Giấc mơ "hạ cánh mềm" của Mỹ: Còn bao xa tới đích?

Giấc mơ "hạ cánh mềm" của Mỹ: Còn bao xa tới đích?

Ngọc Lan

Ngọc Lan

Junior Editor

07:45 08/08/2024

Sau một đợt bán tháo mạnh, thị trường tài chính toàn cầu đã tạm thời lấy lại được sự bình ổn. Tuy nhiên, đằng sau sự ổn định này là sự lo lắng của các nhà đầu tư. Họ đang đặt câu hỏi liệu nền kinh tế Mỹ có thể đạt được "hạ cánh mềm" như kỳ vọng hay không. ("Hạ cánh mềm" ở đây nghĩa là lạm phát giảm về mức mục tiêu mà không gây ra suy thoái đáng kể).

Niềm tin vào kịch bản này đã giúp đẩy chỉ số S&P 500 lên mức cao kỷ lục vào giữa tháng 7. Nhưng những nghi ngờ lại càng tăng thêm do số liệu việc làm không mấy khả quan và việc Fed quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức cao nhất trong tuần vừa qua.

Nhìn tổng thể, Mỹ hiện không rơi vào suy thoái, và suy thoái cũng chưa hẳn sắp xảy ra. Ban đầu, có lo ngại rằng sự sụt giảm trên thị trường tài chính có thể làm chậm nền kinh tế thực thông qua một vòng xoáy bán tháo tự củng cố. Tuy nhiên, nỗi lo này đã được xua tan khi các nhà giao dịch bắt đầu mua vào trở lại. Số liệu việc làm tháng 7 của Mỹ, được công bố hôm thứ Sáu, tuy thấp hơn dự kiến nhưng cũng chưa phải là nguyên nhân gây lo ngại tức thì. Tỷ lệ thất nghiệp đã tăng 0.6 điểm phần trăm kể từ tháng 1, nhưng một phần của sự gia tăng này là do có nhiều người tham gia vào lực lượng lao động hơn.

Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ đang chậm lại hơn so với những gì thị trường và Fed có thể đã nhận định. Thực tế, những con số việc làm yếu kém nên khiến mọi người chú ý đến sự suy giảm rộng lớn hơn đang diễn ra ở Mỹ. Hãy xem xét người tiêu dùng Mỹ. Các ước tính gần đây cho thấy khoản tiết kiệm dư thừa từ thời kỳ đại dịch - vốn đã hỗ trợ chi tiêu - đã cạn kiệt. Chi tiêu hàng năm hiện đang tăng nhanh hơn thu nhập. Hơn nữa, tỷ lệ nợ xấu thẻ tín dụng đã vượt quá mức trước năm 2020. Mặc dù các hộ gia đình vẫn đang chi tiêu mạnh, nhưng phần lớn dường như là cho các khoản thiết yếu không thể cắt giảm, bao gồm tiền thuê nhà cao, hóa đơn tiện ích, và chăm sóc sức khỏe.

Tổng số tiền tiết kiệm dư thừa tích lũy của Mỹ trong thời kỳ đại dịch

Tiếp theo, một loạt chỉ số dự báo tương lai đang cho thấy đà tăng trưởng kinh tế đang chậm lại. Chỉ số đơn hàng mới trong lĩnh vực sản xuất đã ở mức suy giảm kể từ tháng 4. Số liệu hàng tuần về đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu, một chỉ báo kịp thời hơn về áp lực trong thị trường lao động, đang có xu hướng tăng và con số này vào tuần trước đã chạm mức cao nhất trong gần 1 năm qua. Các doanh nghiệp nhỏ, vốn thường sớm chịu tác động của lãi suất cao, cũng đang cắt giảm mạnh kế hoạch tuyển dụng. Đáng chú ý, nhóm này chiếm gần 50% lực lượng lao động ở Mỹ.

Những biến động thị trường trong vài tuần qua là một lời nhắc nhở cho các nhà đầu tư và hoạch định chính sách về việc cần phải xem xét kỹ lưỡng một loạt các chỉ số kinh tế khác. Những cái nhìn quá lạc quan về nền kinh tế có thể khiến người ta bị che mắt trước thực tế. Bên cạnh đó, tình hình chính trị bất ổn - bao gồm cả cuộc đua tổng thống Mỹ sát sao và những vấn đề liên quan đến dữ liệu cũng không giúp ích cho quá trình dự báo. Ví dụ, theo Khảo sát Hộ gia đình, tăng trưởng việc làm đang có dấu hiệu chậm lại, nhưng lại đang tăng đều theo chỉ số việc làm phi nông nghiệp.

Tăng trưởng việc làm theo các giai đoạn ở Mỹ

Suốt cả năm nay, Fed và các nhà đầu tư đều đang chờ đợi những dấu hiệu cho thấy lãi suất cao hơn đang gây áp lực lên nền kinh tế. Giờ đây, những tín hiệu đó đang trở nên rõ ràng hơn. Vấn đề là nền kinh tế không chậm lại một cách tuyến tính. Các đợt sa thải, phá sản và tịch thu tài sản thường tăng lên từ từ, rồi sau đó có xu hướng tăng nhanh theo dạng xoáy ốc. Tác động của lãi suất cao thường xuất hiện chậm, nhưng khi tác động đó bắt đầu xuất hiện, tình trạng khó khăn có thể gia tăng nhanh chóng. Trước khi Fed họp vào tháng 9, sẽ có thêm nhiều dữ liệu về việc làm, lạm phát và hoạt động kinh tế của Mỹ được công bố. Điều này có thể kích hoạt thêm nhiều đợt điều chỉnh giá - có thể tăng hoặc giảm.

Dù thế nào, Fed cũng nên tránh bất kỳ can thiệp khẩn cấp nào có thể gây ra thêm biến động mạnh trên thị trường. Tuy nhiên, việc cắt giảm lãi suất trong cuộc họp tới dường như là cần thiết, nếu không Fed có nguy cơ thắt chặt quá mức nhu cầu. Việc cắt giảm 50 bps cũng nên được xem xét như một lựa chọn.

Thật đáng mừng khi Fed có thể tập trung nhiều hơn vào khía cạnh còn lại trong nhiệm vụ kép của mình: hỗ trợ việc làm. Áp lực giá cả đang hạ nhiệt, và lạm phát PCE hàng năm vào tháng 6 đã giảm xuống chỉ còn cách mục tiêu 2% có nửa điểm phần trăm. Tăng trưởng kinh tế không rơi tự do, nhưng những dấu hiệu chậm lại đã rõ ràng. Kịch bản "hạ cánh mềm" vẫn đang diễn ra, nhưng "đường băng" ngắn hơn nhiều người nghĩ.

Financial Times

Broker listing

Cùng chuyên mục

Tăng thâm hụt ngân sách: Cả ông Trump và bà Harris đều chung "nước đi" này!
Đặng Thùy Linh

Đặng Thùy Linh

Junior Analyst

Tăng thâm hụt ngân sách: Cả ông Trump và bà Harris đều chung "nước đi" này!

Kamala Harris đã giành chiến thắng trong cuộc tranh luận tổng thống với Trump. Harris nổi bật với tầm nhìn hướng tới tương lai, nhấn mạnh các chủ đề như quyền phá thai, pháp quyền và chính sách đối ngoại liên quan đến chiến tranh ở Ukraine và Gaza. Ngược lại, Trump tập trung vào chỉ trích chính quyền hiện tại mà không đưa ra kế hoạch hay sáng kiến cụ thể.
Cắt giảm 50 bps: Dấu hiệu suy thoái hay bước ngoặt mới của Fed?
Quỳnh Chi

Quỳnh Chi

Junior Editor

Cắt giảm 50 bps: Dấu hiệu suy thoái hay bước ngoặt mới của Fed?

Sau cuộc họp FOMC, Fed đã bắt đầu "bước ngoặt chính sách" bằng việc cắt giảm lãi suất 50 bps, dự kiến tiếp tục nới lỏng trong năm 2024 - 2026, song thị trường cần thận trọng theo dõi các chỉ báo quan trọng như XRT, DBC, DBA và diễn biến của USD để đánh giá triển vọng kinh tế vĩ mô và xu hướng thị trường tài chính.
Forex Forecast - Diễn đàn dự báo tiền tệ