểu Mỹ. Nếu thắng cử, các kế hoạch thúc đẩy tăng trưởng của ông Biden sẽ bao gồm sự can thiệp của chính phủ giống như Trung Quốc. Joe Biden có một đề xuất đầy tham vọng là "Mua hàng Mỹ", điều sẽ giúp các công ty Mỹ nhận được nhiều quỹ liên bang hơn.

Ông Biden nói rằng chính sách đối với Trung Quốc của ông sẽ tập trung nhiều vào việc thúc đẩy dân chủ và nhân quyền. Ông cho rằng điều này cho phép Hoa Kỳ cạnh tranh với Bắc Kinh trên toàn cầu về các giá trị chứ không chỉ về thương mại, một khuôn khổ chính sách đối ngoại truyền thống của Mỹ mà ông Trump đã hạ thấp tầm quan trọng.

Điều đó cũng sẽ bật mí các chính sách về công nghệ của ông Biden. Antony Blinken, cố vấn chính sách đối ngoại cấp cao của chiến dịch cho biết: “Như những gì phó tổng thống nhìn nhận, trên thế giới có sự phân chia giữa các nền công nghệ dân chủ và các nền công nghệ chuyên chế”. Các nền dân chủ coi công nghệ là công cụ để thúc đẩy tự do hoá, trong khi ở các chế độ chuyên chế, công nghệ được bán cho các nhà độc tài làm công cụ giám sát và tăng cường kiểm duyệt.

Ông Biden sẽ phải hàn gắn sự chia rẽ giữa các thành viên Đảng Dân chủ về cách đối đầu với Trung Quốc. Một vấn đề còn tranh cãi trong nội bộ là về quân sự. Một bên muốn cắt giảm ngân sách của Lầu Năm Góc và bên kia hy vọng hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho các đồng minh tại châu Á.

Một vấn đề khác là về thương mại. Nhiều thành viên Đảng Dân chủ phản đối các hiệp định thương mại tự do mới. Những người khác lại cho rằng những hiệp ước đó là rất quan trọng để củng cố các liên minh chống lại Trung Quốc.

Vào cuối nhiệm kỳ của mình, ông Obama đã đàm phán Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP gồm 12 quốc gia với mục tiêu đó. Vào thời điểm đó, ông Biden ủng hộ quyết định này. Ông Trump đã chống lại TPP trong chiến dịch năm 2016 của mình và rút Mỹ ra khỏi hiệp định. Giờ đây, chiến dịch tranh cử của ông Biden cho biết việc gia nhập lại hiệp định không phải là ưu tiên hàng đầu.

Phó Tổng thống Biden trong chuyến thăm Trung Quốc hồi năm 2011 / Nguồn: WSJ

Broker listing

Cùng chuyên mục

Trump 2.0: Điều gì đang chờ đợi Đông Nam Á?
Thái Linh

Thái Linh

Junior Editor

Trump 2.0: Điều gì đang chờ đợi Đông Nam Á?

Đông Nam Á có thể sẽ không phải là ưu tiên trong chương trình nghị sự đối ngoại của ông Trump, nhưng khu vực này cần phải có chiến lược đối phó với các lập trường về thương mại và an ninh của Tổng thống đắc cử, cũng như cách tiếp cận mang tính giao dịch của ông.
Nhịp đập kinh tế Trung Quốc: Con đường phục hồi chông gai và những thách thức còn bỏ ngỏ
Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

Nhịp đập kinh tế Trung Quốc: Con đường phục hồi chông gai và những thách thức còn bỏ ngỏ

Báo cáo kinh tế vĩ mô tháng 10 của Trung Quốc cho thấy bức tranh tương đối phức tạp. Điểm sáng đến từ tăng trưởng doanh số bán lẻ vượt kỳ vọng, trong khi đó sản xuất công nghiệp và đầu tư bất động sản lại có dấu hiệu chậm lại. Đáng chú ý, tốc độ tăng trưởng đầu tư tài sản cố định (tính từ đầu năm) duy trì ổn định so với tháng trước.
Kinh tế Châu Âu tăng trưởng chậm lại, ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất
Thái Linh

Thái Linh

Junior Editor

Kinh tế Châu Âu tăng trưởng chậm lại, ECB tiếp tục cắt giảm lãi suất

Chỉ số PMI, một chỉ báo kinh tế quan trọng của khu vực eurozone, đang tiến gần ngưỡng suy thoái trong tháng thứ hai liên tiếp. Do đó, chúng tôi đã hạ dự báo tăng trưởng cho nửa cuối mùa đông. Thêm vào đó, do lạm phát có khả năng giảm nhờ giá năng lượng thấp hơn, chúng tôi dự kiến ECB sẽ có thêm 5 đợt cắt giảm lãi suất (lãi suất tiền gửi giữa năm 2025: 2.0%). Trong khi đó, kinh tế Mỹ vẫn duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ.
Donald Trump là tâm điểm trong Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC tuần qua
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Donald Trump là tâm điểm trong Hội nghị Thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC tuần qua

Donald Trump đang ở cách đó 4,345 km tại Palm Beach, Florida, nhưng sự trở lại của ông vào Nhà Trắng và các chính sách mà chính quyền của ông sẽ thực hiện đã lan tỏa khắp Hội nghị thượng đỉnh Doanh nghiệp APEC, nơi quy tụ một số tên tuổi lớn nhất trong giới chính trị và kinh doanh.
Làn sóng “Trump Trade” liệu có thể tiếp tục kéo dài?
Kiều Hồng Minh

Kiều Hồng Minh

Junior Analyst

Làn sóng “Trump Trade” liệu có thể tiếp tục kéo dài?

"Trump Trade" được dự đoán sẽ tiếp tục chi phối thị trường, với các chính sách trong nhiệm kỳ tới dự kiến sẽ gây ra nhiều tranh cãi về thuế quan và luật pháp, gây ra nhiều biến động trên thị trường toàn cầu. Sự biến động có thể trở nên ngày càng mạnh mẽ hơn khi Trump tìm cách phá vỡ các chuẩn mực trong vấn đề thương mại tự do và thậm chí là sự độc lập của Cục Dự trữ Liên bang (Fed).
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ