Chương trình Chip Act đang thành công hơn dự kiến. Quan điểm chuyên sâu từ tác giả cuốn "Chip War".
Tuấn Hưng
Junior Analyst
Chip và chất bán dẫn đang được chú ý hơn bao giờ hết trong bối cảnh kỉnh tế hiện này. Hoa Kỳ đã chi hơn một nửa khoản tiền hỗ trợ mở rộng sản xuất chip theo chương trình Chip Act để trở nên linh hoạt hơn với các cú sốc nguồn cung. Quan điểm chuyên sâu từ tác giả cuốn "Chip War".
Với các khoản tài trợ trị giá hàng tỷ USD gần đây cho Intel, TSMC, Samsung và Micron, chính phủ Hoa Kỳ hiện đã chi hơn một nửa khoản tiền 39 tỷ USD đầu tư cho việc sản xuất chip theo chương trình Chip Acts. Và điều này đã tạo ra một cơn sốt đầu tư vào ngành công nghiệp này. Theo tính toán của Hiệp hội Công nghiệp Chất bán dẫn, các công ty chip và đối tác đã công bố về các khoản đầu tư với tổng trị giá 327 tỷ USD trong vòng 10 năm tới. Số liệu thống kê của Hoa Kỳ cho thấy mức tăng gấp 15 lần trong việc xây dựng các cơ sở sản xuất máy tính và thiết bị điện tử. Cuộc tranh luận về Chương trình Chips Act đã tập trung vào các vấn đề chậm trễ và khó khăn trong sản xuất, nhưng quy mô lớn của các khoản đầu tư đã làm thay đổi cục diện.
Trong thời kỳ đại dịch, sự khan hiếm chip đã chỉ ra rằng ngay cả sự thiếu hụt nhỏ của các loại chip cơ bản chí có thể gây ra tổn thất kinh tế lên đến hàng trăm tỷ đô la. Chính sách Chips Act sau đó đã nhằm mục đích khuyến khích xây dựng các nhà máy sản xuất chip mới tại Mỹ. Điều này sẽ giảm sự phụ thuộc vào một số lượng nhỏ các nhà cung cấp ở Đông Á với việc gần như tất cả các bộ xử lý tiên tiến đều đang được sản xuất tại Đài Loan.
Sự bùng nổ đầu tư đã giúp cải thiện những yếu điểm này. Samsung, TSMC và Intel - những nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới - hiện đang xây dựng các nhà máy mới quy mô lớn tại Mỹ. Intel sẽ sản xuất các chip tiên tiến nhất của mình tại đó, trong khi TSMC sẽ giới thiệu quy trình 2 nanomet tiên tiến của mình tại Arizona khoảng hai năm sau khi đưa nó vào hoạt động tại Đài Loan. Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo nhấn mạnh rằng đến năm 2030, Mỹ có thể sản xuất khoảng 20% số chip tiên tiến nhất của thế giới, mức tăng rất mạnh từ con số không của hiện tại.
Điều này vẫn không đồng nghĩa với việc hoàn toàn tự cung tự cấp vì Mỹ tiêu thụ hơn một phần tư tổng sản lượng chip trên thế giới. Sản xuất điện thoại thông minh và các sản phẩm điện tử tiêu dùng sẽ bị gián đoạn trong trường hợp khẩn cấp ở Đông Á, một nỗi lo luôn rình rập. Nhưng sản lượng này sẽ đủ cho nhu cầu cơ bản của các cơ sở hạ tầng quan trọng như trung tâm dữ liệu và viễn thông. Tất nhiên là chip không thể thay thế được một cách hoàn hảo và không phải nhà máy nào cũng có thể dễ dàng sản xuất mọi loại chip, nhưng điều này sẽ giúp Mỹ sẽ có nhiều phạm vi hơn để quản lý các cú sốc.
Như những gì đã được xảy ra trong thời kỳ thiếu hụt do đại dịch, không chỉ có các chip tiên tiến mà các chip cơ bản đều có ý nghĩa kinh tế. Các nhà sản xuất ô tô, tên lửa hoặc thiết bị y tế đều cần số lượng lớn các loại chip cơ bản. Chương trình Chips Act cũng đang cung cấp nhiều nguồn cung mới. Ford và GM đã công bố các hợp đồng cung ứng dài hạn lớn với nhà sản xuất chip Mỹ GlobalFoundries, vốn đang được mở rộng sản xuất với 1.5 tỷ đô la từ các quỹ của Chips Act. Microchip, một nhà sản xuất chip vi mạch điều khiển phổ biến ở Arizona, cũng nhận được một khoản tài trợ để mở rộng sản xuất. Texas Instruments đang xây dựng một chuỗi các nhà máy sản xuất chip cơ bản mới ở Texas và Utah, được hỗ trợ bởi các khoản khấu trừ thuế đầu tư hào phóng. Ít nhất là một số trong số các khoản đầu tư này không thể xảy ra nếu không có Chips Act.
Sản xuất ở các quốc gia đồng minh cũng đang giúp ích. Nhật Bản và châu Âu đang đầu tư vào khả năng sản xuất chip cơ bản. Microchip và Analog Devices, một nhà sản xuất chip Mỹ khác, đã công bố kế hoạch chuyển một số sản xuất từ TSMC tại Đài Loan sang nhà máy mới của công ty tại Nhật Bản, tăng sự linh hoạt chống lại các rủi ro từ Trung Quốc.
Có những lo ngại rằng tất cả các kích thích này sẽ tạo ra một cuộc chạy đua trợ cấp, nhưng điều này đã bắt đầu trước cả Chương trình Chips Act. Một nghiên cứu của OECD năm 2019 cho thấy rằng trong giai đoạn từ 2014 đến 2018, ít nhất hai công ty Mỹ nhận được nhiều tiền từ một chính phủ nước ngoài hơn là từ Mỹ. Đó là một phần lý do tại sao sản xuất chip đã di cư đến các địa điểm được trợ cấp cao. Bây giờ Chips Act và các kích thích tương tự tại Nhật Bản và châu Âu đang thu hút các khoản đầu tư trở lại.
Liệu tất cả các nhà máy được hứa hẹn này có được xây dựng? Nhiều trong số chúng đã được xây dựng. Quy mô của việc xây dựng nhà máy sản xuất chip ở Mỹ hiện đang khiến các nhà thầu gặp khó khăn trong việc tìm người lao động có kỹ năng đặc biệt. TSMC dự định sản xuất chip số lượng lớn tại nhà máy đầu tiên ở Arizona vào đầu năm sau. Nếu thị trường chip suy yếu, một số nhà máy có thể bị hoãn lại, nhưng việc giải ngân các khoản tài trợ sẽ gắn liền với tiến độ đưa nhà máy hoạt động.
Vẫn còn một rủi ro nếu công suất quá lớn của những nhà máy mới này khiến chúng không thể tìm được khách hàng. Tuy nhiên, nhiều nhà điều hành công nghệ như Sam Altman của OpenAI lo ngại hơn về sự thiếu hụt chip trí tuệ nhân tạo hơn là việc dư thừa. TSMC cho biết nhà máy ở Arizona của họ sẽ hợp tác với Apple, Nvidia, Qualcomm và AMD - bốn trong số những khách hàng lớn nhất của nó. Intel gần đây đã công bố một thỏa thuận để sản xuất chip trí tuệ nhân tạo cho Microsoft.
Các nhà đầu tư cổ phiếu sẽ tranh luận xem những khoản đầu tư mới này có thể mang lại lợi nhuận tài chính đủ tốt hay không. Các nhà hoạch định chính sách nhìn vào Chương trình Chips Act như là một chính sách bảo hiểm có chi trả cổ tức chống lại các cú sốc địa chính trị.
Financial Times