Có nên lo lắng khi các đồng tiền bị chi phối bởi thị trường chứng khoán?
Hữu Thăng
FX Strategist
Các chuyên gia cho rằng tỷ giá hối đoái đang bị tách rời khỏi những yếu tố chi phối thông thường
Các chuyên gia tiền tệ đang than thở về một lượng tiền khổng lồ đến từ Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ mà theo họ, đã tạo ra những kịch bản kỳ lạ trong đó tỷ giá neo theo thị trường chứng khoán thay vì các yếu tố kinh tế cơ bản.
Trong hàng thập kỷ, các chiến lược gia đã phân tích tỷ giá hối đoái dựa trên cơ sở triển vọng tăng trưởng kinh tế và lãi suất ở các quốc gia liên quan. Hiểu đơn giản là, triển vọng càng hấp dẫn, đồng tiền đó càng tăng giá trị.
Nhưng các mối liên hệ đó đã bị phá vỡ kể từ khi thị trường rơi vào khủng hoảng trong tháng Ba, các chuyên gia cho biết. Bất chấp việc kinh tế toàn cầu đang dần tiến tới một trong những cuộc suy thoái tồi tệ nhất trong lịch sử, các đồng tiền mà vốn "nhạy" nhất với tăng trưởng kinh tế lại trở thành những đồng tăng giá mạnh nhất so với đồng dollar Mỹ.
Tiêu biểu như đồng dollar Úc, đồng tiền này thường suy yếu khi nhu cầu tiêu dùng trên thế giới giảm, đã tăng khoảng 18% so với đồng dollar Mỹ - mặc cho COVID-19 làm gián đoạn đối với các hoạt động thương mại toàn cầu và khiến nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu như Úc lao đao. Trong khi đó, đồng Sterling đã tăng khoảng 9% mặc dù tiến trình đàm phán Brexit đầy trắc trở cộng thêm tình trạng thất nghiệp ở Anh và sự suy giảm về sản lượng đầu ra của nền kinh tế. Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) dự báo nền kinh tế Vương quốc Anh sẽ thu hẹp nhiều nhất trong số các quốc gia phát triển.
Ben Randol, một chiến lược gia tiền tệ tại Bank of America, cho biết các chỉ báo kinh tế cơ bản không ảnh hưởng lớn đến các đồng tiền kể từ khi Fed tung ra một loạt các gói kích thích để can thiệp vào nền kinh tế trong tháng 3. Thay vào đó, thị trường chứng khoán Mỹ đã trở thành yếu tố ảnh hưởng đáng kể đến giá trị của đồng USD: đồng tiền này suy yếu khi thị trường chứng khoán tăng vọt.
"Tình trạng này đã đi ngược lại cách thức hoạt động thường thấy của thị trường forex", ông Randol nói.
"Giao dịch forex giờ phụ thuộc vào hy vọng về mỗi chính sách mà Fed đưa ra", ông nói thêm, ám chỉ kỳ vọng rằng các Ngân hàng Trung ương sẽ luôn sẵn sàng áp dụng các biện pháp để xoa dịu cú sốc đối với giá tài sản. "Các yếu tố vĩ mô và các điều khoản thương mại không thực sự ảnh hưởng nhiều."
Theo những phân tích từ ngân hàng này, mối tương quan giữa giá cổ phiếu và các đồng tiền chính đang ở mức cao nhất trong 15 năm qua, biến các cặp tiền trở thành sự phản ánh "trắng trợn" của thị trường chứng khoán Mỹ.
Dominic Bunning, một chuyên gia tiền tệ tại Ngân hàng HSBC, đồng ý rằng mối quan hệ giữa 2 đối tượng trên đã tương đồng một cách bất thường kể từ tháng 3, có nghĩa là khi chỉ số S&P500 giảm điểm, đồng USD tăng giá mạnh và ngược lại khi chỉ số S&P 500 phục hồi, đồng dollar mất giá.
Các nhà phân tích nói rằng rất hiếm khi chứng khoán và tiền tệ "đồng hành" cùng với nhau trong một thời gian dài như thời gian trở lại đây. Ông Randol cho biết lần cuối cùng giá cổ phiếu ảnh hưởng mạnh tới tỷ giá hối đoái là trong khoảng hai tuần vào tháng 8 năm 2014, và trước đó là vào tháng 9 năm 2009, khi đồng dollar suy yếu và thị trường chứng khoán hồi phục. Nhưng tại thời điểm đó nền kinh tế toàn cầu đã có dấu hiệu phục hồi từ cuộc khủng hoảng tài chính, trong khi lần này những dữ liệu kinh tế vẫn đang tiếp tục xấu đi.
Các chiến lược gia cho rằng nguyên nhân đến từ những động thái quyết liệt của các ngân hàng trung ương và chính phủ nhằm giảm thiểu những tác động tồi tệ nhất của đại dịch. Kể từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng Covid-19, lãi suất ở các nền kinh tế lớn đã giảm xuống gần bằng 0, làm mất đi một thước đo quan trọng để định giá các đồng tiền. Đồng thời, chính phủ các quốc gia trên thế giới đã thực hiện các chính sách phong toả, tạo ra sự mông lung về xu hướng của nền kinh tế toàn cầu, buộc các nhà phân tích phải loại bỏ các dự báo trước đây của họ.
Trong lúc thị trường biến động mạnh nhất và các nhà phân tích thiếu rất nhiều những yếu tố thường gặp, các chương trình mua trái phiếu khổng lồ của ngân hàng trung ương đã mang đến cho các nhà đầu tư một yếu tố để theo dõi. Ugo Lancioni, Trưởng Bộ phận Tiền tệ thế giới tại Tập đoàn Neuberger Berman, cho biết: "Với những gì ta đã chứng kiến trong 11 năm thực hiện nới lỏng định lượng, chúng ta biết rằng QE sẽ nâng giá tài sản bất chấp các yếu tố cơ bản."
Sự kết hợp của việc cắt giảm lãi suất và tung ra các chương trình mua tài sản và kích thích tài khóa lớn đã tạo ra một đợt tăng giá mạnh mẽ của các cổ phiếu - sau đó kéo theo thị trường ngoại hối. Ông Bunning từ Ngân hàng HSBC cho biết: "Với quá nhiều thứ không chắc chắn, thị trường forex rơi vào tầm ảnh hưởng của tâm lý rủi ro."
Các mối liên hệ thông thường trên thị trường có thể đang bắt đầu tự tái thiết lập. Các chuyên gia phân tích cho rằng chênh lệch lãi suất đang bắt đầu đóng một vai trò quan trọng trở lại, trong khi các nhà đầu tư dần phân biệt rõ giữa tiền tệ và hiệu ứng từ những gói cứu trợ hay chương trình mua tài sản của các ngân hàng trung ương.
Neil Williams, Cố vấn Kinh tế cấp cao tại Quỹ đầu tư Federated Hermes nói: "Nhưng nếu chưa hiểu rõ những tác động về kinh tế của Covid-19, hay căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc chưa được giải quyết, tâm lý rủi ro sẽ tiếp tục chi phối thị trường tiền tệ."
Ông Lancioni (Tập đoàn Neuberger Berman) cho rằng: "Tôi thấy thiếu sự đồng thuận ở đây và mọi người đều đang mông lung về viễn cảnh của thế giới. Việc tìm ra giá trị thực sự của đồng dollar là một thử thách lớn và tôi nghĩ rằng thị trường vẫn chưa thực hiện được điều đó."