Goldman Sachs lạc quan về triển vọng hạ cánh mềm, dự báo Fed hạ lãi suất bốn lần trong năm 2024
Đoàn Phương Thảo
Junior Analyst
Theo Joshua Schiffrin, trưởng bộ phận chiến lược giao dịch toàn cầu tại Goldman Sachs, Fed sẽ hạ lãi suất tổng cộng bốn lần bắt đầu từ tháng 3 trong năm nay và lạm phát sẽ đạt mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Trong báo cáo 10 triển vọng năm 2024, Schiffrin cho rằng BoE và ECB sẽ hạ lãi suất giống như Fed. Tuy nhiên, BoJ sẽ đi ngược lại xu hướng bằng cách tăng lãi suất vào tháng 4.
Mặc dù các tài sản rủi ro sẽ mang lại lợi nhuận lớn, Schiffrin cảnh báo trong nửa đầu năm nay, giới đầu tư sẽ gặp khó khăn khi liên tục phải định giá lại thời gian và tốc độ hạ lãi suất của Fed. Ông khuyên các nhà đầu tư nên tìm kiếm cơ hội ở các thị trường mới nổi như Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Quốc như một kênh mua dự phòng sau khi chỉ số Đại lục đã giảm về mức đáy do đại dịch.
Nửa đầu năm 2024 sẽ là một năm khác biệt so với 4 năm vừa qua khi thị trường có nhiều biến động và không có xu hướng lớn. Sự nới lỏng của các ngân hàng trung ương sẽ là tâm điểm nhưng cái khó là sẽ được định giá như thế nào.
Các nhà giao dịch trái phiếu đã giảm kỳ vọng về việc cắt giảm lãi suất trong bối cảnh có nhiều dữ liệu kinh tế tốt hơn mong đợi. Trở lại tháng 12, việc giảm lãi suất vào tháng 3 được coi là điều chắc chắn, hiện kỳ vọng đã giảm xuống còn khoảng 40%. Trong cả năm 2024, các giao dịch hoán đổi ngụ ý tổng cộng Fed sẽ hạ 135 điểm cơ bản, so với 100 điểm cơ bản mà Schiffrin dự báo.
Sự gián đoạn tại Biển Đỏ do căng thẳng địa chính trị có thể khiến lạm phát khó hạ nhiệt sớm. Trong tương lai, Fed có thể sẽ thay đổi mục tiêu lạm phát của mình lên mức 1.5% đến 2.5% vào năm tới sau khi đạt được mục tiêu 2%.
Chủ tịch Fed Jerome Powell sẽ có một buổi họp vào tuần tới về chính sách tiền tệ, dự kiến sẽ giữ lãi suất ổn định trong cuộc họp thứ tư liên tiếp.
Schiffrin, gia nhập Goldman vào năm 2001 và được bổ nhiệm làm giám đốc vào năm 2012, đã chứng tỏ khả năng qua dự báo quyết định hạ cánh mềm của ông được đưa ra một năm trước. Thời điểm đó, khi các nhà đầu tư và nhà kinh tế phần lớn lo lắng về lạm phát tăng cao và suy thoái kinh tế sắp xảy ra, ông lại lạc quan hơn. Cuối cùng, nền kinh tế cũng tích cực trở lại và chỉ số giá tiêu dùng giảm từ mức 6.4% hàng năm xuống còn 3.4%.
Tháng 1 năm ngoái, ông cũng kêu gọi Ngân hàng Nhật Bản “ngừng” chương trình kiểm soát đường cong lợi suất. Chín tháng sau, khi lợi suất TPCP Mỹ tăng kéo lãi suất toàn cầu lên cao hơn, BoJ phát tín hiệu sẽ để lãi suất chuẩn vượt ngưỡng, mặc dù vẫn duy trì kiểm soát chặt chẽ.
Tuy nhiên, ông cũng có dự báo không chính xác. Ông đã đánh giá thấp mức độ tăng lãi suất của Fed và đánh giá sai Ngân hàng Trung ương Anh là ngân hàng trung ương lớn đầu tiên hạ lãi suất. Việc ông kỳ vọng đồng yên Nhật sẽ mạnh lên so với đồng đô la cũng không xảy ra.
Trong tương lai, Schiffrin kỳ vọng mức tăng 20 điểm cơ bản tiếp theo của lợi suất TPCP Mỹ sẽ có xu hướng tăng thay vì giảm do quỹ đạo tăng trưởng ổn định.
Bloomberg