Giá vàng "hạ cánh" sau chuyến bay kỷ lục - Đâu là điểm đến tiếp theo?
Quỳnh Chi
Junior Editor
XAU/USD tăng mạnh vào thứ Ba, tiến sát mức cao kỷ lục sau khi chỉ số niềm tin tiêu dùng của Mỹ công bố thấp hơn dự báo.
Dữ liệu kinh tế vĩ mô Mỹ yếu tạo áp lực giảm đáng kể lên đồng USD, đẩy đồng tiền này về gần mức đáy từ đầu năm, đồng thời thúc đẩy giá vàng hướng tới vùng đỉnh lịch sử mới. Chỉ số niềm tin tiêu dùng giảm xuống 98.7 điểm trong tháng 9 từ mức 105.6 điểm của tháng 8, trong khi Chỉ số tình hình hiện nay hiện tại sụt giảm còn 124.3 điểm từ 134.6 điểm.
Khảo sát của Fed tại Richmond cho thấy hoạt động sản xuất tiếp tục ảm đạm, với chỉ số tổng hợp giảm xuống −21 điểm trong tháng 9 từ mức −19 điểm của tháng trước. Công cụ CME FedWatch chỉ ra thị trường đang định giá xác suất trên 60% Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 11.
Bên cạnh đó, các rủi ro địa chính trị từ xung đột ở Trung Đông và bất ổn xung quanh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ sắp tới dự kiến sẽ hỗ trợ XAU/USD. Các nhà giao dịch có thể chờ đợi tín hiệu rõ ràng hơn về khả năng cắt giảm lãi suất của Fed trước khi mở vị thế lớn. Sự kiện trọng điểm tuần này bao gồm bài phát biểu của các quan chức Fed có tầm ảnh hưởng, đặc biệt là Chủ tịch Jerome Powell vào thứ Năm. Ngoài ra, Chỉ số PCE của Mỹ công bố vào thứ Sáu có thể tác động mạnh đến nhu cầu USD và biến động của XAU/USD.
XAU/USD chạm mốc 2,670 USD hôm nay trước khi điều chỉnh do các nhà đầu tư chốt lời, với biểu đồ ngày cho thấy tín hiệu mua quá mức. Thêm vào đó, tâm lý ưa chuộng rủi ro hiện tại được thúc đẩy bởi các biện pháp kích thích mới của Trung Quốc đã chuyển một phần nhu cầu khỏi kim loại trú ẩn an toàn. Tuy nhiên, một đợt điều chỉnh giảm sâu khó xảy ra do kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng chính sách tiền tệ mạnh mẽ hơn vẫn còn. Báo cáo Doanh số bán nhà mới của Mỹ công bố lúc 2:00 chiều UTC hôm nay có thể gây ra biến động nhẹ.
"Giá vàng giao ngay có thể mở rộng đà tăng lên vùng 2,675 - 2,689 USD/ounce, sau khi đã phá vỡ ngưỡng kháng cự quan trọng 2,633 USD", nhà phân tích Wang Tao của Reuters nhận định.
EUR tăng giá do kỳ vọng Fed nới lỏng mạnh hơn ECB
EUR tăng 0.61% so với đồng USD vào thứ Ba, được hỗ trợ bởi báo cáo niềm tin tiêu dùng Mỹ yếu hơn dự kiến, thúc đẩy kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất mạnh hơn, từ đó làm suy yếu đồng bạc xanh.
Chỉ số Tâm lý người tiêu dùng Mỹ suy giảm đáng kể trong tháng 9, chạm mức thấp nhất 6 tháng ở 98.7 điểm, giảm từ mức 105.6 điểm đã điều chỉnh tăng của tháng 8. Chỉ số niềm tin tiêu dùng (CCI) thấp hơn đáng kể so với dự báo 104 điểm, phản ánh lo ngại gia tăng về tình trạng thị trường lao động Mỹ, trong khi lạm phát vẫn là mối quan tâm hàng đầu của đa số hộ gia đình.
Ben Ayers, chuyên gia kinh tế cấp cao tại Nationwide nhận định: "Nếu Fed tiến hành chu kỳ nới lỏng tương đối mạnh mẽ trong năm tới, điều này có thể củng cố niềm tin của người tiêu dùng vào nền kinh tế và giúp tránh khỏi một cuộc hạ cánh cứng".
Thực tế, đây chính xác là những gì thị trường đang kỳ vọng ở Fed. Xác suất cắt giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo vào ngày 7 tháng 11 đã tăng lên 60.2%.
Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) được dự đoán sẽ duy trì lộ trình nới lỏng chính sách từ từ, bất chấp nhiều thách thức kinh tế đang phải đối mặt.
Klaas Knot, thành viên Hội đồng Thống đốc ECB người Hà Lan, chia sẻ: "Tôi kỳ vọng chúng tôi sẽ tiếp tục giảm dần lãi suất trong thời gian tới, kể cả trong nửa đầu năm 2025. Tuy nhiên, tôi không cho rằng lãi suất sẽ quay trở lại mức cực thấp như trước đại dịch. Chúng có khả năng sẽ ổn định ở mức tự nhiên hơn".
Dù thế nào, sự khác biệt trong kỳ vọng chính sách tiền tệ giữa ECB và Fed tiếp tục hỗ trợ EUR, với các nhà đầu tư bullish hiện đang nhắm đến ngưỡng quan trọng 1.1220 - mức cao nhất trong 15 tháng qua.
Hôm nay, lịch kinh tế vĩ mô khá yên ắng. Tuy nhiên, báo cáo Doanh số bán nhà mới của Mỹ công bố lúc 2:00 chiều UTC có thể tạo biến động cho các cặp tiền tệ liên quan đến USD, đặc biệt là EUR/USD. Số liệu vượt dự báo có thể làm suy yếu nhẹ đà tăng hiện tại, nhưng khó có khả năng đảo ngược xu hướng. Ngược lại, kết quả thấp hơn kỳ vọng gần như chắc chắn sẽ đẩy EUR/USD lên mức 1.1220.
JPY biến động trước thềm công bố biên bản họp BoJ
USD/JPY đã chạm mức cao nhất 2 tuần vào hôm qua trước khi đóng cửa giảm 0.27%.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Kazuo Ueda phát biểu hôm thứ Ba rằng ngân hàng trung ương có đủ thời gian đánh giá điều kiện thị trường và kinh tế trước khi điều chỉnh chính sách. Điều này ngụ ý BoJ không chịu áp lực phải tăng lãi suất tại cuộc họp gần đây, nơi ngân hàng duy trì lãi suất chính sách ở 0.25%, phù hợp kỳ vọng thị trường. Ueda cũng cảnh báo về rủi ro từ các yếu tố bên ngoài, như biến động gia tăng trên thị trường tài chính và bất ổn xung quanh khả năng hạ cánh mềm của kinh tế Mỹ. Những diễn biến này làm giảm khả năng tăng lãi suất vào tháng 10, dù khả năng tăng lãi suất tháng 12 vẫn còn ngỏ.
JPY đã tăng giá nhờ sự suy yếu gần đây của USD. Báo cáo Niềm tin tiêu dùng Mỹ thấp hơn dự kiến làm dấy lên kỳ vọng Fed sẽ nới lỏng tiền tệ mạnh hơn, từ đó làm suy yếu đồng bạc xanh. Lợi suất TPCP Mỹ kỳ hạn 2 năm giảm sau báo cáo cho thấy niềm tin tiêu dùng sụt giảm vào tháng 9. Nếu dữ liệu kinh tế Mỹ tiếp tục yếu, lợi suất kỳ hạn 2 năm có thể giảm xuống dưới mức thấp nhất từ đầu năm là 3.528%, đạt được ngày 16/9 khi tỷ giá giao ngay giảm dưới 140.
USD/JPY đã điều chỉnh tăng trong phiên giao dịch châu Á và đầu phiên châu Âu sau khi giảm hôm qua. Hôm nay, nhà đầu tư đang chờ đợi Biên bản cuộc họp Chính sách Tiền tệ của BoJ công bố lúc 11:50 tối UTC. Dữ liệu này có thể cung cấp thêm thông tin về kế hoạch chính sách của BoJ. Bình luận mang tính hawkish có thể hỗ trợ Yên, trong khi lập trường thận trọng có thể đẩy USD/JPY tăng cao hơn.
Investing