Đồng USD vẫn là “vua” trước triển vọng tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Hoa Kỳ
Đặng Thùy Linh
Junior Analyst
Từ lâu tôi vẫn giữ quan điểm bullish với đồng USD, ngay cả khi mọi người lo ngại sức mạnh của đồng tiền này sẽ ảnh hưởng xấu đến thị trường Mỹ.
Yếu tố ngắn hạn là nền kinh tế Mỹ dường như đang có xu hướng hạ cánh mềm. Mặc dù chỉ là những đánh giá tạm thời nhưng vẫn tốt hơn là bị "sa lầy" trong suy thoái. Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ là một động thức thúc đẩy kỳ vọng về đà tăng của DXY. Gần đây, Fed Atlanta dự báo tốc độ tăng trưởng GDP 3.4% cho năm 2024. Mặc dù thực tế có thể khác, nhưng Mỹ đang làm tốt hơn so với kỳ vọng trong năm 2023.
Một yếu tố khác là nhu cầu về vốn ở Mỹ tiếp tục tăng mạnh. Ngày càng nhiều lời kêu gọi xây dựng thêm cơ sở hạ tầng năng lượng, cũng như khởi động (lại) các nhà máy điện hạt nhân. Chi phí của những dự án này không hề nhỏ. Các nguồn năng lượng xanh khác, chẳng hạn như năng lượng mặt trời và gió, cũng đòi hỏi rất nhiều vốn chi đầu tư. Nhu cầu vay vốn để tài trợ cho các dự án như vậy có xu hướng đẩy lãi suất thực lên cao, từ đó củng cố giá trị của USD. Khi trí tuệ nhân tạo (AI) tiếp tục đạt được tiến bộ, nhu cầu năng lượng khó có thể suy yếu sớm.
Bản thân lĩnh vực AI, trên thực tế, có thể giúp thúc đẩy sức mạnh của đồng USD. Thứ nhất, dịch vụ về AI có thể trở thành mặt hàng xuất khẩu chính của Mỹ. Thứ hai, chính phủ Mỹ có thể sử dụng các dịch vụ AI để củng cố mối quan hệ với các chính phủ nước khác, giống với dịch vụ tình báo an ninh.
Một trong những lợi ích của AI là giúp gia tăng lợi thế của quốc gia tham gia các hiệp định thương mại với Mỹ, hoặc đơn giản là có quan hệ hữu nghị với Mỹ. Các quốc gia theo "quy tắc" của Hoa Kỳ có thể được cung cấp các dịch vụ liên quan đến AI và các thông tin tình báo như một hình thức trao đổi quốc tế. Điều đó cũng là yếu tố khiến đồng USD tăng giá.
Cuộc cách mạng tiền điện tử dường như cũng đang đi theo một số hướng có lợi cho đồng USD. Thị trường tiền điện tử gần đây đã chứng kiến nhiều sự tăng trưởng từ stablecoin, bằng chứng là việc Stripe mua lại Bridge vào tuần trước. Hầu hết các stablecoin đều có mệnh giá quy theo đồng USD, và chúng thường được thế chấp thông qua các chứng khoán bằng USD. Nếu tiền mã hóa có triển vọng, điều này có khả năng sẽ tiếp tục giúp đồng USD thống trị.
Bạn có thể nghĩ sẽ rằng stablecoin cũng có thể gắn với các đồng tiền khác. Tuy nhiên, vì stablecoin thường thuận tiện nhất cho các giao dịch quốc tế và các giao dịch qua internet, nên kịch bản có khả năng xảy ra nhất là stablecoin sẽ tiếp tục làm tăng sức ảnh hưởng của đồng USD. Điều này cũng hợp lý vì Mỹ hiện có sức ảnh hưởng lớn nhất trong việc kiểm soát các hoạt động thông qua internet trên toàn cầu.
Cuối cùng, câu hỏi quen thuộc vẫn là: Nếu không nắm giữ tài sản bằng đồng USD, bạn còn có thể để tiền của mình vào đâu? Nếu bạn muốn nắm giữ các chứng khoán nợ có rủi ro thấp, thì TPCP Mỹ, dù có một số hạn chế, vẫn là thị trường lớn nhất và thanh khoản nhất trên thế giới. Thị trường lớn thứ hai là Nhật Bản, nhưng hiện đang suy yếu và vẫn phụ thuộc vào Mỹ về an ninh (ít nhất là trong hiện tại). Thật khó để hình dung được một tình huống khi Mỹ gặp rắc rối mà không ảnh hưởng nặng đến Nhật Bản.
Trung Quốc, thị trường trái phiếu lớn thứ ba, hiện chưa mở cửa hoàn toàn với dòng vốn quốc tế, nên chưa thể trở thành đối thủ tiềm năng của đồng USD. Thậm chí, cách quản lý của Trung Quốc cũng ngày càng độc tài và khó đoán hơn.
Tại cuộc họp gần đây của các quốc gia BRICS, nhiều nước đã thảo luận về việc tìm phương án thay thế đồng USD. Nga đề xuất ý tưởng “BRICS Bridge” để hạn chế tác động của các lệnh trừng phạt từ Mỹ. Tuy nhiên, ý tưởng này vẫn chưa thực sự được quan tâm do không mang lại lợi ích rõ rệt. Nhiều quốc gia vẫn chỉ trích Mỹ, nhưng rồi lại quay về sử dụng đồng USD.
Hầu hết các yếu tố này là yếu tố dài hạn, nên không ảnh hưởng nhiều đến giá trị đồng USD trong ngắn hạn. Tuy nhiên, nếu cuộc bầu cử sắp tới khiến bạn lo lắng về tương lai của nước Mỹ, thì hãy yên tâm rằng vẫn có nhiều yếu tố đang ủng hộ cho đồng USD, dù chưa có thể không có lợi cho nước Mỹ.
Bài viết trên là dựa trên phân tích và quan điểm của Tyler Cowen - giáo sư về kinh tế tại Đại học George Mason.
Bloomberg