Đơn đặt hàng sản xuất của Đức tăng vọt khi nền kinh tế thoát khỏi suy thoái
Nguyễn Thanh Thùy Dung
Junior Analyst
Các đơn hàng nhà máy của Đức đã tăng trở lại vào tháng 5, một dấu hiệu cho thấy sự sụt giảm trong sản xuất có thể lắng xuống khi nền kinh tế lớn nhất châu Âu thoát khỏi suy thoái.
Nhu cầu tăng 6.4% so với tháng 4, cao hơn nhiều so với mức tăng 1% mà các nhà kinh tế đã dự đoán trong một cuộc khảo sát của Bloomberg, với sự gia tăng cả trong và ngoài nước. Tổng đơn đặt hàng vẫn giảm 4.3% so với một năm trước đó.
Lĩnh vực sản xuất các loại phương tiện có số lượng đơn đặt hàng lớn nhất, danh mục thiết bị vận tải khác, bao gồm mọi thứ từ tàu đến quân trang, đã tăng 137%.
Đơn đặt hàng nhà máy của Đức tăng nhiều hơn dự kiến
Báo cáo này là bằng chứng tích cực hiếm hoi của ngành công nghiệp vào thời điểm mà hoạt động kinh doanh của Đức đang có những dấu hiệu khó khăn, sau khi nền kinh tế ghi nhận tăng trưởng âm quý thứ 2 trong năm nay.
Theo khảo sát được công bố vào thứ Tư, kỳ vọng của các nhà sản xuất ô tô đang ở mức tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Một báo cáo đầu tuần này không cho thấy bất kỳ dấu hiệu cải thiện nào về triển vọng kinh doanh của nhiều công ty máy móc. Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) vào đầu tuần này đã chỉ ra sự suy giảm ngày càng nghiêm trọng trong lĩnh vực sản xuất của Đức.
Theo Joerg Zeuner, kinh tế trưởng Union Investment tại Frankfurt, “suy thoái công nghiệp vẫn đang được bù đắp bởi nhu cầu mạnh mẽ ở lĩnh vực dịch vụ. Ngay cả khi tình hình sản xuất không mang lại nhiều hy vọng, nhưng kinh tế Đức khả năng cao sẽ trì trệ chứ không thu hẹp.”
Các đơn đặt hàng của nhà máy đang bị ảnh hưởng do nhu cầu chậm lại ở Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, vốn đang mất đà.
Trong số các công ty Đức có triển vọng xấu đi, công ty hóa chất Lanxess AG hồi tháng trước cho biết nhu cầu các khách hàng công nghiệp vẫn đang suy yếu .
Tình hình chưa thể tốt hơn với các doanh nghiệp sản xuất của đất nước, do chính sách tiền tệ thắt chặt ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế. Trong khi đó, mực nước sông Rhine giảm dấy lên lo ngại về một cuộc khủng hoảng nguồn cung.
Trong khi Đức là động lực của nền kinh tế châu Âu, thì tình hình công nghiệp của các quốc gia khác trong khu vực đang tạo nên một bức tranh trái chiều. PMI sản xuất tháng 6 của Ý, được công bố trong tuần này, đã chạm đáy kể từ đỉnh điểm của đợt phong tỏa do đại dịch vào đầu năm 2020.
Ngược lại, dữ liệu vào thứ Tư cho thấy sản lượng của các nhà máy ở Pháp đã tăng lên mức cao nhất trong 3 năm. Sản xuất của Tây Ban Nha cũng tăng.
Dữ liệu công nghiệp của Đức sẽ được công bố vào thứ Sáu. Tăng trưởng có thể chậm lại trong tháng 5, thậm chí thấp hơn so với 3 tháng đầu năm, theo ước tính của các nhà kinh tế.
Bloomberg