Danske Bank Research: Khép lại tuần giao dịch với dữ liệu doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp của Mỹ
Thành Duy
Junior editor
Nhận định bởi Bộ phận Nghiên cứu tại Danske Bank.
Điểm nhấn hôm nay
Dữ liệu doanh số bán lẻ và sản xuất công nghiệp tháng 10 của Mỹ công bố vào tối nay sẽ cung cấp cho thị trường những bằng chứng thực tế mới nhất về tình hình sức mua của người tiêu dùng và thể trạng ngành sản xuất. Chúng tôi cho rằng, với thị trường việc làm sôi động và thu nhập ổn định, doanh số bán lẻ sẽ duy trì đà tăng trưởng đều đặn trong những tháng tới.
Eurozone sẽ đón nhận báo cáo triển vọng kinh tế của Ủy ban Châu Âu cho năm 2025 và 2026. Những điều chỉnh trong báo cáo này sẽ là tín hiệu quan trọng, giúp dự đoán phần nào định hướng chính sách tiền tệ của ECB trong bản cập nhật dự báo vào tháng 12 tới.
Những diễn biến đáng chú ý gần đây
Trung Quốc
Loạt dữ liệu tháng 10 vẽ nên một bức tranh tương phản. Doanh số bán lẻ tăng 4.8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt kỳ vọng 3.8% và con số 3.2% của tháng trước, cho thấy hiệu quả của các biện pháp kích thích kinh tế gần đây. Dù vậy, sản xuất công nghiệp và đầu tư tài sản cố định lại không đạt kỳ vọng, tăng lần lượt 5.3% và 3.4% so với cùng kỳ năm ngoái (dự báo: 5.6% và 3.5%). Bên cạnh đó, giá nhà mới ghi nhận mức giảm mạnh nhất so với cùng kỳ năm trước kể từ tháng 10/2015 với 5.9%. So với tháng trước, giá nhà mới giảm 0.5%, thấp hơn con số 0.7% của tháng 9, cho thấy các biện pháp kích thích đang bắt đầu có những tác động tích cực lên thị trường bất động sản vốn đang chìm sâu.
Nhật Bản
GDP Q3 tăng 0.2% so với quý trước đúng như dự báo, sau khi phục hồi 0.7% trong Q2. Nhìn chung, tiêu dùng cá nhân mạnh hơn dự kiến, trong khi chi tiêu vốn và cán cân thương mại lần lượt giảm 0.2% và 0.4% so với quý trước. Đáng nói, mức giảm của cán cân thương mại trái ngược hoàn toàn với dự báo tăng 0.1%.
Mỹ
Dữ liệu PPI tháng 10 được công bố hôm qua có tác động khá hạn chế đến thị trường. Giống như báo cáo CPI, PPI cũng tăng đúng như dự kiến, với chỉ số toàn phần và lõi đạt lần lượt 0.2% và 0.3% so với tháng trước. Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm nhẹ xuống còn 217,000, nhưng không có gì quá bất ngờ.
Chủ tịch Fed Jerome Powell nhấn mạnh rằng nền kinh tế không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào để họ phải vội vàng cắt giảm lãi suất. Ông cũng cho biết bối cảnh kinh tế lành mạnh hiện tại cho phép Fed có thời gian cân nhắc kỹ lưỡng các quyết định, ngụ ý rằng họ có thể sẽ cắt giảm lãi suất một cách từ tốn khi lạm phát tiến gần hơn đến mục tiêu 2%, mặc dù "vẫn chưa đạt được". Chúng tôi vẫn duy trì dự báo Fed sẽ cắt giảm lãi suất 25 bps vào cuộc họp tháng 12.
Eurozone
Sản xuất công nghiệp giảm 2.0% trong tháng 9 (dự báo: giảm 1.4%, tháng trước: tăng 1.5%). Vì dữ liệu này thường biến động mạnh theo tháng và kết quả trên chủ yếu là do ảnh hưởng bởi sự sụt giảm 11% tại Ireland, chúng tôi sẽ tập trung phân tích dữ liệu Q3. Dữ liệu Q3 giảm 0.3% so với quý trước, cho thấy ngành công nghiệp của khu vực vẫn còn yếu và có thể sẽ kìm hãm tăng trưởng kinh tế. Nhìn chung, triển vọng cho các quý tới vẫn ảm đạm. Chúng tôi dự báo ngành công nghiệp của Eurozone nhiều khả năng sẽ phục hồi dần trong nửa cuối năm 2025, khi mà lãi suất có thể đã giảm sâu hơn để hỗ trợ tăng trưởng.
Mặt khác, việc làm tại Eurozone tiếp tục tăng trong Q3, đạt 0.2% so với quý trước, cao hơn mức 0.1% của Q2 (đã được điều chỉnh giảm). Mặc dù vậy, nếu không làm tròn, mức tăng trưởng là gần như không đổi (từ 0.15% lên 0.18%). Điều này cho thấy thị trường lao động Eurozone vẫn đang chống chịu tốt. Ngoài ra, dữ liệu việc làm cũng cho thấy sự phân hóa giữa các quốc gia, với tăng trưởng liên tục tại Tây Ban Nha, trong khi Đức lại cho thấy bức tranh trái ngược. Dẫu vậy, rủi ro thị trường lao động suy yếu trong những quý tới vẫn hiện hữu. Chúng tôi dự kiến tăng trưởng việc làm chung của Eurozone sẽ dao động trong khoảng 0.0-0.1% trong các quý tới, do chỉ số kỳ vọng việc làm của Ủy ban Châu Âu cho thấy tăng trưởng vẫn ở mức thấp trong Q4, dù các chỉ báo về nhu cầu dịch vụ vẫn tích cực. Dự báo trên được thúc đẩy bởi kỳ vọng tăng trưởng việc làm ở Nam Âu, bù đắp cho sự sụt giảm tại Đức. Chúng tôi cho rằng rủi ro vẫn nghiêng về chiều giảm do lĩnh vực sản xuất yếu kém, thể hiện qua mức tăng lương thỏa thuận thấp trong ngành công nghiệp kim loại của Đức cho năm 2025.
Biên bản cuộc họp tháng 10 của ECB cho thấy việc quản lý rủi ro là yếu tố cốt lõi trong quyết định cắt giảm lãi suất 25 bps nhằm ngăn chặn những căng thẳng kinh tế không đáng có. Các nhà hoạch định chính sách nhấn mạnh rằng rủi ro của việc cắt giảm lãi suất trong tháng 10 (và có thể là quá sớm) thấp hơn rủi ro của việc chờ đợi và hành động quá muộn. Họ cũng cho biết ECB có thể tạm dừng chu kỳ cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 12 nếu hoạt động kinh tế cải thiện. Chúng tôi tin rằng ECB sẽ tiếp tục cắt giảm lãi suất thêm 25 bps vào tháng 12, đưa lãi suất tiền gửi xuống 3.00%.
Chứng khoán
Chứng khoán toàn cầu giảm điểm hôm qua, với sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực. Chứng khoán Châu Âu tỏ ra vượt trội hơn Phố Wall, trong khi các yếu tố vĩ mô cơ bản không cho thấy lý do rõ ràng nào dẫn đến sự phân kỳ này. Lợi suất TPCP kỳ hạn dài cũng biến động khá tương đồng và USD tiếp tục mạnh lên. Chúng tôi cho rằng, biến động trên là kết quả của sự đảo ngược một phần đà tăng trưởng vượt trội của chứng khoán Mỹ gần đây. Dữ liệu vĩ mô và vi mô của Mỹ dù ấn tượng, nhưng chưa đủ thuyết phục đối với đà tăng trưởng vượt bậc mà chúng ta đã thấy. Chiến thắng của Trump/cuộc chiến thương mại đã khiến các nhà đầu tư đổ xô vào thị trường Mỹ. Xu hướng này thể hiện rõ qua dữ liệu về dòng vốn và vị thế mua ròng USD, nhưng "hồi chuông cảnh báo" thực sự lại đến từ định giá cổ phiếu. Sau những biến động hậu bầu cử, P/E dự phóng 12 tháng của thị trường chứng khoán Mỹ đã cao hơn Châu Âu tới 65%. Để so sánh, khi Trump đắc cử tổng thống năm 2016, mức chênh lệch này chỉ là 14%. Với những biến động của thị trường chứng khoán, hiệu suất từng cổ phiếu, và cả tiền điện tử hôm qua, có vẻ như các “Trump Trade” đang dần ngã ngũ. Do đó, trong thời gian tới, cả hiệu suất tuyệt đối và tương đối nhiều khả năng sẽ trở lại phụ thuộc nhiều hơn vào các yếu tố cơ bản.
Lợi suất
Lợi suất TPCP toàn cầu nhìn chung giảm trong phiên hôm qua. Rạng sáng nay, phát biểu của Chủ tịch Powell về việc Fed sẽ "không vội vàng hạ lãi suất" đã kéo theo một đợt bán tháo trên thị trường TPCP Mỹ, đẩy lợi suất kỳ hạn 2 năm tăng 10 bps lên 4.35%. Bên cạnh đó, kỳ vọng về việc Fed hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 12 cũng được điều chỉnh giảm 5 bps, theo dữ liệu từ thị trường OIS.
Ngoại hối
Phát biểu “diều hâu” của Chủ tịch Powell đã tiếp thêm sức mạnh cho USD. EUR/USD đã có thời điểm nhúng qua mốc 1.0500 trong phiên hôm qua, trước khi đóng cửa tại 1.0530 và phục hồi trở lại giao dịch quanh 1.0570 tại thời điểm viết bài. USD/JPY tăng nhẹ, đóng cửa trên mốc 156.00, tuy nhiên đã giảm trở lại trong phiên hôm nay.
Danske Bank Research