Westpac IQ: Quan chức Fed phát đi thông điệp "diều hâu", USD "càn quét" các mặt trận không thể nhiệt tình hơn!

Westpac IQ: Quan chức Fed phát đi thông điệp "diều hâu", USD "càn quét" các mặt trận không thể nhiệt tình hơn!

Thành Duy

Thành Duy

Junior editor

09:15 15/11/2024

Bản tin sáng từ Westpac IQ.

Những điểm chính

  • Chứng khoán Mỹ tiếp tục có dấu hiệu đuối sức sau đà tăng hậu bầu cử. Mặt khác, thị trường Châu Âu lại thể hiện tốt hơn nhờ báo cáo kết quả kinh doanh và dữ liệu kinh tế khả quan.
  • Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn ngắn tăng khi các quan chức Fed đưa ra thông điệp “diều hâu”, kỳ vọng hạ lãi suất cũng theo đó giảm xuống.
  • USD tiếp tục tăng mạnh, vượt mốc 107.00 lần đầu tiên sau hơn một năm. AUD suy yếu so với USD, một phần nguyên nhân là do giá hàng hóa giảm.
  • Giá quặng sắt hiện giao dịch dưới 100 USD/tấn, trong khi dầu thô tăng nhẹ.

Chứng khoán

Phố Wall “hụt hơi” sau đà tăng hậu bầu cử. Những phát biểu diều hâu hơn dự kiến từ các quan chức Fed, bao gồm cả Chủ tịch Jerome Powell, đã đẩy lợi suất TPCP tăng, gây áp lực lên thị trường chứng khoán. Kết phiên hôm qua, chỉ số S&P 500, NasdaqDow Jones giảm lần lượt 0.6%, 0.7% và 0.5%.

Ngược lại, chứng khoán Châu Âu lại tăng điểm nhờ kết quả kinh doanh tích cực và dữ liệu kinh tế khả quan. Chỉ số Euro Stoxx 50, DAX của Đức và FTSE 100 của Anh tăng lần lượt 2.0%, 1.4% và 0.5%.

Chỉ số ASX 200 của Úc đóng cửa tăng 0.4%, với sắc xanh lan tỏa trên 8 trong số 11 nhóm ngành, dẫn đầu là cổ phiếu tài chính. Mặt khác, chứng khoán Châu Á nhìn chung giảm điểm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản và Hang Seng của Hồng Kông giảm lần lượt 0.5% và 2.0%.

Lợi suất

Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn ngắn tăng vọt sau phát biểu của Chủ tịch Powell, khi ông nhận định nền kinh tế đang hoạt động "rất tốt", do đó, Fed sẽ thận trọng hơn trong việc nới lỏng chính sách tiền tệ. Cụ thể, lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm tăng 5 bps lên 4.34%, sau khi chạm đáy 4.29% trong phiên. Lợi suất TPCP kỳ hạn 10 năm cũng nhích nhẹ lên 4.44%. Khả năng Fed cắt giảm lãi suất vào cuộc họp tháng 12 hiện chỉ còn khoảng 55%, giảm từ mức 80% trong phiên trước đó.

Ở một diễn biến khác, lợi suất TPCP Úc giảm sau khi số liệu việc làm được công bố hôm qua. Lợi suất hợp đồng tương lai TPCP Úc kỳ hạn 3 năm giảm 2 bps xuống 4.19%, trong khi kỳ hạn 10 năm giảm 4 bps xuống 4.67%. Hiện tại, theo kỳ vọng của thị trường, lần cắt giảm lãi suất đầu tiên của RBA khả năng cao sẽ rơi vào tháng 08/2025, với tổng cộng khoảng 42 bps trong năm này.

Ngoại hối

Đồng bạc xanh tiếp tục tăng giá, với chỉ số DXY đẩy nhẹ qua mốc 107.00, chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2023, trước khi đóng cửa tại 106.86. Lợi suất cao, cùng kỳ vọng tăng trưởng và lạm phát nóng hơn dưới thời chính quyền Trump đang là những động lực chính.

AUD/USD chạm mức thấp mới trong ba tháng tại 0.6440, với áp lực bán tăng mạnh sau phát biểu của Chủ tịch Powell. Về ngắn hạn, AUD vẫn dễ bị tổn thương trước đà tăng của USD. Dù vậy, các biện pháp kích thích kinh tế tiềm năng của Trung Quốc và lập trường “diều hâu” của RBA có thể giúp xoa dịu phần nào tâm lý tiêu cực đối với AUD.

EUR/USD chìm sâu trong sắc đỏ, giảm 0.4% xuống 1.0520. Rủi ro đà giảm tiếp tục mở rộng vẫn hiện hữu do bất ổn chính trị ở Châu Âu và hiệu suất kinh tế tương đối yếu kém của khu vực. Yên Nhật mất giá ngày càng trầm trọng, USD/JPY theo đó tăng 0.6%, chốt phiên hôm qua tại 156.42.

Hàng hóa

Giá dầu thô chịu tác động trái chiều từ báo cáo tích cực liên quan đến tồn kho của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) và cảnh báo từ Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) về nguy cơ dư thừa nguồn cung vào năm tới. EIA báo cáo lượng dầu thô tồn kho tăng 2.09 triệu thùng, nhưng lượng dự trữ sản phẩm chưng cất và xăng giảm lần lượt 1.39 và 4.40 triệu thùng (mức thấp nhất trong hai năm).

Giá kim loại công nghiệp giảm do nhu cầu từ Trung Quốc có dấu hiệu suy yếu. Giá đồng, kẽm và thiếc giảm lần lượt 1.1%, 1.6% (mức thấp nhất trong bốn năm) và 2.5%. Giá quặng sắt mất mốc 100 USD/tấn, do lượng xuất khẩu kỷ lục của Úc ảnh hưởng đến tâm lý thị trường.

Nhịp đập vĩ mô

Úc: Kỳ vọng lạm phát CPI giảm từ 4.0% trong tháng 10 xuống 3.8% vào tháng 11. Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 10/2021, cho thấy lạm phát toàn phần đã hạ nhiệt và trở lại phạm vi mục tiêu của RBA.

Việc làm tăng 0.1% (tương ứng 15,900), thấp hơn mức dự báo 20,000 của Westpac và kỳ vọng chung của thị trường là 25,000. Đây là mức tăng hàng tháng thấp nhất kể từ tháng 5. Mặt khác, tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giảm nhẹ từ 67.2% xuống 67.1%. Lực lượng lao động tăng thêm 24,200 người, nhiều hơn số việc làm mới được tạo ra trong tháng, kéo theo số người thất nghiệp gia tăng nhẹ. Mặc dù vậy, tỷ lệ thất nghiệp vẫn giữ nguyên ở mức 4.1% như ba tháng trước đó.

Eurozone: GDP Q3 (ước tính sơ bộ lần hai) tăng 0.4% so với quý trước. Cùng với mức tăng của hai quý trước, lần lượt là 0.3% và 0.2%, tăng trưởng kinh tế từ đầu năm 2024 đến nay nhìn chung cho thấy sự cải thiện đáng kể so với năm 2023 (gần như đứng yên). Bên cạnh đó, tình hình việc làm cũng khả quan trong Q3, tăng trưởng 0.2% so với quý trước và 1.0% so với cùng kỳ năm ngoái.

Mỹ: Chỉ số PPI tháng 10 đúng như dự kiến, toàn phần và lõi (loại trừ thực phẩm và năng lượng) tăng lần lượt 0.2% và 0.3%. So với cùng kỳ, PPI toàn phần và lõi tăng lần lượt 2.4% và 3.1%. Cả hai đều phù hợp với mục tiêu lạm phát CPI.

Số đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu giảm nhẹ từ 221,000 xuống 217,000 trong tuần trước. Báo cáo việc làm cho thấy sự giảm tốc của thị trường lao động chủ yếu do nhu cầu tuyển dụng yếu đi, chứ không phải do làn sóng sa thải nhân sự. Chủ tịch Fed chi nhánh Richmond - Thomas Barkin, cho biết Fed đã đạt được "tiến bộ đáng kể" trong việc kiểm soát lạm phát, nhưng nhấn mạnh rằng cuộc chiến vẫn chưa kết thúc, đồng thời lưu ý thêm về tình hình việc làm: "Chúng ta đang ở thời điểm mà bạn không thực sự biết liệu thị trường lao động sẽ nhộn nhịp trở lại hay làn sóng sa thải sẽ mạnh lên."

Chủ tịch Fed chi nhánh Chicago - Austan Goolsbee, cho biết: "Với đà giảm lạm phát đang chậm lại và thị trường lao động hạ nhiệt, chúng tôi cần theo dõi sát sao cả hai mục tiêu của mình. Nếu có bất kỳ rủi ro nào làm gián đoạn quá trình giảm lạm phát, hoặc khiến lạm phát nóng trở lại, việc tạm dừng hạ lãi suất là hợp lý. Ngược lại, nếu thị trường lao động đột ngột suy yếu, việc tiếp tục hạ lãi suất một cách từ tốn sẽ là phù hợp.”

Chủ tịch Fed Jerome Powell một lần nữa khẳng định nền kinh tế đang hoạt động "rất tốt". Ông bày tỏ: "Chúng tôi tin tưởng rằng, với việc điều chỉnh chính sách phù hợp, sức mạnh của nền kinh tế và thị trường lao động có thể được duy trì, đồng thời lạm phát sẽ giảm bền vững về mục tiêu 2%. Bên cạnh đó, chúng tôi nhận thấy các rủi ro đối với việc đạt được mục tiêu kép về việc làm và lạm phát là khá cân bằng. Chúng tôi vẫn đang theo dõi sát sao những rủi ro này. Ngoài ra, chúng tôi hiểu rằng việc nới lỏng chính sách quá nhanh có thể cản trở tiến độ kiểm soát lạm phát, tuy nhiên, điều ngược lại có thể làm suy yếu hoạt động kinh tế và việc làm một cách không đáng có. Chính sách tiền tệ sẽ dần được chuyển sang trạng thái trung lập hơn. Mặc dù vậy, rất khó để đưa ra lộ trình cụ thể nhằm đạt được điều đó. Khi xem xét các điều chỉnh bổ sung đối với phạm vi mục tiêu của lãi suất quỹ liên bang, chúng tôi sẽ cẩn thận đánh giá dữ liệu mới, triển vọng kinh tế và sự cân bằng rủi ro.”

Westpac IQ

Broker listing

Thư mục bài viết

Cùng chuyên mục

Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ