CPI của Mỹ bất ngờ tăng cao hơn dự báo, kìm hãm tiến trình giảm lạm phát
Nguyễn Tuấn Đạt
Junior Analyst
Lạm phát cơ bản của Mỹ tăng cao hơn dự báo vào tháng 9, cho thấy con đường điều tiết áp lực giá cả của Fed có vẻ trắc trở hơn dự tính.
Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động công bố hôm nay, chỉ số CPI lõi - không bao gồm chi phí thực phẩm và năng lượng - đã tăng 0.3% m/m trong tháng thứ hai liên tiếp. Theo tính toán của Bloomberg, chỉ số này đã tăng 3.1% 3m/y, mức tăng cao nhất kể từ tháng 5.
Các nhà kinh tế cho rằng CPI lõi sẽ là chỉ báo tốt hơn về lạm phát cơ bản so với CPI toàn phần. CPI toàn phần đã tăng 0.2% so với tháng trước, được thúc đẩy bởi giá nhà ở và thực phẩm, chiếm hơn 75% mức tăng. Giá hàng hóa cũng tăng sau khi giảm đáng kể trong năm qua.
Các số liệu lạm phát cao hơn dự kiến, cùng với báo cáo việc làm bùng nổ vào tuần trước, có khả năng sẽ hình thành nhiều quan điểm trái chiều về việc Fed sẽ lựa chọn cắt giảm lãi suất 25 bps vào tháng tới hay tạm dừng sau đợt cắt giảm lớn vào tháng 9 vừa qua. Các quan chức phần lớn kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất thêm 50 bps từ giờ đến cuối năm và nhiều người cho biết họ đang theo dõi diễn biến trên thị trường lao động.
"Lạm phát đang giảm dần, nhưng có vẻ chưa bị "tiêu diệt" hoàn toàn", Olu Sonola, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế Hoa Kỳ tại Fitch Ratings cho biết. "Tiếp sau dữ liệu việc làm đáng ngạc nhiên của tháng 9, báo cáo này khuyến khích Fed duy trì lập trường thận trọng với tốc độ của chu kỳ nới lỏng. Khả năng cao nhất vẫn là Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps điểm vào tháng 11, việc cắt giảm lãi suất vào tháng 12 chưa có nhiều thông tin để dự đoán chính xác".
S&P 500 mở cửa ở mức thấp hơn, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm và USD quét hai chiều sau tin. Sau khi dữ liệu này được công bố, các nhà giao dịch định giá khả năng Fed cắt giảm lãi suất 25 bps vào tháng tới khoảng 86% và khả năng Fed giữ nguyên lãi suất là 14%.
Fed bắt đầu hạ lãi suất điều hành vào tháng 9 với mức giảm 50 bps, hành động này được coi là phản ứng quá mức do lạm phát vẫn tiếp tục tiến triển, đồng thời thị trường lao động tiếp tục mạnh mẽ hơn dự báo. Biên bản cuộc họp FOMC mới được công bố cho thấy đã có một cuộc tranh luận sôi nổi về quy mô cắt giảm lãi suất, các quan chức Fed cũng cho biết họ ủng hộ một cách tiếp cận từ tốn hơn.
Giá xe mới và đã qua sử dụng cũng như quần áo và đồ nội thất đều tăng, mức tăng của những chỉ số này cao thứ hai kể từ tháng 6/2023. Giá hàng tạp hóa tăng mạnh nhất kể từ đầu năm, đặc biệt là giá trứng và trái cây tươi.
Trong các dịch vụ, bảo hiểm ô tô, chăm sóc y tế và giá vé máy bay tăng đáng kể. Vé vào cửa các sự kiện thể thao tăng kỷ lục 10.9%, một phần phản ánh sự khởi đầu của mùa giải bóng đá.
Giá nhà ở, hạng mục lớn nhất trong các dịch vụ, tăng 0.2%, đây là mức tăng yếu hơn nhiều so với mức tăng 0.5% của tháng 8. Giá thuê nhà tương đương của chủ sở hữu — một thành phần của lĩnh vực nhà ở và là thành phần cá nhân lớn nhất của chỉ số CPI — tăng 0.3% m/m, đây cũng làm mức tăng yếu hơn so với tháng trước. Giá khách sạn giảm, trái ngược hoàn toàn với kỳ vọng về mức tăng mạnh.
Theo tính toán của Bloomberg, không tính nhà ở và năng lượng, giá dịch vụ cốt lõi tăng 0.4%, mức tăng cao nhất kể từ tháng 4. Dữ liệu này đánh dấu tháng tăng tốc thứ ba liên tiếp, chuỗi dài nhất kể từ đầu năm 2023. Mặc dù các ngân hàng trung ương trên thế giới đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xem xét CPI khi đánh giá quỹ đạo lạm phát của quốc gia, nhưng Fed tính toán dựa trên một chỉ số riêng biệt. Chỉ số đó được gọi là PCE, không coi trọng nơi trú ẩn như CPI, đây cũng là một phần lý do tại sao chỉ số PCE có xu hướng tiến gần hơn đến mục tiêu 2% của Fed.
Chỉ số này sẽ được công bố vào cuối tháng, được lấy dữ liệu từ CPI cũng như một số danh mục nhất định trong chỉ số PPI, dự kiến công bố vào thứ Sáu. Một số lĩnh vực trong CPI ghi nhận mức tăng mạnh, như bảo hiểm ô tô và giá vé máy bay, sẽ không được đưa vào PCE, vì vậy nên PCE có thể sẽ tăng nhẹ hơn CPI khi được công bố vào cuối tháng này.
Các nhà hoạch định chính sách cũng chú ý chặt chẽ đến tăng trưởng tiền lương, vì những dữ liệu này có thể giúp thông báo kỳ vọng về chi tiêu của người tiêu dùng — động lực chính của nền kinh tế. Một báo cáo riêng vào thứ năm kết hợp các số liệu lạm phát với dữ liệu tiền lương gần đây cho thấy thu nhập thực tế tăng 1.5% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng cao nhất kể từ tháng 6 năm 2023.
Dữ liệu khác của chính phủ cho thấy phúc lợi An sinh xã hội sẽ tăng 2.5% vào năm 2025 — mức tăng nhỏ nhất kể từ năm 2021 — theo điều chỉnh chi phí sinh hoạt hàng năm được tính toán dựa trên dữ liệu CPI.
Bloomberg