Fed có đang "quá tay" trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ?
Quế Anh
Junior Editor
Theo nhận định của các chiến lược gia từ Yardeni Research, cuộc họp sắp tới của Fed vào ngày 6-7/11 có thể sẽ tập trung vào định hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, sau khi số liệu lạm phát tháng 9 cao hơn dự kiến.
Kịch bản này đang thách thức lập trường của Chủ tịch Fed Jerome Powell và các thành viên FOMC ủng hộ chính sách tiền tệ dovish. Trước lo ngại về sự chậm lại của nền kinh tế, Fed đã hạ lãi suất 0.5 điểm phần trăm vào tháng trước. Các chiến lược gia Yardeni lưu ý rằng số lượng thành viên ủng hộ việc nới lỏng chính sách đã giảm, đặc biệt sau khi báo cáo việc làm mới nhất cho thấy tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục giảm và dữ liệu việc làm đạt mức kỷ lục.
"Dữ liệu CPI hôm nay củng cố nhận định của chúng tôi rằng Fed không nên cắt giảm lãi suất trong hai cuộc họp còn lại của năm nay", các chuyên gia phân tích cho biết trong báo cáo hôm thứ Năm.
Tín hiệu từ thị trường trái phiếu dường như cũng nhất quán với triển vọng này. Kể từ khi Fed cắt giảm lãi suất 0.5 điểm phần trăm vào ngày 18/9, lợi suất trái phiếu Kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng từ 3.63% lên 4.11%. Dữ liệu này phản ánh kỳ vọng lạm phát gia tăng.
Trong khi đó, thị trường cổ phiếu chỉ giảm nhẹ so với mức cao kỷ lục vừa ghi nhận hôm qua. Các chiến lược gia Yardeni cho rằng bất kỳ động thái cắt giảm lãi suất trong tương lai cũng "sẽ thúc đẩy thị trường cổ phiếu tăng nóng".
Công ty nghiên cứu này đã nhấn mạnh một số điểm quan trọng từ báo cáo CPI mới nhất, giải thích lý do tại sao Fed cần dừng theo đuổi chính sách tiền tệ "dovish".
Vào cuối năm 2022, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã nhấn mạnh tầm quan trọng của dữ liệu lạm phát của nhóm supercore (loại bỏ các mặt hàng như lương thực, năng lượng và nhà ở) trong việc dự đoán xu hướng lạm phát lõi trong tương lai. Báo cáo CPI hôm thứ Năm cho thấy lạm phát siêu lõi đã tăng nhẹ lên 4.4% so với cùng kỳ năm trước, một con số "còn cách rất xa so với mục tiêu", theo Yardeni.
Dịch vụ vận tải, một dữ liệu quan trọng có trong lạm phát dịch vụ, cũng ghi nhận mức tăng mạnh từ 7.9% lên 8.5% so với cùng kỳ năm trước trong tháng 9. Danh mục này bao gồm cho thuê xe, bảo dưỡng ô tô, bảo hiểm và phương tiện công cộng. Các chiến lược gia cho biết chi phí đã tăng cao, đặc biệt là bảo hiểm ô tô - đã tăng 16.3% so với cùng kỳ năm trước. Điều này đang ảnh hưởng nặng nề nhất đến các hộ gia đình có thu nhập thấp.
Hơn nữa, lạm phát nhà ở vẫn là một mối lo ngại. Tỷ lệ mức tăng hàng năm (ghi nhận mỗi 3 tháng) cho thấy áp lực vẫn còn dai dẳng bất chấp giá thuê nhà tăng chậm lại.
Lạm phát năng lượng tháng 9 giảm 6.8% so với cùng kỳ năm trước, và CPI hàng hóa giảm 1.3%. Tuy nhiên, các chuyên gia Yardeni cảnh báo rằng rủi ro địa chính trị trong lĩnh vực dầu mỏ và USD giảm giá có thể đẩy lạm phát toàn phần cao hơn vào cuối năm.
Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp tăng vọt lên 258,000 trong tuần vừa rồi. Nguyên nhân chủ yếu do các cuộc đình công và thời tiết khắc nghiệt. Số đơn xin trợ cấp tiếp tục cũng tăng 35,000 lên 1.861 triệu.
Yardeni cũng chỉ ra rằng việc sa thải nhân viên của hãng xe Stellantis (NYSE:STLA) ở Michigan có liên quan đến các cuộc đàm phán với Công đoàn Công nhân Ô tô. Số lượng đơn xin trợ cấp do bão ở Bắc Carolina và Florida có khả năng sẽ bóp méo dữ liệu việc làm sắp tới cho tháng 10.
Investing